Khi còn sống, Marilyn Monroe được khắc họa bằng scandal, váy áo, hình ảnh gợi dục. 60 năm sau, công chúng vẫn chỉ nói về mái tóc, khuôn mặt, cơ thể của nữ diễn viên.
Khi còn sống, Marilyn Monroe được khắc họa bằng scandal, váy áo, hình ảnh gợi dục
"Tôi chưa bao giờ hiểu rõ về cái gọi là 'biểu tượng sex'. Tôi luôn nghĩ biểu tượng là những thứ mà chúng ta không thể thống nhất với nhau! Đó là vấn đề rắc rối, biểu tượng này trở thành một thứ gì đó vô tri. Tôi chỉ ghét bị biến thành thứ như vậy", Marilyn Monroe nói trong cuộc phỏng vấn với Life vào năm 1962.
Bài báo được xuất bản một tuần trước khi Marilyn qua đời do uống thuốc ngủ quá liều.
Khi bắt đầu sự nghiệp diễn xuất, Marilyn đồng ý chụp một bộ ảnh khỏa thân cho nhiếp ảnh gia Tom Kelley. Khi bà trở thành ngôi sao nổi tiếng trong các bộ phim như As Young as You Feel (1951), Monkey Business (1952) và Don't Bother to Knock (1952), chính những bức ảnh khỏa thân đó đã tạo ra scandal.
Tuy nhiên, thay vì làm tổn hại đến sự nghiệp của Marilyn, loạt ảnh dần biến bà thành biểu tượng tình dục từ những năm 1950 cho đến mãi sau này.
Marilyn là một diễn viên nhưng các phương tiện truyền thông đã khắc họa chân dung bà theo cách giật gân hơn: bê bối, ngoại tình, những bộ váy và cả hình ảnh gợi dục.
Sau nhiều thập kỷ được định hình là "biểu tượng", "nữ thần", "quả bom", thật khó để Marilyn Monroe được nhìn nhận như một con người thực sự, theo nhà nhà báo, nhà phê bình phim Christina Newland.
Như Sarah Churchwell, tác giả cuốn sách The Many Lives of Marilyn Monroe, đã nói: "Những gì chúng ta nghĩ về Marilyn chính là những gì chúng ta nghĩ về phụ nữ. Vào những năm 1950, đó là sai lầm nghiêm trọng".
Du khách ngắm nhìn bức ảnh chụp Marilyn Monroe của nhiếp ảnh gia Richard Avedon
Câu chuyện về "Forever Marilyn"
Khi bức tượng cao gần 8 m của Marilyn Monroe, Forever Marilyn, lần đầu đến Palm Springs (Califonia, Mỹ) và được trưng bày trong giai đoạn 2012-2014, người dân địa phương tỏ ra thích thú.
Bức tượng được xem như biểu tượng của lịch sự, văn hóa của thành phố. Nhiều du khách hào hứng chụp ảnh bên dưới tác phẩm khắc họa lại màn tốc váy kinh điển của Marilyn.
Cuối năm 2019, các quan chức thành phố và nhà lãnh đạo doanh nghiệp dự định đưa Forever Marilyn trở lại Palm Springs một lần nữa.
Tuy nhiên, phản ứng của người dân đã hoàn toàn thay đổi.
#MeToo làm lung lay nền tảng của Hollywood, phơi bày tình trạng quấy rối và lạm dụng tình dục phổ biến trong ngành công nghiệp điện ảnh.
Phong trào này đã mang lại nhận thức mới về di sản của những người trong cuộc và các diễn viên như Marilyn, người đã công khai về việc bị lạm dụng tình dục lúc nhỏ và bị quấy rối bởi những người đàn ông ở Hollywood.
Các nhà lãnh đạo thành phố, cư dân khu vực và các chuyên gia văn hóa tranh luận về ý nghĩa của Forever Marilyn, làm dấy lên những câu hỏi sâu sắc hơn về việc liệu Palm Springs có nên tiếp tục kỷ niệm thời kỳ hoàng kim của Hollywood hay không, bất chấp lịch sử quấy rối và lạm dụng tình dục đen tối của ngành công nghiệp.
Theo nhật báo địa phương The Desert Sun, việc mọi người xem bức tượng là tác phẩm nghệ thuật công cộng hay là công trình không đáng để tôn vinh phụ thuộc vào cách chúng ta diễn giải ký ức về Marilyn.
Bức tượng về Marilyn Monroe được trưng bày nơi công cộng
Marilyn, tên thật là Norma Jeane Mortenson, sinh năm 1926. Bà lớn lên trong các nhà nuôi dưỡng, trại trẻ mồ côi và kết hôn lần đầu tiên ở tuổi 16. Marilyn trở thành người mẫu nổi tiếng đầu những năm 1950 và sau đó vụt sáng thành sao Hollywood.
Cuối đời, nữ diễn viên phải vật lộn với việc lạm dụng chất kích thích, chứng trầm cảm và lo âu.
