Đa dạng sinh học bị đe dọa

10/08/2014 02:27

Tính đa dạng sinh học ở hệ sinh thái đất ngập nước trên địa bàn tỉnh ngày càng suy giảm do nguồn nước ô nhiễm, thủy sản bị khai thác bừa bãi...


Ô nhiễm môi trường nước là nguyên nhân chính làm suy giảm đa dạng sinh học ở hệ sinh thái đất ngập nước.
 Trong ảnh: Kênh T5 qua xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) đang bị ô nhiễm nghiêm trọng


Nguồn nước ngày càng ô nhiễm, đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt... khiến tính đa dạng sinh học ở hệ sinh thái đất ngập nước ngày càng suy giảm.


Cá tự nhiên khan hiếm

Anh Đào Văn Tuấn ở làng chài Đồng Xá (thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang) đã trên 10 năm đánh bắt tôm, cá trên sông Sặt. Thế nhưng thâm niên nghề nghiệp cũng không giúp anh có cuộc sống khấm khá hơn bởi lượng cá, tôm đánh bắt được trên sông Sặt ngày càng giảm. Theo anh Tuấn, nhiều năm trước kia, nước sông Sặt còn sạch, tôm, cá sẵn. Các loài cá cũng phong phú như: lành canh, mương, lẹp, chép, trôi, trắm, ngão... Anh chỉ dong thuyền vài giờ đồng hồ là đã thu được mẻ tôm, cá kha khá. Có mẻ anh bắt được hơn 1 tạ cá. Mỗi ngày anh Tuấn bán được 200-300 nghìn đồng, đủ chi tiêu. Những năm gần đây, nước sông Sặt bị ô nhiễm khiến việc đánh bắt thủy sản của anh Tuấn gặp nhiều khó khăn. Anh Tuấn cho biết: “Từ nhiều năm nay, cá lành canh dường như mất hẳn, tôi không đánh bắt được nữa. Cá trắm cũng rất hiếm, may ra một năm mới có một lần bắt được nó. Bây giờ đi xa hơn, thời gian làm lâu hơn nhưng lượng cá thu về chỉ bằng khoảng 20% so với những ngày đầu mới làm nghề này. Hiện nay, mỗi ngày tôi chỉ kiếm được hơn 100 nghìn đồng từ đánh bắt cá, thậm chí có ngày chỉ được vài chục nghìn đồng”. Anh Tuấn khẳng định nước sông Sặt bị ô nhiễm là nguyên nhân chính khiến lượng tôm, cá ngày càng khan hiếm. Nhiều lần anh Tuấn thấy tại các cửa cống, dòng nước đen ngòm xả thẳng vào sông Sặt. Thay vì chỉ đánh bắt cá ở sông Sặt, nhiều hộ dân khác đã phải tìm sang các con sông khác ở xa hơn.

Tại nhiều con kênh, mương nội đồng, số lượng, mật độ các loài thủy sản, thực vật dưới nước cũng bị suy giảm mạnh do nguồn nước ô nhiễm. Anh Nguyễn Tiến Toan ở thôn Phú Lộc (xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng) vẫn thường xuyên cất vó tại kênh tiêu chính trạm bơm Văn Thai. Tuy nhiên, mỗi lần vó cất lên anh gần như chỉ thu được cá rô phi. Anh Toan thấy điều lạ là nước ô nhiễm vậy nhưng cá rô phi lại có nhiều. “Ngày xưa nước con kênh này còn trong nên có nhiều chép, trắm, chuối... Người dân còn tắm, giặt ở đây. Hoa súng, cây chang, rong, rêu cũng mọc khắp nơi. Nhiều năm nay, nguồn nước kênh bị ô nhiễm bởi chất thải khu dân cư xả ra nên cá rất hiếm. Các loại cá như trắm, chép, mương, sọi cờ... còn rất ít. Nhiều loại thực vật dưới nước cũng ít thấy”.

