Các đại học không được đào tạo từ xa các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Nội dung này nằm trong Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cuối năm 2023, có hiệu lực từ ngày 12/2. Đây cũng là điểm mới so với quy chế cũ. Ngoài ra, các trường chỉ được đào tạo từ xa với ngành đã được cấp phép và tuyển sinh được tối thiểu ba khóa chính quy.
Trong khi đó, theo quy chế cũ ban hành từ năm 2017, các trường được đào tạo từ xa với tất cả ngành đã được phép đào tạo chính quy. Điều này cho thấy quy định mới chặt chẽ hơn.
Các yêu cầu về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất cũng được bộ quy định chi tiết. Theo đó, các trường bảo đảm số lượng, chất lượng, trình độ giảng viên, cán bộ quản lý, hỗ trợ học tập và bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giảng dạy từ xa cho họ. Giảng viên thỉnh giảng chỉ được dạy tối đa 30% khối lượng chương trình.
Ngoài ra, các đại học phải có phòng kỹ thuật với đầy đủ thiết bị của hệ thống đào tạo từ xa; có hệ thống quản lý tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng; có thư viện và thư viện điện tử với đầy đủ giáo trình, tài liệu; có đủ học liệu chính và bổ trợ cho hai năm đầu của chương trình...
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra quy định đình chỉ hoạt động đào tạo từ xa - điều trước đây chưa nêu cụ thể. Các trường sẽ bị đình chỉ đào tạo từ xa khi không đáp ứng được một trong các yêu cầu tối thiểu ở trên. Thời gian đình chỉ từ 6 tháng đến một năm.
Chương trình đào tạo từ xa được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1993. Các trường được phép đào tạo hệ này đầu tiên có thể kể đến Đại học Mở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trước thông tư mới ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng ban hành quy chế đào tạo từ xa vào năm 2003 và 2017 với các quy định ngày càng chặt chẽ, cụ thể hơn, đặc biệt về các điều kiện tối thiểu để bảo đảm chất lượng.
Theo VnExpress