Lois Banner, giáo sư từng giảng dạy lịch sử và giới tính tại Đại học Nam California, đồng thời là tác giả của Marilyn: The Passion and the Paradox, cho biết: "Marilyn luôn muốn trở thành một nữ diễn viên vĩ đại. Bà không bao giờ muốn trở thành một 'bom sex' nhưng đã làm điều đó để trở nên nổi tiếng".
Vài năm sau khi phong trào #MeToo bùng nổ trên toàn quốc, Banner coi nữ diễn viên "vừa là victim (nạn nhân) vừa là survivor (người sống sót)".
"Monroe đã nói một cách cởi mở về quá khứ lạm dụng tình dục của mình, vào thời điểm mà mọi người tin rằng phụ nữ phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành vi lạm dụng nào gây ra cho họ", Banner nói.
Monroe cũng nói về những "con sói" mà mình đã gặp ở Hollywood nhiều thập kỷ trước khi những phụ nữ khác mở lòng về trải nghiệm tồi tệ của họ với cựu nhà sản xuất phim Harvey Weinstein và những người đàn ông quyền lực khác.
Đối với Micol Hebron, phó giáo sư khoa nghệ thuật của Đại học Chapman, bức tượng Forever Marilyn đại diện cho "bầy sói" khác đang rình rập Marilyn.
"Bức tượng Marilyn như một đối tượng được khao khát này chỉ phục vụ cho chế độ gia trưởng và cái nhìn của đàn ông dị tính".
Biểu tượng bị mắc kẹt
Người hoặc nhân vật hấp dẫn về mặt tình dục được gọi là biểu tượng sex.
Giữa những năm 1910-1920, từ này ban đầu được sử dụng để mô tả các ngôi sao điện ảnh mới chớm nở của kỷ nguyên.
Sessue Hayakawa đối với nam và Asta Nielsen cho nữ giới là những biểu tượng đầu tiên trên màn ảnh. Để thu hút khán giả, các hãng phim đã phụ thuộc chủ yếu vào sức hấp dẫn và giới tính của diễn viên.
Trong Thế chiến thứ hai, cách tiếp cận này trở nên phổ biến hơn. Trong thế kỷ XX, họ có thể là nam hoặc nữ. Những năm 1910-1920, những nam diễn viên như Sessue Hayakawa và Douglas Fairbanks rất được yêu thích.
Vào những năm 1950, James Dean và Marlon Brando thể hiện hình ảnh "trai hư", trong khi những phụ nữ như Marilyn Monroe và Jayne Mansfield được coi là hình mẫu lý tưởng của "tóc vàng gợi cảm".
Biểu tượng sex chỉ được coi là một lý tưởng tình dục cho đến những năm 1950, nhưng bước sang những năm 1960, nó đã trở thành biểu tượng của cuộc cách mạng về tình dục và giải phóng cơ thể.
Chính ý tưởng gắn khái niệm biểu tượng sex với hình ảnh, hình tượng cụ thể đã dẫn đến việc tình dục hóa các nhân vật, ngôi sao và biến đổi ý tưởng về cái đẹp.
Jayne Mansfield (phải) là mỹ nhân cùng thời với Marilyn Monroe
Ngành công nghiệp giải trí qua từng thời kỳ luôn đầy rẫy những biểu tượng sex. Trong khi nhiều ngôi sao sử dụng danh hiệu này như một lợi thế nghề nghiệp, những người khác đã thẳng thừng từ chối với các lý do khác nhau.
Trong cuộc phỏng vấn với Esquire, Megan Fox cho biết cô không thích bị coi là biểu tượng gợi cảm và cũng không tin vào sức mạnh của danh xưng này.
"Nó ăn mòn mọi phần khác trong tính cách của tôi, không phải vì tôi mà do cách mọi người nhìn nhận. Điều đó đã làm tôi mất giá", nữ diễn viên nói.
Năm 1995, một năm sau thành công của phim Speed, Reeves dường như bối rối trước sự tung hô của mọi người.
"Tôi ghét cụm từ này. Tôi không nghĩ mình là một biểu tượng tình dục và cũng không nghĩ mình trông giống như vậy", anh nói với Platinum.
Tuy nhiên, biểu tượng sex không phải là thứ dễ dàng biến mất dù cho các ngôi sao có chán ghét hay cố gắng chối bỏ đến mức nào. Marilyn Monroe là ví dụ điển hình.f
Trong bài viết cho HuffPost, Keith Badman, tác giả cuốn sách Marilyn Monroe: The Final Years, nhận định: "Hãy thử tìm một hình ảnh không hoàn mỹ của Marilyn. Bạn sẽ không thể nào tìm thấy, không bao giờ có thể bắt gặp một bức ảnh già nua hay tiều tụy của Marilyn. Nữ diễn viên mãi mãi bị khóa chặt vào hình ảnh một thiếu nữ tươi trẻ, đầy sức sống, xinh đẹp... Sự ra đi bi thảm của bà ở tuổi 36 càng đóng đinh Marilyn trong hình tượng đó".
Theo Zing