Theo ông Nguyễn Hoài Khanh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, tỉnh ta chưa có số liệu nghiên cứu tổng thể về sự suy giảm đa dạng sinh học ở hệ sinh thái đất ngập nước (HSTĐNN) do làm việc này rất tốn kém. Trước đây, một số tác giả cũng đã nghiên cứu về vấn đề này nhưng ở diện hẹp. Tuy nhiên, về mặt cảm quan có thể thấy sự suy giảm về hệ sinh thái, giảm số lượng cá thể dẫn tới giảm đa dạng về gien ở HSTĐNN. Chẳng hạn, nhiều loài trước đây xuất hiện nhiều nhưng nay có nguy cơ biến mất như con cà cuống, đỉa, sọc song. Một số loài động vật phù du là thức ăn của cá, rong, rêu, tảo cũng ít đi.

Nhiều hệ lụy xấu

Vùng đất ngập nước có vai trò rất quan trọng đối với môi trường. Các vùng đất ngập nước giống như những “bể lắng” giữ lại các chất ô nhiễm, làm sạch nước. Ngoài ra, nó còn cung cấp nước cho nước ngầm, tích lũy chất dinh dưỡng, điều hòa khí hậu, sản xuất sinh khối... Khi tính đa dạng của HSTĐNN bị suy giảm thì vai trò của vùng đất ngập nước cũng suy giảm theo, dẫn tới nhiều hệ lụy xấu cho môi trường. Chẳng hạn, khi nguồn gien của sinh vật bản địa bị đe dọa, dẫn tới các sinh vật ngoại lai sẽ gia tăng, áp chế sinh vật bản địa, làm mất cân bằng chuỗi thức ăn. Hệ sinh thái có chiều hướng “chết”, xuất hiện những thủy vực “chết”, khó có khả năng tự phục hồi. Số lượng, mật độ các loài thủy sản giảm mạnh đã ảnh hưởng nhiều tới thu nhập của những người làm nghề đánh bắt thủy sản tự nhiên.


Vùng đất bãi sông bán ngập nước nuôi rươi, cáy ở xã Thanh An (Tứ Kỳ) đang bị đe dọa bởi nạn khai thác cát trái phép

Tình trạng ô nhiễm môi trường nước ngày càng gia tăng là nguyên nhân chính làm suy giảm đa

Tỉnh ta có hệ thống sông, ngòi, ao, hồ chằng chịt nên diện tích vùng đất ngập nước khá nhiều. Ngoài các vùng đất bao phủ bằng nước ngọt là chủ yếu, tỉnh ta còn có một số vùng bãi sông là đất ngập nước lợ ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành, Kinh Môn (do ảnh hưởng thủy triều). Một số vùng đất ngập nước còn giữ được tính đa dạng sinh học cao, được quan tâm bảo vệ như: hồ nước tại đảo Cò (xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện), đầm, hồ An Bài (xã An Lạc, Chí Linh), vùng nuôi rươi, cáy (xã An Thanh, Tứ Kỳ).

dạng sinh học ở HSTĐNN. Ở tỉnh ta, nhiều kênh, mương, sông nội đồng đã bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, nông nghiệp... Tại các con sông lớn như: Thái Bình, Luộc, Kinh Thầy, Kinh Môn, tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm cục bộ cũng xuất hiện nhiều nơi. Tháng 3 năm nay, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường lấy mẫu nước ở 14 tuyến kênh lớn trong nội đồng để phân tích. Kết quả cho thấy, so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, hầu hết các tuyến kênh quan trắc có hàm lượng chất NH¬¬4+-N, NO2¬--N vượt tiêu chuẩn cho phép. Việc khai thác các loại thủy sản theo kiểu tận diệt cũng làm suy kiệt đa dạng sinh học HSTĐNN. Hiện, nhiều người dân đánh bắt tôm, cá bằng kích điện, sử dụng các loại chài, lưới mắt nhỏ khiến mật độ loài giảm mạnh. Ngoài ra, con người san lấp các vùng đất ngập nước để làm nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh... khiến diện tích đất ngập nước bị thu hẹp làm giảm đa dạng sinh học.

