Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chất vấn 2 vấn đề "nóng" về giá sách giáo khoa và xăng dầu

08/06/2022 16:21

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, sáng 8.6, đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính.


Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sách giáo khoa không phải mặt hàng Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản

2 đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về giá sách giáo khoa và giá xăng dầu.

Bất cập trong thẩm định giá sách giáo khoa

Chất vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tại hội trường, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu rõ sự bất cập trong vấn đề thẩm định giá sách giáo khoa hiện nay: "Theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (nhà xuất bản) tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường. Như vậy, giá sách giáo khoa là do Bộ Tài chính quy định chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như phải hứng chịu nhiều than phiền từ dư luận trong thời gian qua. Tình trạng Bộ này chịu trách nhiệm chất lượng sách giáo khoa nhưng Bộ kia thẩm định giá gây nhiều vấn đề bất cập trong quản lý và trách nhiệm". Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải pháp để giải quyết vấn đề giá sách giáo khoa mà người dân cả nước đang rất quan tâm.


Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu rõ sự bất cập trong vấn đề thẩm định giá sách giáo khoa

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sách giáo khoa không phải mặt hàng Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản. Cũng liên quan đến việc đưa sách giáo khoa vào mặt hàng bình ổn giá, Bộ trưởng Tài chính cho biết thẩm quyền quyết định của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm tham mưu trình. Luật Giá cũng đang trong quá trình sửa đổi và qua nghiên cứu, các cơ quan thống nhất báo cáo Thủ tướng chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sửa thời gian tới nhưng thẩm quyền quyết định vẫn là của Quốc hội.

Giảm thuế để giảm giá xăng dầu

Đây là sự băn khoăn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khi chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. 

"Thời gian vừa qua, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và đang ở mức cao. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần tiếp tục có biện pháp về giảm các khoản thuế đang thu vào xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Suy nghĩ của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đặt câu hỏi chất vấn.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về giá xăng dầu

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết giá xăng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia. Trước tình trạng giá xăng dầu Việt Nam lên cao, vấn đề có giảm thuế hay không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm một phần thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng giảm thuế nhưng cũng cần thực hiện đồng bộ các chính sách bởi nếu giảm thuế để giảm giá nhưng vẫn để xảy ra tình trạng buôn lậu thì không hiệu quả. Bên cạnh đó, giá xăng dầu không chỉ phụ thuộc thuế mà còn dựa trên quan hệ cung cầu, nên cần đẩy mạnh sản xuất trong nước. 

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chất vấn 2 vấn đề "nóng" về giá sách giáo khoa và xăng dầu