Đại đức Thích Thanh Toàn, người bị tố "gạ tình" nữ phóng viên đã có tờ trình xin được xả giới, hoàn tục và xin được giữ lại tài sản cá nhân.
Đại đức Thích Thanh Toàn tại cuộc họp ngày 5.10
Chia sẻ với phóng viên sáng 6.10, Đại đức Thích Tâm Vượng - Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết Đại đức Thích Thanh Toàn - trụ trì chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, huyên Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, người làm dậy sóng dư luận thời gian qua với lời cáo buộc "gạ tình" phóng viên - đã có tờ trình xin xả giới và hoàn tục.
Xin hoàn tục và giữ lại tài sản cá nhân
Tờ trình được Đại đức Thích Thanh Toàn đưa ra tại cuộc họp về việc thi hành kỷ luật đại đức này chiều 5.10 tại văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc.
Cuộc họp được thực hiện ngay sau công văn ngày 4.10 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc thi hành kỷ luật Đại đức Thích Thanh Toàn.
Đại đức Thích Tâm Vượng cho hay tại buổi họp, Đại đức Thích Thanh Toàn một lần nữa nhận thấy các khuyết điểm, lỗi lầm, vi phạm nghiêm trọng của mình đã làm ảnh hưởng đến Giáo hội và Tăng đoàn nên đã thành tâm phát nguyện sám hội đại tăng và có tờ trình xin xả giới hoàn tục.
Tờ trình của đại đức Thích Thanh Toàn có đoạn: "Trong thời gian qua, con đã có làm một số việc ảnh hưởng đến giáo hội và con cảm thấy không xứng đáng làm một đệ tử xuất gia.
Nay con làm đơn này xin xả giới và hoàn tục, đồng thời con cũng xin giao chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc quản lý".
Tờ trình của Đại đức Thích Thanh Toàn - Ảnh: NVCC
Ngoài việc xin xả giới hoàn tục như trong tờ trình, Đại đức Thích Tâm Vượng cho biết Đại đức Thích Thanh Toàn còn đưa thỉnh nguyện tại cuộc họp xin được giữ lại những tài sản như trang trại, đất đai, xe cộ mang tên chủ sở hữu là thể danh của sư Toàn.
Đại đức Thích Tâm Vượng nói Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục họp để giải quyết các Phật sự liên quan chùa Nga Hoàng và Đại đức Thích Thanh Toàn trong thời gian tới nhưng cơ bản đồng ý với thỉnh nguyện của sư Toàn, bao gồm cả thỉnh nguyện sở hữu tài sản cá nhân.
"Tài sản đối với người tu hành có 2 loại. Một là tài sản thuộc cơ sở tôn giáo, hai là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Ví dụ có Phật tử cúng cho thày Toàn một cái ô tô mang tên thế danh của thầy thì tài sản đó thầy được quyền sở hữu", Đại đức Thích Tâm Vượng giải thích về việc Giáo hội Vĩnh Phúc cơ bản đồng ý với thỉnh nguyện của sư Toàn xin sở hữu những tài sản cá nhân.
Trước đó, trong cuộc họp chiều 28.9 của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Đại đức Thích Thanh Toàn đã nhận những khuyết điểm sai phạm và nhận quyết định tạm thời đình chỉ vai trò trụ trì chùa Nga Hoàng trong thời gian 3 tháng của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc.
Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định Đại đức Thích Thanh Toàn đã "vi phạm nghiêm trọng" - Ảnh: NVCC
"Vi phạm nghiêm trọng"
Liên quan tới vụ việc của Đại đức Thích Thanh Toàn, ngày 4.10, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đã ký công văn gửi tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc về việc thi hành kỷ luật Đại đức Thích Thanh Toàn.
Công văn viết: Những ngày gần đây trên các báo và phương tiện truyền thông có những bài viết phản ánh về sự việc liên quan đến Đại đức Thích Thanh Toàn - trụ trì chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, huyên Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc - gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến bàn luận trong xã hội làm ảnh hưởng đến Phật giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Căn cứ vào báo cáo của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tam Đảo và thông báo kết luận của Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Đại đức Thích Thanh Toàn đã vi phạm nghiêm trọng Luật Phật chế và Hiến chương Giáo hội.
Đề nghị Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc căn cứ Hiến chương Giáo hội và nội quy Ban Tăng sự Trung ương thi hành kỷ luật Đại đức Thích Thanh Toàn và báo cáo bằng văn bản gửi gấp về Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để có cơ sở làm việc với cơ quan, ban ngành ở Trung ương".
Chia sẻ về vụ việc này, Đại đức Thích Tâm Vượng cho biết ông "rất buồn và tiếc", nhưng không có cách nào khác bởi Đại đức Thích Thanh Toàn đã "mắc phải quyết điểm lỗi lầm mà không có con đường nào khác ngoài con đường xin xả giới hoàn tục"
Yêu thương và chia sẻ để tu sĩ không phải bỏ dở đường tu
Chia sẻ tâm sự về vụ việc "chấn động" dư luận của sư Toàn vừa qua, Đại đức Thích Tâm Vượng nói: "Tất cả sự việc đã diễn ra đối với thầy Toàn các thày để công chúng phán xét. Thầy tin nhân quả, ai làm sai người đó chịu, dám nhận lỗi để sửa đổi đó là bản chất người tu hành".
Đại đức Thích Tâm Vượng cũng nhắn nhủ tới các Phật tử và xã hội: "Mong rằng chúng ta nên yêu thương đùm bọc và chia sẻ chân tình, mọi chuyện có thể làm dịu xuống được nếu ta nói với nhau khi mọi chuyện mới bắt đầu, để một tu sĩ không phải bỏ dở cuộc đời tu của mình".
Theo Tuổi trẻ