Đa dạng sinh học HSTĐNN đã và đang bị suy giảm nghiêm trọng. Hằng ngày, các vùng đất ngập nước tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động từ phía con người. Tỉnh ta rất cần những nghiên cứu, điều tra cụ thể về sự suy giảm đa dạng sinh học ở HSTĐNN, từ đó có những định hướng, hành động để bảo vệ, nhất là những vùng đất ngập nước có giá trị kinh tế, sinh thái cao.

NINH TUÂN



Bảo vệ nghiêm ngặt vùng còn tính đa dạng sinh học khá cao


Tỉnh ta có nhiều diện tích đất ngập nước vì thuộc lưu vực các sông lớn như Thái Bình, Kinh Thầy, Luộc, Kinh Môn... Hiện nay, tính đa dạng sinh học ở hệ sinh thái đất ngập nước bị mai một đi nhiều. Một ví dụ chứng minh như ngày xưa người ta bán nhiều trứng cáy nhưng giờ gần như không thấy bán nữa. Cần tổ chức các hội thảo, mời các bên có liên quan tham gia để thấy rõ tầm quan trọng của hệ sinh thái đất ngập nước. Những vùng đất ngập nước còn tính đa dạng sinh học khá cao cần được bảo vệ nghiêm ngặt, có thể biến những vùng này thành nơi tham quan, du lịch sinh thái như ở đảo Cò, khu vực đầm, hồ xã An Lạc. Cơ quan chức năng cần nghiêm cấm những hành vi đánh bắt, hủy diệt đa dạng sinh học như dùng kích điện, súng, săn bắn trái phép động vật ở các khu vực cần phải bảo vệ.

Nhà nghiên cứu sinh họcNGUYỄN VĂN KHANG


Chống khai thác cát trái phép ở bãi nuôi rươi

Xã tôi có nhiều diện tích bãi sông bán ngập nước được phù sa sông Thái

Bình bồi đắp. Vùng này ngoài tôm, cá phong phú thì còn có con đặc sản là rươi, cáy mà ít nơi có được. Con rươi, con cáy giúp nhiều gia đình giàu lên. Tuy nhiên, vùng đất đang bị đe dọa bởi hoạt động khai thác cát khiến một số diện tích bãi sông bị sạt lở. Mất đất bãi thì con rươi, con cáy cũng mất đất sống, ảnh hưởng tới thu nhập của người dân. Mấy hôm trước nghe nói cá chết trắng ở sông Cửu An do nguồn nước ô nhiễm nên chúng tôi cũng rất lo lắng. Sợ rằng nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng đến vùng này thì con rươi, cáy cũng không sống được. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cần bảo vệ vùng đất này, nhất là việc chống nạn khai thác cát trái phép, ngăn chặn nguồn nước sông bị ô nhiễm.

Ông PHẠM VĂN HUỲNH (Thôn An Định, xã An Thanh, Tứ Kỳ)


Không đánh bắt tận diệt


Tình trạng suy giảm đa dạng các loài thuỷ sinh là do ô nhiễm môi trường. Việc người dân dùng các loại lưới mắt nhỏ, kích điện để tiêu đánh bắt những loài thuỷ sinh nhỏ cũng gây ảnh hưởng lớn. Theo tôi, để hạn chế tình trạng suy giảm các loài thuỷ sinh, các cơ quan chức năng cần khắc phục những điểm gây ô nhiễm nguồn nước. Quan trọng nhất, mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ môi trường, không sử dụng các phương pháp đánh bắt mang tính chất tận diệt các loại thuỷ sinh.

Ông LÊ VĂN SINH (Thôn Bùng Dựa, xã Tuấn Hưng, Kim Thành)



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đa dạng sinh học bị đe dọa