Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đặt câu hỏi: Mỗi năm chúng ta phải chi tới 60% ngân sách cho bộ máy hành chính, phần không nhỏ cho an ninh quốc phòng, còn đâu nữa để chi cho đầu tư?
Tinh giản biên chế là vấn đề được đại biểu Bạc Liêu tập trung phân tích khi phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 26.10.
Gánh nặng chi tiêu cho bộ máy đang quá lớn
Đại biểu Tạ Văn Hạ phản ánh rằng cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm việc Chính phủ thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy biên chế thời gian qua.
Chủ trương này được chứng minh bằng những con số hết sức ấn tượng: sắp xếp 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng, giảm hơn 86.000 biên chế, trong đó có hơn 12.000 công chức... Nhiều địa phương đã sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chức năng chồng chéo lâu nay, giảm bớt, sáp nhập các sở, ngành, thí điểm sáp nhập 3 văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND…
Tuy nhiên, ông Hạ cho rằng đến nay việc sắp xếp, đổi mới, tổ chức lại bộ máy diễn ra còn chậm, bộ máy cả nước còn cồng kềnh, việc tinh giản biên chế vẫn chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, chưa tinh giản được đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực, đạo đức kém. Ngân sách hằng năm dành cho chi trả lương vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
"Tôi đồng ý với quan điểm rằng quyết tâm đã lên cao, hành động phải quyết liệt từ trung ương tới địa phương. Tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai và đây là lĩnh vực vừa phức tạp vừa nhạy cảm", đại biểu tỉnh Bạc Liêu nói.
Ông Hạ chỉ ra thực tế đáng lo rằng ngân sách Nhà nước, nói cách khác là tiền thuế nhân dân, không thể chịu nổi khi mà hằng năm chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% chi ngân sách cả nước, số còn lại phải dành một phần không nhỏ cho quốc phòng an ninh.
"Vậy thì còn đâu để mà chi cho đầu tư phát triển?", đại biểu này đặt câu hỏi.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) - Ảnh: Quochoi.vn
Cần sáp nhập thêm các đơn vị hành chính
Đại biểu Bạc Liêu đưa ra thông tin về cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính ở các nước để so sánh với Việt Nam: một nước láng giềng có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần, dân đông hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Một quốc gia khác, quản lý gần 7.000 hòn đảo, dân số 120 triệu người cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố.
Ngay như ở nước ta khi bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986 cũng chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành.
"Trong chúng ta chắc hẳn nhiều người vẫn còn in đậm dấu ấn của một thời Hoàng Liên Sơn, Hà Bắc, Hà Nam Ninh, Sông Bé, Bình Trị Thiên…", ông Hạ nói.
"Thực tế gần đây là bài học kinh nghiệm quý báu sau 10 năm thực hiện sáp nhập Hà Nội, Hà Tây. Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước".
Từ thực tiễn kinh nghiệm trong nước và quốc tế nêu trên, ông Hạ đề nghị Chính phủ ngoài các biện pháp hiện có thì cần tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp điều chỉnh, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh, thành phố.
"Nếu chúng ta có quyết tâm cao thì đây sẽ là một giải pháp hiệu quả nhất hoàn thành việc đổi mới sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18 Trung ương Đảng", đại biểu này kết thúc bài phát biểu.
LÊ KIÊN - VIỄN SỰ - THÁI BÁ DŨNG (Tuổi trẻ)