Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là một bộ phận quan trọng hợp thành trong hệ thống tư tưởng của Người về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2019-2024 bức trướng mang dòng chữ: "Đoàn kết- Dân chủ- Đồng thuận- Phát triển". Ảnh tư liệu
Đại đoàn kết tức là đoàn kết đại đa số nhân dân
Với nhãn quan chính trị sắc bén, với tinh thần nhân văn cao cả, suốt cả cuộc đời, Bác đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về đại đoàn kết dân tộc, tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong toàn Đảng và các cấp chính quyền, trong các tầng lớp nhân dân, kể cả đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc.
Nghiên cứu toàn bộ di cảo của Bác có thể nhận thấy cụm từ “đoàn kết” và “đại đoàn kết” được Bác nhắc tới hàng nghìn lần, ở mọi điều kiện, trong mọi hoàn cảnh lịch sử.
Về lực lượng của khối đại đoàn kết, Bác chỉ rõ “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây”.
Lực lượng của khối đại đoàn kết được Bác cụ thể hóa trong các cụm từ như: “đại đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết dân tộc”, “toàn dân tộc ta đoàn kết”.
Tuy cách diễn đạt khác nhau, nhưng nội hàm của các khái niệm trên đều thống nhất khi khẳng định lực lượng của khối đại đoàn kết là toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng.
Đây cũng chính là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thành lập và lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 18.11.1930.
Dựa trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc
Đại đoàn kết được xây dựng dựa trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc và những lợi ích chính đáng của nhân dân lao động. Thực tiễn lịch sử đã xác nhận, suy đến cùng, mối quan hệ giữa các tầng lớp nhân dân trở nên bền chặt hay không do chính vấn đề lợi ích quy định.
Nếu không thỏa mãn những vấn đề tối thiểu về lợi ích thì sẽ không thể có được sự đoàn kết.
Việt Nam là nước có cơ cấu xã hội-giai cấp phong phú. Những môi trường sống khác nhau đã tạo nên ở mỗi tầng lớp nhân dân sự khác biệt về nhận thức và hành động.
Từ đó dẫn đến lợi ích của họ cũng khác nhau, thậm chí có những xung đột về vấn đề lợi ích. Nhằm quy tụ sức mạnh của cả dân tộc hướng vào mục tiêu chung, tạo nên hợp lực trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm kiếm, trân trọng và phát huy những yếu tố tương đồng, thống nhất để khắc chế, giải quyết các yếu tố khác biệt, mâu thuẫn.
Yếu tố tương đồng để quy tụ sức mạnh của cả dân tộc phải phản ánh được khát vọng cháy bỏng của mọi người Việt Nam yêu nước, đó là tinh thần: “Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức; tóm lại, phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” ở mọi nơi và mọi lúc”.
Mẫu số chung của khối đại đoàn kết dân tộc, theo Bác là chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Độc lập, tự do là nội dung cơ bản về quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia dân tộc, của mỗi cá nhân, thành viên trong dân tộc đó.
Như vậy, xác định mục tiêu phản ánh được lợi ích căn bản, cấp bách và nóng bỏng nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam đang sống trong cảnh độc lập, tự do của Tổ quốc bị đe dọa chính là phương thức quan trọng để quy tụ sức mạnh toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cội nguồn của mọi thành công
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng: “Sử ta dạy cho ta bài học này:
Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”; Đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”.
Do đó, để đánh bại các thế lực đế quốc, thực dân, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thôi là chưa đủ, cách mạng muốn thành công và “thành công đến nơi”, phải tập hợp tất cả các lực lượng, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững.
Người nhấn mạnh: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ, Chỉ có một ý chí: Quyết không chịu mất nước, Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho tổ quốc. Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng vững chắc xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”.
Do đó, ngay từ khi tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Bác đã rất lưu ý tới công tác tập hợp quần chúng, đưa họ vào những tổ chức yêu nước phù hợp với đặc điểm của từng giới, lứa tuổi, giai cấp, tôn giáo...
Lịch sử đã chứng minh, trải qua các thời kỳ cách mạng, với khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã làm nên những thắng lợi vĩ đại, viết lên những trang sử hào hùng của cả dân tộc, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ, trở thành chủ nhân của đất nước; mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Không dừng lại ở việc xác định đại đoàn kết là mục tiêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định nhiệm vụ của toàn Đảng là giữ gìn sự đoàn kết.
Trong Di chúc, Người dặn lại chúng ta "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".
Tiếp tục củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đại đoàn kết, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ chiến lược trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Trong những năm qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian tới là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng.
Đặc biệt, đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo TTXVN