Thống nhất cần nâng tỷ lệ vốn Nhà nước lên cao hơn trong các dự án PPP thí điểm nhưng tỷ lệ này nên là 70%, 80% hoặc cao hơn nữa là vấn đề được các đại biểu Quốc hội tranh luận.
Cần nâng tỷ lệ vốn Nhà nước lên bao nhiêu, 70% hay 80% hoặc cao hơn nữa trong các dự án hợp tác công tư PPP là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận sáng 9/11 về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Phát biểu ý kiến tại nghị trường, các đại biểu đều cơ bản thống nhất về sự cần thiết phải ban hành nghị quyết với 5 nhóm cơ chế, chính sách riêng, trong đó có việc nâng tỷ lệ vốn trong dự án PPP từ tỷ lệ 50% vốn Nhà nước như quy định hiện hành lên mức cao hơn. Theo dự thảo nghị quyết, mức đề xuất được Chính phủ đưa ra là 70%.
Nên tăng tỷ lệ bao nhiêu?
Đồng tình việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP, đại biểu Lại Văn Hoàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác khó đảm bảo phương án tài chính cần được quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực Nhà nước cao hơn.
Dẫn chứng từ thực tiễn triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình do ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như COVID-19, xung đột, khan hiếm nguyên vật liệu, giá cả tăng cao, chi phí nhân công, chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn dẫn đến chi phí thực hiện dự án tăng cao, chủ yếu tăng vào phần khối lượng do phần vốn Nhà nước đảm nhận, tăng lên 80% so với tổng mức đầu tư điều chỉnh.
“Như vậy, nếu theo Tờ trình của Chính phủ, chỉ tăng phần vốn Nhà nước lên 70% thì cũng không tháo gỡ tồn tại, vướng mắc của dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình,” đại biểu Hoàn nói đồng thời đề nghị tăng tỷ lệ vốn Nhà nước lên 80% tổng mức đầu tư.
Đây cũng là ý kiến của đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Theo đại biểu Hiếu, cơ sở quan trọng nhất, mấu chốt nhất để xác định con tỷ lệ này là không làm mất đi tính chất hợp tác công tư và đảm bảo tính khả thi. “Nếu cơ chế đưa ra không khả thi thì sẽ không có công trình, không có dự án và không có lợi ích khác,” đại biểu Hiếu nói.
Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng các dự án ở vùng xa xôi, vùng núi Tây Nguyên hay Tây Bắc vốn có lưu lượng xe ít và điều kiện thi công khó khăn nên được hưởng điều kiện ưu tiên, thậm chí có thể tăng tỷ lệ vốn Nhà nước lên 80-85% là hợp lý.
Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ quan điểm thống nhất với con số 70% như dự thảo nghị quyết nêu. Đồng tình với việc những địa phương có lưu lượng giao thông ít, giải phóng mặt bằng khó cần nâng tỷ lệ đầu tư của ngân sách Nhà nước, tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho hay ông thống nhất tỷ lệ góp vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP là 70%. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long.
Không nên áp một tỷ lệ cứng
Tiếp cận vấn đề ở góc độ khác, một số đại biểu cho rằng cần phân rõ các cấu phần của dự án để xác định vốn ngân sách Nhà nước phù hợp.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng trong đầu tư dự án giao thông có hai cấu phần là giải phóng mặt bằng và thi công. Trong thi công, phương án sử dụng vật liệu khác nhau, phương án thiết kế khác nhau cũng dẫn tới tổng mức đầu tư khác nhau.
“Mục tiêu của các dự án PPP là làm sao nhà đầu tư phải có trách nhiệm trong việc thiết kế biện pháp thi công, sử dụng vật liệu… đảm bảo tổng mức đầu tư có hiệu quả. Do vậy, nếu ngân sách nhà nước tham gia từ 70-80% là chưa phù hợp vì sẽ chi sang cả phần thi công. Ngân sách nhà nước chỉ nên tham gia vào giải phóng mặt bằng,” đại biểu Chung nói.
Đây cũng là quan điểm của đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội. Đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng có thể nghiên cứu bóc tách kinh phí giải phóng mặt bằng và kinh phí đầu tư dự án riêng. Như vậy có thể dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân, tỷ lệ quy định sẽ hiệu quả và thiết thực hơn.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng không nên quy định cứng tỷ lệ vốn của nhà nước là 70% mà nên giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm phù hợp với từng dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư PPP.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, việc quy định cứng 70% và áp dụng chung cho 16 dự án thuộc danh mục Chính phủ trình là chưa phù hợp bởi mỗi địa phương, mỗi dự án có đặc thù, nguồn lực khác nhau.
Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là vấn đề khó và nhạy cảm. Với các dự án ở các vùng có lưu lượng xe thấp và vùng có chi phí giải phóng mặt bằng lớn, việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước là cần thiết. Tỷ lệ phải bảo đảm hài hòa, khả thi, nếu thấp quá nhà đầu tư không mặn mà, tổ chức tài chính không cho vay, cao quá thì sẽ mất ý nghĩa của dự án PPP. “Chúng tôi rất đắn đo việc thiết kế tỷ lệ bao nhiêu,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho hay con số 70% được đưa ra dựa trên cơ sở tính toán kinh nghiệm thực tế từ dự án của Thành phố Hồ Chí Minh. Bày tỏ quan điểm cá nhân nên là 80% nhưng ông Dũng cũng cho rằng còn phải dựa trên khả năng cân đối vốn của Nhà nước mới có thể quyết định và cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.
Theo Vietnam+