Đã quá hạn, vẫn còn hơn 30 tỉnh, thành chưa chọn được sách giáo khoa mới

24/04/2021 08:59

Hạn chót chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra là ngày 5.4. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại bộ mới nhận được báo cáo kết quả chọn sách của gần 30 tỉnh, thành.


Giáo viên ở TP Hồ Chí Minh tập huấn giảng dạy chương trình giáo dục mới 

Như vậy tới khoảng cuối tháng 4.2021 việc chọn sách giáo khoa (SGK) của 63 tỉnh, thành mới hoàn tất. 

Theo quy định, việc chọn sách phải xong trước 5 tháng so với thời điểm khai giảng năm học mới. Bởi sau khi chọn sách còn rất nhiều việc phải làm như in ấn, phát hành, tập huấn sử dụng sách cho các địa phương.

Kết quả "rất đa dạng"

Về chọn sách, tới thời điểm này chưa thấy địa phương nào chỉ chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 của một đơn vị đã được phê duyệt mà tùy theo môn học có thể chọn từ nhiều bộ sách khác nhau. So với quy định chọn sách lớp 1 áp dụng năm học trước, việc chọn sách lớp 2, lớp 6 sẽ theo quy định mới, thẩm quyền quyết định là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tại Hà Nội, theo ông Phạm Xuân Tiến - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), UBND TP Hà Nội vừa ký quyết định chọn SGK. Với gần 700 trường THCS và hơn 800 trường tiểu học, việc tập hợp ý kiến của giáo viên các trường, phân tích để quyết định lựa chọn cần thời gian dài hơn ở những địa phương khác. Hà Nội thành lập 9 hội đồng chọn SGK lớp 2 và 12 hội đồng chọn SGK lớp 6 (mỗi môn 1 hội đồng).

Nhiều trưởng phòng GD-ĐT tại Hà Nội như Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông, Bắc Từ Liêm khi chia sẻ về kết quả chọn sách lớp 2, lớp 6 đều cho biết "rất đa dạng". Trong một trường, những ý kiến cũng khác nhau về việc chọn sách cho từng môn học. Hiếm trường có đề xuất chỉ chọn 1 bộ trọn vẹn của 1 nhà xuất bản. 

Ông Phạm Xuân Tiến cũng khẳng định không có môn học nào chỉ chọn sách của một đơn vị mà đều chọn từ 2-3 sách của cả 3 nhà xuất bản.

Tại Bắc Giang, có 18/32 SGK lớp 2 của 9 môn học/hoạt động giáo dục và 24/40 SGK lớp 6 của 12 môn học/hoạt động giáo dục được lựa chọn để sử dụng trong các trường vào năm học tới. Trong đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết trung bình mỗi môn học có 2 sách trong số sách của 3 đơn vị có sách được phê duyệt được tỉnh này lựa chọn. 

Như vậy không có việc "đồng phục" SGK trên toàn tỉnh mà cùng 1 môn học, lớp học, mỗi trường có thể sử dụng 1 sách khác nhau. Ở các tỉnh khác như Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái cũng tương tự.

"Mặc dù năm nay tỉnh quyết định chọn sách, các trường không bắt buộc thành lập hội đồng chọn sách cấp trường nhưng chúng tôi vẫn thành lập hội đồng ở cấp trường để tổ chức cho giáo viên tiếp cận, thảo luận và có ý kiến đánh giá sách giáo khoa của cả 3 bộ sách được phê duyệt và tập hợp ý kiến gửi cho hội đồng cấp tỉnh" - bà Nguyễn Thị Xuân, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết báo cáo của gần 30 tỉnh, thành cho thấy không có địa phương nào chỉ chọn 1 bộ sách mà đều chọn hơn 1 bộ, hoặc chọn sách từ cả 3 bộ. 

Cùng với việc Bộ GD-ĐT trực tiếp đi kiểm tra quy trình thực hiện, kết quả này cũng cho thấy các địa phương thực hiện đúng yêu cầu chọn SGK dựa trên ý kiến đánh giá, nhận xét, đề xuất của giáo viên và các trường.

Tập huấn cả trực tiếp lẫn trực tuyến

Theo một số lãnh đạo sở GD-ĐT, việc tập huấn SGK có thể thực hiện ngay trong tháng 6 và tháng 7 bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp để kịp cho năm học mới. Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết với việc tập huấn sách đợt này Bộ GD-ĐT không chỉ giám sát mà còn yêu cầu các nhà xuất bản phải phối hợp với địa phương để kết hợp ngay trong tập huấn giáo viên thực hiện chương trình mới.

"Hiện các địa phương đang bồi dưỡng giáo viên ở các môđun 2, 3 (phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá học sinh). Sẽ rất tốt nếu các nhà xuất bản tận dụng cơ hội này để lồng ghép tập huấn sử dụng SGK mới cho các tỉnh, thành. 

Giáo viên có thể sử dụng luôn sách được lựa chọn làm tài liệu, ngữ liệu cho việc xây dựng bài giảng và đánh giá học sinh. Việc nhúng sách vào quá trình thực hiện bài giảng, thực hành của giáo viên không chỉ giúp giáo viên sử dụng sách thuận lợi mà còn có thể phát hiện những vấn đề cần giải đáp, đề xuất điều chỉnh kịp thời" - ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, trước năm học mới, theo kế hoạch giáo viên thực hiện chương trình mới sẽ được tập huấn môđun cuối cùng là xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Đây là môđun quan trọng để giáo viên và cán bộ quản lý hiểu được sự chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình, SGK, tránh tình trạng rơi vào quá tải do cứng nhắc thực hiện như với sách giáo khoa lớp 1 năm trước.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đã quá hạn, vẫn còn hơn 30 tỉnh, thành chưa chọn được sách giáo khoa mới