Năm nào cũng vậy, vừa bước vào hè đã có những trẻ em bị chết đuối, gây ra bao nỗi đau cho gia đình và xã hội.
Những trò chơi vui nhộn thế này của trẻ luôn chứa đựng đầy rủi ro. Ảnh chụp tại cầu Sãi, xã Kim Đính (Kim Thành)
Mất con
Đã một tuần sau vụ tai nạn đuối nước thương tâm, bầu không khí ở gia đình anh Trần Duy Phú (39 tuổi) ở tổ 2, thôn Tiên Sơn, xã Thanh Giang (Thanh Miện) vẫn bao trùm bởi nỗi đau tang tóc. Vì quá thương xót các con, vợ anh Phú - chị Phạm Thị Vân Anh đã khóc cạn nước mắt.
Sự việc đau lòng xảy ra vào chiều 24-5. Khi ấy, anh Phú đang chơi thể thao cùng một số thanh niên ở làng. Chị Vân Anh ở nhà chơi với các con. Đến khoảng 17 giờ, chị tranh thủ đi tắm. Chị dặn các con chỉ được chơi trong nhà. Chưa đầy 15 phút tắm giặt, chị ra ngoài sân thì không thấy các con đâu. Linh tính mách bảo có điều không lành xảy ra, chị chạy ra bờ ao cạnh nhà để xem thì thấy thi thể của đứa con trai nhỏ (sinh năm 2013) nổi trên mặt ao. Mặc dù hàng xóm đã giúp đỡ đưa ngay cháu ra trạm y tế nhưng đã quá muộn. Một lúc sau, người dân mới vớt được thi thể của cháu gái (sinh năm 2011). Cùng một lúc, gia đình anh Phú mất đi 2 thành viên bé nhỏ. Không có nỗi đau, sự mất mát nào lớn hơn. Anh Phú chia sẻ: “Biết các con còn nhỏ, chưa biết bơi nên chúng tôi đã căn dặn các cháu không được ra bờ ao chơi. Để phòng tránh, gia đình cũng đã dựng hàng rào sắt bao quanh bờ ao cạnh nhà. Tuy nhiên, còn một phần ao tiếp giáp với đường đi không lắp hàng rào che chắn. Không ngờ các cháu rủ nhau ra bờ ao chơi dẫn đến kết cục đau thương này”.
"Buổi chiều, tôi cùng một số người thân trong gia đình đang nói chuyện ngoài sân, nhãng đi vài phút đã không thấy con đâu. Khi ra ao phía sau nhà thì thấy cháu đã nổi trên mặt nước”.
|
|
Từ cuối tháng 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm khác. Khoảng 11 giờ 30 ngày 4-6, người dân phát hiện 2 cháu Dương Thị Ngọc Ánh (sinh ngày 22-10-2012) con anh Dương Văn Chiến và chị Trần Thị Kẻ; cháu Dương Thị Thu Tảo (sinh ngày 1-11-2012), con anh Dương Văn Hải và chị Phạm Thị Hoa (đều trú tại thôn Thượng Bì, xã Yết Kiêu, Gia Lộc) chết dưới giếng làng của thôn. Tiếp đó, chiều tối 5-6, vụ tai nạn đuối nước xảy ra tại gia đình chị Nguyễn Thị Chúc ở thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) cũng đã cướp đi sinh mạng cháu Nguyễn Bảo Nam (sinh năm 2013) là con trai chị Chúc. Trong tiếng nấc liên hồi, người phụ nữ bất hạnh cho biết: “Tôi lấy chồng ở huyện Giao Thủy (Nam Định). Hai vợ chồng tôi mới có mâu thuẫn nên tôi đưa cháu về nhà ông ngoại chơi. Buổi chiều, tôi cùng một số người thân trong gia đình đang nói chuyện ngoài sân, nhãng đi vài phút đã không thấy con đâu. Khi ra ao phía sau nhà thì thấy cháu đã nổi trên mặt nước. Trước đó, cháu vẫn đang chơi đùa cùng với mọi người. Vậy mà chỉ một chút sơ sểnh tôi đã mất con”.
