Đại biểu Quốc hội: Trách nhiệm của địa phương ở đâu trong vi phạm khai thác cát?

25/10/2021 10:16

“Phải chăng có sự lơ là, buông lỏng của chính quyền? Dư luận và cử tri có quyền đặt câu hỏi là có tiêu cực hay không trong quản lý vấn đề này”.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng trong bối cảnh các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến hết sức phức tạp, đa dạng, đặt ra nhiều thách thức trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Nhìn chung tội phạm được khống chế, thể hiện nỗ lực lớn và rất đáng ghi nhận của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Tuy vậy, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn trước một số loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu gia tăng và đặt ra nhiều vấn đề cần có biện pháp đấu tranh mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Tại sao vi phạm khai thác cát, sỏi kéo dài như vậy?

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản, cát, sỏi lòng sông là vấn đề không mới, tuy nhiên được cử tri phản ánh rất nhiều và cũng được đề cập trong nhiều báo cáo. Thực tiễn hoạt động vi phạm pháp luật này diễn ra đều khắp trên tất cả nước.

Dẫn thông tin báo chí phản ánh những vi phạm rất nghiêm trọng ở các tuyến sông, vị đại biểu này nói: “Chúng tôi cũng rất xót xa khi nhìn hình ảnh người dân quay mặt đi, không dám nhìn vào ống kính và than thở rằng không biết kêu ai về tình trạng này, những thiệt hại lớn, rất lớn do khai thác cát sỏi gây ra mà hệ lụy của nó như thế nào thì chúng ta đều biết”.

Đại biểu Nguyễn Công Long thảo luận tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Công Long thảo luận tại hội trường Diên Hồng

Ông Nguyễn Công Long cho rằng do lợi nhuận rất lớn nên các tổ chức, cá nhân bất chấp để vi phạm và hệ quả không chỉ gây ra tác hại rất lớn cho môi trường, thất thoát lượng rất lớn tài nguyên, nguồn thu ngân sách mà còn làm biến dạng hệ thống sông ngòi, gây sạt lở nghiêm trọng đến đất đai, mất đất canh tác, đe dọa các công trình thủy lợi, đê điều, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ở lưu vực sông.

“Câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng kéo dài, nghiêm trọng như vậy mà hiệu quả đấu tranh lại không hiệu quả?”, đại biểu đặt vấn đề và đề nghị cần phân tích, đánh giá rõ. Bởi trước đây trong khoảng thời gian dài lý do được nêu ra là do thiếu cơ chế, thiếu chế tài, tuy nhiên hiện hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ và hoàn thiện. Ngoài Luật Khoáng sản, Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước, các luật liên quan thì Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 23/2020 quy định cụ thể về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ bờ, bãi sông, lòng sông, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, của UBND địa phương.

“Phải chăng có sự lơ là, buông lỏng, có sự bỏ qua của chính quyền các cấp. Với lợi nhuận cao như vậy thì dư luận và cử tri có quyền đặt ra câu hỏi là có tiêu cực hay không trong quản lý?”, ông Nguyễn Công Long nói.

Cũng theo đại biểu, thực tiễn đấu tranh cho thấy rằng khi chúng ta kiên quyết đều có thể làm được. Bằng chứng mới đây nhất là Bộ Công an đã có các đơn vị trực tiếp xuống địa phương để truy bắt hàng chục tàu hút cát trái phép. Ông băn khoăn tại sao những vấn đề sai phạm của địa phương mà phải trên bộ xuống thì mới xử lý được và trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu.

Chính vậy, đại biểu Nguyễn Công Long kiến nghị trong thời gian tới, Chính phủ tập trung các biện pháp chỉ đạo quyết liệt lập lại trật tự trong khai thác cát, sỏi lòng sông trên khắp cả nước, kiên quyết xử lý tất cả các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời xử lý trách nhiệm chính quyền địa phương khi buông lỏng quản lý.

Bức xúc về hành vi hiếp dâm trẻ em, tội phạm trên không gian mạng

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) thì trăn trở khi tình hình tội phạm đã được kiềm chế song một số loại tội phạm lại gia tăng, trong đó có số vụ hiếp dâm trẻ em tăng đến 9,26%, số vụ giao cấu với trẻ em tăng 2,64%.

“Đây là một vấn đề không những bức xúc mà còn vô cùng đau xót”, nữ đại biểu bày tỏ. Hành vi hiếp dâm trẻ em là loại tội phạm thể hiện mức độ cao nhất của sự suy đồi đạo đức xã hội. Quốc hội khóa XIV đã thực hiện giám sát tối cao về vấn đề xâm hại trẻ em và đã nhiều kiến nghị được đưa ra, nhiều giải pháp được đề xuất, nhưng rõ ràng vấn đề nhức nhối này chưa được cải thiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Hải Dương. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Hải Dương.

“Chúng ta có thể thống kê tương đối đầy đủ những vụ án nhưng lại không thể thống kê đầy đủ những hệ lụy khủng khiếp của nó. Nỗi đau còn theo nạn nhân suốt cả cuộc đời và thiệt hại không thể đo đếm, tính toán được, để lại dấu ấn hãi hùng”, bà Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ và tha thiết đề nghị có những giải pháp quyết liệt hơn, toàn diện hơn và hiệu quả hơn nữa để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Đề cập một số loại tội phạm gia tăng, nhất là tội phạm trên không gian mạng với các thủ đoạn tinh vi, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng loại tội phạm này đang “làm mưa làm gió” trên không gian mạng trong thời gian gần đây, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn trong xã hội.

Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung nguồn lực chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường năng lực, lực lượng kiểm soát chặt chẽ tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Phối hợp quốc tế trong đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm vi phạm pháp luật trên không gian mạng nói riêng.

Bên cạnh đó cần tăng cường giáo dục pháp luật trong nhân dân, nhất là trong thanh, thiếu niên và kiểm soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, bổ sung kịp thời những quy định trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là những loại tội phạm mới, những phát sinh mới trong thực tiễn.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại biểu Quốc hội: Trách nhiệm của địa phương ở đâu trong vi phạm khai thác cát?