Đại học Ngoại thương công bố về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển năm 2016

30/04/2016 17:37

Trường Đại học Ngoại thương vừa chính thức công bố về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển năm 2016.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Theo đó, thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia không được tuyển thẳng mà chỉ được ưu tiên cộng điểm vào tổng điểm của 3 môn xét tuyển vào ngành đăng ký.

Trường Đại học Ngoại thương cho biết, đối tượng tuyển thẳng năm 2016 của trường sẽ là anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT); người đã trúng tuyển vào trường Đại học Ngoại thương, nhưng ngay năm đó có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung nay đã hoàn thành nghĩa vụ, được phục viên, xuất ngũ mà chưa được nhận vào học ở một trường lớp chính quy dài hạn nào, được từ cấp trung đoàn trong quân đội hoặc Tổng đội thanh niên xung phong giới thiệu, nếu có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn về sức khoẻ, có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ thì được xem xét nhận vào học theo ngành đã trúng tuyển trước đây.

Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào ngành đăng ký; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức môn Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung và Tiếng Nhật, đã tốt nghiệp THPT, được tuyển thẳng vào ngành đúng với môn học sinh đạt giải (Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật).

Thí sinh trong đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào ngành phù hợp với nội dung của đề tài dự thi của thí sinh do Hội đồng tuyển sinh quyết định; thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền theo quy định, có điểm trung bình học tập từng năm lớp 10, 11, 12 từ 7,0 trở lên. Căn cứ vào kết quả học tập của học sinh, tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo, Hiệu trưởng sẽ xem xét quyết định cho vào học.

Thí sinh là người nước ngoài, đã tốt nghiệp THPT, đạt yêu cầu về kiểm tra kiến thức và ngôn ngữ của từng chương trình đào tạo bằng Tiếng Việt hoặc Tiếng Anh của Nhà trường. Căn cứ vào hồ sơ xin học và yêu cầu của ngành đào tạo, Hiệu trưởng sẽ xem xét quyết định cho vào học.

Quy định ưu tiên xét tuyển: cộng tối đa 4 điểm

Đại học Ngoại thương cho biết, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 các môn Toán, Lý, Hóa, Tin học, Văn, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung và Tiếng Nhật, đã tốt nghiệp THPT sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì, được ưu tiên cộng điểm vào tổng điểm của 3 môn xét tuyển khi xét tuyển vào ngành đăng ký.

Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, đã tốt nghiệp THPT sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì, được ưu tiên cộng điểm vào tổng điểm của 3 môn xét tuyển khi xét tuyển vào ngành phù hợp với nội dung của đề tài dự thi của thí sinh do Hội đồng tuyển sinh quyết định.

Mức cộng điểm được quy định như sau (Nếu đạt nhiều giải cùng một môn/lĩnh vực thì chỉ được hưởng một tiêu chuẩn cộng điểm cao nhất): Thí sinh đạt giải nhất: cộng 4 điểm; thí sinh đạt nhì: cộng 3 điểm; thí sinh đạt giải ba: cộng 2 điểm; thí sinh đạt giải khuyến khích: cộng 1 điểm

Chỉ tiêu xét tuyển thẳng: không quá 1%

Theo Đại học Ngoại thương, đối tượng xét tuyển thẳng là thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), tính đến ngày nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển.

Thí sinh là người dân tộc rất ít người (theo quy định tại Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015 theo Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ).

Những thí sinh này phải đạt điều kiện về học lực: xếp loại học lực các năm lớp 10,11,12 đạt loại giỏi. Chỉ tiêu xét tuyển thẳng không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2016. Căn cứ theo điểm bình quân của điểm tổng kết 3 năm lớp 10,11,12, Nhà trường xét tuyển theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Sau khi trúng tuyển thí sinh phải học bổ sung kiến thức 01 năm tại một trường dự bị đại học trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng nhà trường quy định.

Hồ sơ, thời gian đăng ký tuyển thẳng

Hồ sơ đăng ký tuyển thẳng gồm: Phiếu đăng ký tuyển thẳng; bản sao hợp lệ: chứng nhận là thành viên tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc chứng nhận là thành viên đội tuyển tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (có tên trong danh sách của Bộ GDĐT) hoặc giấy chứng nhận đạt giải Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc giấy chứng nhận các đối tượng ưu tiên tuyển thẳng khác; 02 phong bì đã dán tem ghi rõ họ tên, địa chỉ liên lạc, số điện thoại của thí sinh;02 ảnh chân dung cỡ 4 x 6.

Thí sinh thuộc diện tuyển thẳng gửi hồ sơ về Sở GDĐT trước ngày 20-5-2016.

Sau khi có thông báo danh sách được tuyển thẳng của Trường (trước ngày 5-8-2016), thí sinh phải nộp bản chính các giấy chứng nhận đối tượng tuyển thẳng cho Trường đại học Ngoại thương trước ngày 10-8-2016. Quá thời hạn trên, thí sinh không nộp các giấy tờ quy định vừa nêu xem như từ chối nhập học.

Theo Tiền phong

(0) Bình luận
Đại học Ngoại thương công bố về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển năm 2016