Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trong thư chúc mừng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, biểu dương Đại học Quốc gia Hà Nội về những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, nhất là từ khi chuyển trụ sở chính tới khu đô thị mới tại Hòa Lạc.
“Sau 30 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt được các thành tích xuất sắc và thực sự trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng hàng đầu của đất nước, có vai trò nòng cốt và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”, thư Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân nhắc lại dấu mốc tháng 12/1993, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Nghị định số 97 thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại một số trường đại học, viện nghiên cứu khoa học ở khu vực Hà Nội.
Đại học Quốc gia Hà Nội ra đời với tầm nhìn và kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước về cơ sở giáo dục đại học lớn nhất đất nước mang tầm quốc tế. Trường mang sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực.
Trải qua 30 năm phát triển, hiện, Đại học Quốc gia Hà Nội có hơn 5.000 cán bộ. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 62% (cao hơn gấp 2 lần tỷ lệ trung bình của các trường đại học cả nước); tỷ lệ giáo sư/phó giáo sư cao gấp 5 lần trung bình cả nước.
Từ chỗ chỉ có hơn 50 ngành đào tạo, đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai 190 chương trình đào tạo bậc đại học, 198 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ, 118 chương trình đào tạo bậc tiến sĩ.
Quy mô đào tạo những năm đầu mới thành lập chỉ khoảng 20.000 sinh viên chính quy và 50 nghiên cứu sinh, đến nay, toàn trường có 71.000 người học. Trong 30 năm qua có khoảng 280.000 người tốt nghiệp, trong đó có 230.000 cử nhân, 43.000 thạc sỹ và gần 3.000 tiến sỹ.
Mô hình đào tạo học sinh giỏi của các trường THPT chuyên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội trong những năm qua trở thành đầu tàu. Riêng năm 2023, số huy chương vàng của Đại học Quốc gia Hà Nội chiếm 50% tổng số huy chương vàng của cả nước.
Năm 2018, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng lần đầu tiên được xếp vào nhóm 1.000 đại học hàng đầu thế giới và hiện không ngừng phát triển, củng cố và duy trì vị trí xếp hạng.
Thời gian tới, Đại học Quốc gia Hà Nội phấn đấu trở thành đại học tiên tiến của khu vực và châu Á, top 200 thế giới vào năm 2045. Đơn vị phấn đấu đến năm 2025 có quy mô đào tạo 25.000 sinh viên và hướng tới năm 2030 có 80.000 học sinh, sinh viên và khoảng 10.000 giảng viên, nhân viên.
Ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, các thế hệ giảng viên, học viên, sinh viên của trường đã không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả đáng trân trọng, tự hào. Trường đã trở thành cơ sở đào tạo uy tín trong đất nước và khu vực, từng bước xác lập vị thế trên trường quốc tế.
"Thành tựu 30 năm thực hiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần tô thắm thêm truyền thống 117 năm vẻ vang, đóng góp xứng đáng công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc", ông Đỗ Văn Chiến nói.
Từ đó, ông Chiến đề nghị, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 và các chủ trương, đường lối của đảng, dành tâm sức xây dựng trình Chính phủ xem xét, phê duyệt các giải pháp, cơ chế và nguồn lực để phát huy mọi tiềm năng của đơn vị.
Trường cần tập trung xây dựng khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc trở thành niềm tự hào, tiêu biểu cho trí tuệ, nơi khởi nguồn cảm hứng học tập, nghiên cứu, sáng tạo và hợp tác phát triển. Đồng thời xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội thành cơ sở giáo dục đào tạo có tiếng trong nước và tiến tới quốc tế, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giao nhiệm vụ.
Theo VTC News