Đà Nẵng không để thất thoát ngân sách!

19/01/2013 03:27

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã khẳng định: "Đà Nẵng không để thất thoát ngân sách!".


>> Sai phạm lớn về đất đai tại Đà Nẵng

Số tiền giảm 10%

Về kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), việc giảm 10% tiền sử dụng đất (SDĐ) cho tổ chức, cá nhân khi nộp đủ số tiền SDĐ trong vòng 60 ngày đã gây thất thoát hơn 1.300 tỉ đồng, ông Chiến cho rằng, nói thất thoát là không đúng. Quyết định số 13/2006-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 34/2004/TT-BCT đều ghi rõ: "Đây là khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100% và nguồn thu này chỉ được dùng để chi đầu tư phát triển, thay vì ngân sách Trung ương phải hỗ trợ một phần cho thành phố".

Đà Nẵng không để thất thoát ngân sách!
Chung cư cho người thu nhập thấp ở Đà Nẵng


Vì thế, thẩm quyền quyết định là của UBND TP. TP cân nhắc, thấy có hiệu quả mới quyết định. Vả lại, các văn bản pháp luật đều ghi rõ điều này. Nghị định số 38/2000/NĐ-CP: "Người sử dụng đất nộp đủ số tiền sử dụng đất một lần theo thông báo của cơ quan thuế thì được giảm 20% số tiền sử dụng đất phải nộp". Năm 2005, nghị định hết hiệu lực thi hành, nhưng căn cứ vào thẩm quyền được giao, UBND TP đã ra quyết định giảm 10% nhằm khuyến khích các cá nhân và nhà đầu tư (NĐT) kịp thời nộp đủ số tiền vào ngân sách. Trong 10 năm, TP thu gần 25.000 tỉ đồng tiền SDĐ đưa vào chi xây dựng cơ bản.

Nếu TTCP tính lãi suất của việc người SDĐ dây dưa không nộp tiền và yếu tố trượt giá với việc thu được tiền ngay thì mới thấy hiệu quả thế nào! 

Qua phân tích, đánh giá, UBND TP khẳng định: việc thực hiện chính sách này là một trong những vận dụng linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả của TP. Nhờ vậy mà nguồn thu ngân sách tăng lên hằng năm, đồng thời hạn chế yếu tố trượt giá làm tăng suất đầu tư, có lợi cho ngân sách.

Đấu giá và giao quyền sử dụng đất

Theo ông Văn Hữu Chiến, UBND TP.Đà Nẵng khẳng định tất cả các trường hợp giao đất cho tổ chức, cá nhân đều được công khai đấu giá và giao quyền SDĐ theo đúng quy định của pháp luật về đất đai vào từng thời điểm. Việc đấu giá quyền SDĐ đều được công khai trên báo chí, bảo đảm đúng thời gian và tiêu chí. Việc TTCP cho rằng tình trạng giao đất không thông qua đấu giá còn phổ biến là không chính xác. Sau khi có thông báo trên báo chí mà có 2 NĐT trở lên nộp đơn thì TP tổ chức đấu giá, còn chỉ 1 NĐT xin mua thì đấu với ai?

Không phải từ năm 2003 đến nay mà trong 16 năm qua, TP chưa hề nhận được một ý kiến hay đơn thư phản ánh, khiếu nại về vấn đề này, điều đó thể hiện việc làm của TP là công khai, minh bạch.

Việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Ông Chiến cho rằng, kết luận của TTCP về vấn đề này khiến bạn đọc nghĩ rằng, nhiều NĐT "tay không bắt giặc", nghĩa là chỉ cần đấu giá trúng hay được giao đất là có thể chuyển nhượng và kiếm lời như một số trường hợp mà TTCP dẫn ra trong kết luận. Xin được khẳng định: Tất cả trường hợp được giao đất, người SDĐ đều phải nộp đủ tiền 100%, thiếu 1 đồng cũng không được cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sở hữu đất - PV). Khi có sổ đỏ thì họ mua bán, chuyển nhượng theo pháp luật là quyền của họ. UBND TP không thể can thiệp. TTCP căn cứ trên hợp đồng mua bán của họ để nói TP để thất thoát là thiếu thực tế.

Ông dẫn một ví dụ: Giá đất TP giao cho NĐT sát với giá thị trường (nếu không có người đấu giá), sau đó NĐT chuyển nhượng cho một NĐT khác với giá trị cao hơn (thực ra là giá trị khống) để được vay vốn ngân hàng nhiều hơn. Thực ra hai NĐT này là một (hoặc là anh em hoặc là người của công ty)... Nếu để giá trị thực theo hợp đồng cũ là 100 tỉ đồng thì họ chỉ vay được 60 tỉ đồng (60%), nhưng làm hợp đồng khác nâng giá trị lên 600 tỉ đồng thì họ vay ngân hàng được 360 tỉ đồng để đầu tư vào dự án khác. Trường hợp Công ty TNHH Phúc Thiên Long mà trong kết luận TTCP nêu là một ví dụ. Thực ra hai chị em ruột chuyển nhượng cho nhau theo cách này. Vì thế không thể mang giá trị khống đó so với giá trị thật để kết luận là gây thất thoát.

