Ngày 14-11, Quốc hội sẽ thực hiện các thủ tục để lấy phiếu tín nhiệm 50 người giữ các chức danh lãnh đạo cao cấp. Kết quả sẽ được công bố vào chiều 15-11.
Ông Lê Nam - Ảnh: V.Dũng |
Các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chia sẻ sự chuẩn bị của họ cho công việc này.
Ông Lê Nam , Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa:
Đánh giá qua nhiều kênh thông tin
Để đánh giá mức độ tín nhiệm, tôi không chỉ đọc các bản báo cáo công tác của các vị thuộc diện được lấy phiếu. Điều quan trọng là phải đánh giá qua nhiều kênh thông tin khác nhau về các vị ấy từ khi lấy phiếu lần trước cho đến thời điểm này.
Tôi nghĩ các đại biểu đều có thể nhận thấy rõ mức độ tín nhiệm của mình với từng vị. Bởi vì trách nhiệm, năng lực, đạo đức, ai làm tốt, ai làm không tốt đều thể hiện trong công việc hằng ngày, qua các kết quả công tác của ngành ấy, lĩnh vực ấy hoàn toàn có thể định lượng được.
Cá nhân tôi khẳng định tôi có thể đánh giá rõ được từng vị bộ trưởng, trưởng ngành đã làm gì, lĩnh vực họ quản lý chuyển biến thế nào, có được nhân dân đánh giá cao hay không.
Với cách nhìn nhận như vậy, tôi thấy có những lĩnh vực không có chuyển biến gì nhiều, thậm chí có những lĩnh vực vẫn tệ như thế.
Tất nhiên, nếu tôi nói tên cụ thể một vị bộ trưởng nào đó vào lúc này thì không nên. Với một số lĩnh vực, một số cá nhân trong đợt lấy phiếu lần trước có tỉ lệ tín nhiệm không cao, không được vui thì một vài cá nhân đã rất nỗ lực, để lại dấu ấn bước đầu khá rõ.
* Có ý kiến lo ngại rằng với một số bộ trưởng hành động, làm việc nhiều, va chạm nhiều đôi khi phiếu lại thấp, trong khi có những bộ trưởng hay trưởng ngành ít nói và ít hành động gây chú ý dư luận trong khi lĩnh vực họ quản lý vẫn tệ như ông nói thì kết quả tín nhiệm có thể lại không thấp vì họ không làm mất lòng đại biểu?
- Nền kinh tế vẫn khó khăn, nhưng vấn đề lớn nhất là trách nhiệm của các mắt xích trong bộ máy của chúng ta không rõ ràng, rất khó quy trách nhiệm cụ thể cho con người cụ thể nào đó. Và rõ ràng cách nhìn nhận của mỗi đại biểu là khác nhau.
Đặc biệt là với những đại biểu ở địa phương như chúng tôi có những cái khó, đó là khi bỏ lá phiếu thì phải nghĩ đến lợi ích của địa phương mình, của nhóm cử tri mà mình đại diện. Vậy có sự cả nể nào đó không?
Một khi chúng ta vẫn còn cơ chế xin - cho, địa phương nào biết tranh thủ bộ trưởng, trưởng ngành thì có thể địa phương ấy được hưởng lợi nhiều hơn. Như vậy, không tránh khỏi trường hợp đại biểu bỏ phiếu cho quyền lợi của địa phương mình.
* Dư luận đang đặt ra vấn đề liệu có sự vận động hành lang từ phía các bộ trưởng, trưởng ngành thông qua các cuộc giao lưu với đại biểu Quốc hội để tranh thủ phiếu tín nhiệm không?
- Việc gặp gỡ, giao lưu giữa một số bộ trưởng, trưởng ngành nào đó với một số đoàn đại biểu hoặc một số đại biểu Quốc hội trong kỳ họp nào đó là chuyện bình thường. Bởi lẽ có những kỳ họp không lấy phiếu tín nhiệm người ta vẫn gặp nhau như vậy.
Các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội cũng muốn tìm kiếm sự chia sẻ, ủng hộ của bộ trưởng, trưởng ngành với địa phương của mình, và ngược lại các vị bộ trưởng cũng mong muốn chia sẻ công việc của mình đang làm với các đại biểu Quốc hội.
Tôi nói thật cũng có thể có một chút quà cáp nho nhỏ nào đó, nhưng tôi nghĩ nó không làm thay đổi sự đánh giá của từng vị đại biểu Quốc hội với các vị bộ trưởng, trưởng ngành.
Ông Trần Ngọc Vinh - Ảnh: L.Kiên |
Đại biểu TRần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng:
“Tín nhiệm thấp” cho những vị không hoàn thành nhiệm vụ
Tôi đã đọc kỹ các bản báo cáo công tác của tất cả 50 vị và tôi cũng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, rồi theo dõi quá trình các vị điều hành, chỉ đạo trong công tác, quản lý, nên tôi đã có đầy đủ thông tin để đánh giá từng vị.
* Ông bình luận gì về nội dung các bản báo cáo đó?
- Nhìn chung tất cả các vị ấy đều tự nhận là mình hoàn thành nhiệm vụ. Thế còn phần tồn tại, nhược điểm cũng đã được nêu lên nhưng vẫn chỉ mức độ thôi, chưa đi thẳng vào những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm.
* Cử tri gửi gắm gì với ông trong việc lấy phiếu tín nhiệm lần này, cũng như việc chuẩn bị sửa đổi nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm?
- Ngay từ kỳ họp trước, cử tri đã đề nghị tôi kiến nghị với Quốc hội là phiếu đánh giá tín nhiệm chỉ nên để hai mức: tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Nhưng Quốc hội chưa sửa đổi nghị quyết nên kỳ này vẫn phải lấy phiếu theo quy định cũ với ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.
* Cá nhân ông có thẳng thắn trong đánh giá mức độ tín nhiệm và sẵn sàng rút “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” với những vị không có tín nhiệm cao không?
- Tôi sẽ làm tròn trách nhiệm đại biểu của mình. Tôi sẽ cân nhắc nhiều mặt trước khi đánh giá tín nhiệm, nhưng cá nhân tôi và tôi nghĩ nhiều đại biểu khác cũng sẵn sàng điền vào ô “tín nhiệm thấp” với những vị không hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Tuổi trẻ