Việc các trường học chật chội không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh mà còn làm chậm tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Đại Đồng.
Học sinh lớp 6B Trường THCS xã Đại Đồng phải học trong các lớp tồi tàn
Do thiếu mặt bằng nên hiện nay các trường học ở xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) đều chật chội, thậm chí học sinh phải đi học nhờ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh mà còn làm chậm tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Trường xuống cấp
Là trường duy nhất của xã đạt chuẩn quốc gia mức độ I nhưng hiện Trường Tiểu học Đại Đồng vẫn còn thiếu một phòng học và các phòng chức năng. Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Năm 2017, trường đủ phòng học nhưng năm nay do số học sinh lớp 1 tăng nên trường bị thiếu 1 phòng. Hiện chúng tôi phải mượn phòng ở Trạm Y tế xã. Nhiều phụ huynh kiến nghị trường tổ chức ăn bán trú cho các cháu nhưng trường vẫn chưa làm được. Đồ dùng, dụng cụ phục vụ việc dạy và học phải để tạm ở lán trại".
Trong khi hầu hết học sinh ở các xã khác trên địa bàn huyện Tứ Kỳ đều được học trong những ngôi trường khang trang, hiện đại thì học sinh lớp 6B của Trường THCS Đại Đồng vẫn phải học ở phòng cấp 4 tồi tàn. Khi trời mưa, nước từ ngoài vẫn hắt qua cửa sổ được che tạm bợ bằng những tấm cánh cửa đã mối mọt vào trong lớp. Những ngày nắng thì tường bong tróc, lở loét. Hiện trường không có phòng chức năng, không có sân thể thao phục vụ môn thể dục. Khu hiệu bộ của trường là dãy nhà được xây từ năm 1982, mặc dù đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng trường vẫn phải tu sửa để làm chỗ ngồi, chỗ họp cho giáo viên. Tuy nhiên, phòng cũng không đủ, các bộ phận vẫn phải ngồi chung phòng.
Cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các thầy, cô giáo và học sinh. Thầy Trần Quốc Lệ, Hiệu trưởng Trường THCS xã Đại Đồng cho biết: "Do thiếu phòng, các giáo viên dạy thực hành ngay trên lớp học nên chỉ có một nhóm nhỏ học sinh được làm các thí nghiệm, các em còn lại ngồi nhìn. Sân chơi, bãi tập không có nên các em học thể dục ngay trong sân trường. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh lớp đó mà còn gây ồn ào, ảnh hưởng đến các lớp khác".
Thiếu đất xây trường
Năm 2006, tỉnh có chủ trương sáp nhập hai Trường THCS Đại Đồng và Kỳ Sơn thành Trường THCS Đại Sơn, đã quy hoạch 17.000 m2 đất tại thôn Nghĩa Dũng, xã Đại Đồng để xây dựng trường. Nhưng do gặp một số khó khăn, vướng mắc nên đến nay dự án liên trường chưa thực hiện được. "Chúng tôi hy vọng sẽ sớm được chuyển ra trường mới nên không đầu tư cơ sở hạ tầng, bởi nếu đầu tư sau này không sử dụng thì rất lãng phí. Thêm vào đó, trường cũng khó khăn, không có kinh phí để xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng, tu sửa lớp", thầy Trần Quốc Lệ, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng nói.
Để giải quyết vấn đề trường lớp, UBND xã Đại Đồng đã đề nghị tỉnh cho phép được quản lý, sử dụng khu đất quy hoạch xây Trường THCS Đại Sơn trước đây nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức về việc này. Ông Nguyễn Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: "Nếu được sử dụng diện tích đất đó, chúng tôi sẽ giải quyết được tiêu chí trường học. Vì hiện nay, quỹ đất công trên địa bàn xã còn rất ít, trong khi để xây dựng được trường THCS và mầm non đạt chuẩn thì cần diện tích đất rất lớn. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì không biết đến khi nào Đại Đồng mới đạt chuẩn nông thôn mới".
Theo đó, xã Đại Đồng sẽ chuyển toàn bộ trường THCS và trường mầm non ra khu đất mới, trường THCS hiện tại giao cho trường tiểu học quản lý, sử dụng. Khi đó, trường tiểu học sẽ đủ về diện tích và phòng học, phòng chức năng, trường mầm non và THCS cũng sẽ bảo đảm các yêu cầu về khuôn viên và phòng học.
Để có kinh phí xây dựng trường học, hiện nay, xã Đại Đồng đã quy hoạch 40 suất đất ở các thôn Nghĩa Dũng và Nghĩa Xá để đấu giá chuyển quyền sử dụng. Hiện nhu cầu sử dụng đất ở của người dân địa phương rất lớn nên việc đấu giá sẽ thành công và xã có kinh phí xây dựng trường. Người dân trong xã mong muốn các cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm khu đất ở thôn Nghĩa Dũng để địa phương có đất xây dựng trường học.
THANH HÀ