Vấn đề định giá đất

Theo Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng thì việc TTCP lấy giá đất của Hội đồng thẩm định giá đất làm căn cứ chính, rồi so với giá đất UBND TP quyết định có sự chênh lệch và cho rằng vấn đề này cũng gây thất thoát là không có cơ sở.

Ông Chiến lý giải, theo quy định, việc phê duyệt giá đất để thu tiền SDĐ thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hội đồng thẩm định giá đất gồm đại diện Sở Tài chính, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế TP, Văn phòng UBND TP chỉ là bộ phận tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo UBND TP trong việc xem xét và phê duyệt giá đất. Đây là những người kiêm nhiệm, không chuyên sâu nên cũng không thể gọi là xác thực để lấy làm căn cứ mà chỉ được xem như một sự tư vấn.

Việc đồng ý giảm, tăng hoặc giữ nguyên theo đề nghị hội đồng là việc làm bình thường và đúng thẩm quyền của UBND TP. 

Giá đất cụ thể được UBND TP xác định phù hợp với từng vị trí, với từng quy hoạch, điều kiện cơ sở hạ tầng, giá đất thị trường ở vị trí đó tại mỗi thời điểm và các lô đất đều được đưa ra đấu giá công khai. Việc xác định giá các lô đất lớn phải tính đến mật độ xây dựng, thường dưới 60%. Thực tế cho thấy có những lô có chiều sâu hàng trăm mét. Khi áp dụng phương pháp xác định giá đất theo Chính phủ quy định, Bộ Tài chính hướng dẫn thì giá đất có thể thấp hơn bảng giá do UBND TP quy định.

Vấn đề này, Bộ Tài chính đã có ý kiến tại điểm 1 và điểm 3 Công văn số 11021/BTC-QLCS ngày 16.8.2012. Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng đã có kết luận hết sức cụ thể tại mục 4 Kết luận số 94 ngày 25.4.2007:

“Việc bán khu đất 18.000 m2 cuối tuyến đường Phạm Văn Đồng, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, khu thương xá Vĩnh Trung, khu đất số 8 Phan Chu Trinh, khu đất tứ giác Phạm Hồng Thái - Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Thái Học - Yên Bái... qua xem xét, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng nhận thấy việc bán các khu đất trên là có chủ trương của tập thể UBND TP Đà Nẵng, thực hiện theo mục đích thương mại du lịch, không phải giá nhà ở, mật độ xây dựng nhà cao tầng từ 50% - 60% diện tích khu đất. Đất còn lại phục vụ công cộng. Vì vậy, không thể so sánh giữa giá đất làm dịch vụ theo đúng quy hoạch của thành phố với giá đất bán nền hoặc giá đất ở mặt tiền các đường phố chính”.

Ông Chiến lý giải thêm, ngày 1 tháng 1 hằng năm, TP thông báo công khai bảng giá đất, nhưng vài tháng sau, thị trường tăng, giảm, UBND phải quyết định điều chỉnh, chứ không thể ngồi chờ đến ngày 1 tháng 1 năm sau, vì thế có khi cao hơn, có khi phải thấp hơn giá đã công bố mới hợp quy luật thị trường, vì thế cũng không thể gọi đó là thất thoát. Hội nghị T.Ư 6 bàn về đất đai cũng đã cho phép UBND có quyền quyết định giá đất theo từng thời điểm. Đà Nẵng đi trước một bước và bước đi đó hợp với quy luật!

Lãnh đạo TP không đồng tình

Ông Chiến cũng đặt vấn đề: TTCP không đưa vào các dự án mà TP chuyển nhượng được giá cao, làm lợi cho ngân sách để cân đối chung mà chỉ đi vào một hướng, mà hướng đó lại không phù hợp quy luật, còn cứng nhắc là không toàn diện và công bằng.

Ông Chiến còn lý giải nhiều vấn đề khác trong kết luận của TTCP mà ông cho rằng lãnh đạo TP không đồng tình, chúng tôi chỉ xin tóm lược những điểm chính. Ông nói, lãnh đạo TP làm việc gì cũng nghĩ đến nhân dân, vì quyền lợi người dân, nếu không dám nghĩ dám làm thì không có Đà Nẵng như hôm nay. Và ông khẳng định: "Đà Nẵng không để thất thoát ngân sách!".

Ông còn thắc mắc khi văn bản của Văn phòng Chính phủ công khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng lại được ký vào ngày chủ nhật (13.1); việc TTCP công khai toàn bộ văn bản thanh tra dài 12 trang (thay vì tóm tắt nội dung chỉ 1/2 hoặc 1 trang như các cuộc thanh tra khác); việc các tỉnh, TP lớn vi phạm đất đai gây thất thoát cả chục nghìn tỉ đồng nhưng không ai nói đến mà Đà Nẵng lại "được ưu ái" là vấn đề gây bức xúc cho cán bộ và nhân dân TP. Về mặt nguyên tắc, ông nói, Thủ tướng giao cho các bộ ngành làm rõ để có kết luận, trong lúc các bộ, ngành được giao chưa có kết luận mà TTCP đã công khai toàn bộ văn bản thanh tra là bất hợp lý. Đã công bố thì giao cho các bộ, ngành làm gì?


Nguyễn Thế Thịnh (TN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đà Nẵng không để thất thoát ngân sách!