"Chúng ta nên mạnh dạn nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước", đại biểu nêu ý kiến.
Sáng 8.11, đợt 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV bắt đầu thảo luận về kinh tế-xã hội, công tác phòng chống dịch và ngân sách nhà nước.
Phát biểu đầu tiên, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) chia sẻ các bài học rút ra từ việc phòng chống dịch và cho rằng qua đại dịch COVID-19 cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế-xã hội.
Do đó, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân.
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để bảo đảm nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp.
"Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường. Chúng ta nên mạnh dạn nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước", đại biểu nêu ý kiến.
Đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ toàn diện cho người lao động, đại biểu Hà Nam cho hay giai đoạn giãn cách vừa qua các cơ quan quan tâm nhiều tác động về kinh tế, nhưng theo ông, hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng.
Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần chưa từng xảy ra và sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian khắc phục.
Trước đây, việc kéo lao động ở nông thôn lên thành phố đã rất khó, giờ đây xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê, doanh nghiệp không giữ được lao động kể cả khi đã mở cửa.
"Đây là thời điểm người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước. Động lực lớn nhất để người lao động quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn", ông Khải nói.
Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc.
Theo đó, không chỉ là kết nối cung - cầu lao động, mà còn kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống.
Mặt khác, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Cùng với đó có các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.
Theo Tuổi trẻ