Đại biểu Quốc hội lo ngại việc "Kinh hóa" người dân tộc thiểu số

12/06/2020 22:30

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, nếu chúng ta can thiệp không dựa trên nền tảng quan điểm văn hóa thì sẽ dẫn đến quá trình 'Kinh hóa' người dân tộc thiểu số-miền núi.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đại biểu cũng đề cập tới dự án 5 trong dự thảo chương trình, với nội dung bắt buộc dạy tiếng Kinh cho trẻ dân tộc thiểu số: “Liệu đã đúng hay chưa khi chúng ta cho trẻ người dân tộc thiểu số cắp sách đến trường học tiếng Kinh qua những câu chuyện cổ của người Kinh, do cô giáo người Kinh dạy?” đại biểu đặt câu hỏi.

Ước tính trên thế giới 40 % ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất dưới tác động của toàn cầu hóa. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, điều đó đồng nghĩa với việc biến mất của nhiều dạng văn hóa phi vật thể, do đó cần bảo tồn văn hóa trên nền tảng gìn giữ bản sắc của mỗi dân tộc.

“Nếu chúng ta can thiệp không dựa trên nền tảng quan điểm văn hóa thì quá trình sẽ trở thành 'Kinh hóa' người dân tộc thiểu số-miền núi, như vậy là có bảo tồn gene của người dân tộc thiểu số nhưng không bảo tồn được nguồn văn hóa của cha ông,” đại biểu khẳng định.

Phát huy vai trò giám sát việc thực hiện các mục tiêu

Nhất trí với đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các địa bàn đặc biệt khó khăn và nhóm dân tộc có những khó khăn đặc thù.

Nhằm phát huy tinh thần vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để theo dõi, giám sát việc thực hiện chương trình, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Dai bieu Quoc hoi lo ngai viec

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngoài ra, theo đại biểu Hà, dân tộc Mông còn có nguy cơ bị mai một tiếng nói, chữ viết, trang phục và bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, nhọc nhằn, sự kiên cường và tình yêu đất nước của người đồng bào dân tộc Mông đã góp phần giữ vững dọc dài biên cương Tổ quốc.

Nhấn mạnh chất lượng nhân lực của đồng bào Mông chưa cao, đại biểu Vương Ngọc Hà cho rằng nếu được thoát nghèo, tạo điều kiện phát triển, đồng bào dân tộc Mông sẽ góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc.

Đối với nhóm dân tộc rất ít người, đại biểu Vương Ngọc Hà kiến nghị, cần xác định mức đầu tư hỗ trợ sản xuất, nâng cao trình độ cho lao động, nhằm tạo sinh kế phù hợp cho đồng bào.

Theo đại biểu này, Chính phủ không cần thiết xây dựng mô hình cụ thể bởi "các mô hình phụ thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu, hình thức canh tác nên dễ dẫn đến tình trạng phù hợp với địa phương này những không phù hợp với địa phương khác, phù hợp với dân tộc này nhưng không phù hợp với dân tộc khác."

Đề nghị giải quyết dứt điểm 100% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, cải tạo đất sản xuất, hỗ trợ cây, con để sản xuất nông nghiệp ở hộ gia đình thuộc nhóm đồng bào rất ít người và khó khăn, đại biểu Vương Ngọc Hà cho rằng cần xây dựng đội ngũ người có uy tín tại chính các nhóm người dân tộc rất ít người; bồi dưỡng kiến thức, tập huấn, tạo cơ hội cho họ đi tham quan, học tập kinh nghiệm.

"Họ cùng với những cán bộ cơ sở sẽ là những người vận động, thuyết phục bà con đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy tính liên kết cộng đồng, sự tin tưởng cán bộ cơ sở, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc gì khó mấy cũng làm được", đại biểu Vương Ngọc Hà nêu rõ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Đại biểu Quốc hội lo ngại việc "Kinh hóa" người dân tộc thiểu số