Một số trường hợp lớn tuổi hơn, thậm chí biết bơi nhưng vẫn có thể gặp tai nạn đuối nước. Điển hình là vụ việc xảy ra vào hồi 18 giờ ngày 1-6 tại khu vực sông Vạn Yên, khu An Nhân Đông, thị trấn Tứ Kỳ. Lúc ấy anh Đỗ Đức Tuyên (sinh năm 1997) ở thị trấn Tứ Kỳ cùng 3 người bạn ra bơi sông. Khi lên bờ không thấy anh Tuyên đâu, mọi người liền tri hô cứu giúp. Tuy nhiên phải đến 21 giờ 30 cùng ngày, người dân mới tìm thấy xác anh Tuyên. Nhiều người dân ở đây phán đoán nguyên nhân có thể do anh Tuyên bị cảm hoặc bị chuột rút nên đã bị đuối nước.
Trẻ không biết bơi, cha mẹ chủ quan
Dạy bơi là cách trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn đuối nước thiết thực nhất cho trẻ
Theo thống kê của Khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh), năm 2015, toàn tỉnh có 2.771 ca tai nạn liên quan đến ao hồ, sông nước, trong đó có 26 ca tử vong. Nạn nhân chủ yếu trong độ tuổi từ 4-14 tuổi (chiếm trên 70%). Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay trong tỉnh cũng đã có 4 vụ đuối nước làm 3 em nhỏ dưới 14 tuổi mất mạng. Trong thời gian ngắn từ cuối tháng 5 đến ngày 5-6, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 6 người chết, trong đó có 5 trẻ em.
Các vụ tai nạn đuối nước thường xảy ra vào mùa hè tại vùng nông thôn, nơi có nhiều sông ngòi, ao hồ. Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước thương tâm là do các em còn quá nhỏ, không biết bơi, khi vui chơi quanh các ao hồ không có người lớn đi kèm. Các địa phương thiếu khu vui chơi... Theo quan sát tại hiện trường của những vụ đuối nước vừa qua, đa phần các nạn nhân đều gặp nạn ngay tại khu vực ao, hồ gần nhà. Điều này cho thấy các bậc phụ huynh đã quá chủ quan trong việc bảo vệ các em nhỏ. Một số gia đình có ao thả cá nhưng không làm hàng rào chắn, khu vực sân chơi nằm sát bờ ao, hồ. Ông Lê Đức Minh, Phó Trưởng Khoa Sức khỏe nghề nghiệp cho biết: “Một số phụ huynh còn chủ quan, vẫn để con em mình vui chơi tự do ở gần sông hồ. Nhiều thanh niên vẫn thích tham gia các trò chơi mạo hiểm như nhảy cầu, thách nhau bơi sông, tắm ở ao hồ vào thời điểm giữa trưa nắng… Vì vậy, tai nạn đuối nước rất khó được kiểm soát và hạn chế”.
Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều biện pháp nhằm phòng chống đuối nước, nhất là cho trẻ em. Cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động dạy bơi, cố gắng tạo những sân chơi lành mạnh và an toàn cho trẻ em. Hiện nay, nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được bể bơi để dạy bơi cho các em học sinh. Ngay trên địa bàn thành phố và các huyện, thị xã, bước vào dịp hè đã có nhiều lớp dạy bơi được mở. Tuy nhiên nhìn chung, trẻ em, nhất là trẻ em ở nông thôn vẫn còn thiếu các sân chơi lành mạnh, an toàn. Số đông trẻ em vẫn chưa biết bơi. Những tai nạn đuối nước vẫn luôn chực chờ mỗi khi người lớn và trẻ em sơ suất, chủ quan.
ĐỨC TÂM