Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã họp từ ngày 27 - 31.3.1982 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.033 đại biểu, thay mặt hơn 1,72 triệu đảng viên trong cả nước và 47 đoàn đại biểu quốc tế.
Đại hội thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng
Từ Đại hội lần thứ IV đến Đại hội V của Đảng là những năm đầu cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đất nước thống nhất bước vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần IV của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã ra sức khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế giành thắng lợi trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, nền kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức mới. Đảng, Nhà nước ban hành một số chủ trương, chính sách mới về phát triển kinh tế. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (tháng 8.1979) bàn về giải pháp khắc phục những yếu kém trong quản lý kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa, điều chỉnh những chủ trương, chính sách kinh tế, xóa bỏ rào cản, mở đường cho sản xuất phát triển; đổi mới công tác kế hoạch hóa, kết hợp kế hoạch với thị trường, kết hợp 3 lợi ích: Nhà nước, tập thể, cá nhân người lao động...
Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV) đã tạo động lực mới cho kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng phát triển. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành tháng 10.1981 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong HTX nông nghiệp đã bước đầu tạo khí thế mới trong sản xuất. Nông nghiệp có chiều hướng phát triển tốt, công nghiệp quốc doanh xuất hiện một số điển hình đạt hiệu quả kinh tế cao, tiểu thủ công nghiệp phát triển khá. Công tác quản lý kinh tế bắt đầu chuyển đúng hướng. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn không ít khó khăn như chưa thu hẹp được những mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế quốc dân; thu nhập quốc dân chưa bảo đảm cho tiêu dùng xã hội, nền kinh tế chưa tạo được tích lũy.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã họp từ ngày 27 - 31.3.1982 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.033 đại biểu, thay mặt hơn 1,72 triệu đảng viên trong cả nước và 47 đoàn đại biểu quốc tế.
Đại hội nghe Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nhiều báo cáo quan trọng khác. Đại hội đã chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan của khó khăn, yếu kém. Đại hội đã thẳng thắn nêu lên nguyên nhân chủ quan, đó là những sai lầm về lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Việc nắm và hiểu tình hình thực tế, cụ thể hóa đường lối và chấp hành đường lối của Đảng có những khuyết điểm, sai lầm. Chưa thấy hết khó khăn, phức tạp của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế mà sản xuất nhỏ còn phổ biến, duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính, quan liêu bao cấp, chậm thay đổi các chính sách... Trên cơ sở đó, Đại hội vạch ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội từ năm 1981 - 1985, đề ra hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra.
Đại hội thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng và bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết; đồng chí Lê Duẩn được Ban Chấp hành Trung ương bầu lại làm Tổng Bí thư.
Sau Đại hội, tình hình kinh tế, nhất là tình hình thị trường giá cả tiếp tục diễn biến xấu, tiền lương thực tế liên tục bị giảm sút. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 đã bàn và quyết định vấn đề cải cách một bước giá cả, tiền lương, tài chính, tiền tệ để xóa bỏ quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh có hiệu quả.
Ngày 10.7.1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần. Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phiên đặc biệt vào ngày 14.7.1986, bầu đồng chí Trường Chinh giữ chức Tổng Bí thư.
Theo TTXVN