Theo các luật sư, việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi không phải là vấn đề mới, mà các thủ đoạn, chiêu trò ngày càng đa dạng và tinh vi hơn, khiến nhiều người rơi vào cảnh tiền mất tật mang.
Việc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng điều hành, quản lý hoạt động của câu lạc bộ Tình người là không đúng quy định của pháp luật. Ảnh: Màn hình website của câu lạc bộ
Tiền thân của câu lạc bộ Tình người là Chi hội tán trợ Chữ Thập đỏ Tình người, thành lập theo quyết định của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội sau đó đã giải thể.
Hiện nay, câu lạc bộ này trực thuộc công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển trí tuệ cộng đồng theo phương thức hoạt động của doanh nghiệp.
Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết câu lạc bộ Tình người hoạt động độc lập, không liên quan đến Giáo hội.
“Chủ tịch UBND thành phố đã giao Ban Tôn giáo thành phố chủ trì, phối hợp công an kiểm tra sự việc liên quan câu lạc bộ Tình người. Chúng ta sẽ chờ kết quả điều tra. Nếu đúng như thông tin báo chí đã phản ánh thì những gì câu lạc bộ này tuyên truyền là hết sức sai trái, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến dư luận xã hội”, Thượng tọa khẳng định này có nhiều điểm vi phạm pháp luật. Báo VietnamPlus tiếp tục tham khảo ý kiến các luật sư để phân tích những chiêu trò lách luật của tổ chức này và hướng dẫn người dân tỉnh táo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Hình thành và hoạt động không đúng quy định của pháp luật
Theo Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): " Hội hay còn có các tên gọi khác: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ... có tư cách pháp nhân và được đăng ký, cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật. Đây là các tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Với những đặc điểm như vậy, câu lạc bộ Tình người là một hình thức tổ chức và hoạt động của ''hội'', mà theo pháp luật hiện hành không có quy định về việc thành lập và hoạt động của câu lạc bộ (hay hội) trong doanh nghiệp, chịu sự quản lý và điều hành của doanh nghiệp. Như vậy, việc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng điều hành, quản lý hoạt động của Câu lạc bộ Tình người là không đúng quy định của pháp luật", luật sư Nguyễn Đức Hùng khẳng định.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TGS
Liên quan đến những đơn thư trình bày của các thành viên về việc họ đã nộp vào câu lạc bộ rất nhiều tiền để cúng dường, làm từ thiện, mua đồ thờ… nhưng đều không có hóa đơn, chỉ có phiếu thu. Thậm chí, một số khoản thu không có hóa đơn, chứng từ... theo luật sư Nguyễn Đức Hùng điều này sẽ gây ra những khó khăn nhất định trong việc chứng minh các khoản tiền đã nộp cho câu lạc bộ khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những thành viên này.
Tuy nhiên, luật sư Hùng cũng khẳng định rằng, cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm áp dụng các biện pháp điều tra, xác minh, thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, làm sáng tỏ toàn bộ sự thật khách quan của vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên theo quy định của pháp luật.
“Việc chứng minh các khoản thu chi của câu lạc bộ sẽ dựa trên cơ sở sự đánh giá khách quan và toàn diện tất cả các chứng cứ, tài liệu có liên quan như: lời khai của những người có liên quan, người làm chứng, tài liệu, sổ sách. Do đó, dù không có các tài liệu, chứng từ chứng minh thì những người bị hại vẫn cần phải trình bày trung thực, cung cấp cho cơ quan điều tra các thông tin khách quan và đầy đủ nhất về vụ việc nói chung, cũng như các khoản thu, chi của câu lạc bộ nói riêng”, luật sư cho biết.
Trong những hoạt động khác, nếu các cơ quan chức năng chứng minh được những hành vi sai trái của câu lạc bộ thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, hành vi “lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi” sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Mức phạt tiền nêu trên là mức xử phạt đối với cá nhân vi phạm, còn mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm sẽ gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Về chế tài hình sự, tội hành nghề mê tín, dị đoan sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến cao nhất là 10 năm.
Việc bán đồ thờ tại câu lạc bộ không có hóa đơn cũng là trái quy định của pháp luật. Theo Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, tại Khoản 5 Điều 24 có quy định: Hành vi “không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định” sẽ có thể bị xử phạt tiền từ 10 đồng đến 20 triệu đồng.
Nếu hành vi không xuất hóa đơn là nhằm mục đích trốn thuế, thì người vi phạm còn bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ, với mức phạt thấp nhất là một lần và cao nhất là ba lần tính trên số thuế bị gian lận. Người vi phạm cũng phải chịu hình phạt bổ sung là: Buộc phải nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách Nhà nước. Trong trường hợp nghiêm trọng thì hành vi trốn thuế nêu trên có thể bị xử lý hình sự.
Khi phóng viên cung cấp băng ghi âm cho thấy bà Nguyễn Hồng Thuận có hành động phát thuốc chữa COVID-19 cho thành viên, và tuyên truyền là “khi ho tức là đã dương tính rồi, không nên đi kiểm tra ngay mà ở nhà dùng thuốc trước đã”, luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng đây là thông tin nhảm nhí, phản khoa học, không đúng với chính sách và quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh của Đảng và Nhà nước.
“Những hành vi này là cực kỳ nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của những người dùng loại thuốc không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm chứng này, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay”, luật sư nói.
Trách nhiệm của các cơ quan chức năng
Tiến sỹ luật học Lê Ngọc Khánh, nguyên giảng viên Học viện Chính trị Công an Nhân dân, khẳng định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là rất lớn khi để những hoạt động tại câu lạc bộ Tình người diễn ra nhiều năm ngay giữa trung tâm Thủ đô.
“Tôi muốn nhắc đến vai trò của phòng văn hóa, công an phường, ủy ban nhân dân phường, tổ dân phố. Họ phải có trách nhiệm vào cuộc kiểm tra để cảnh báo người dân, phải kiểm tra thường xuyên hoạt động của các tổ chức trên địa bàn để có định hướng cho nhân dân”, ông nói.
Với cuốn sách “Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại”, luật sư Lê Ngọc Khánh cho rằng nhà xuất bản Hồng Đức cũng phải chịu trách nhiệm khi liên kết xuất bản ấn phẩm này.
Đại tá, tiến sỹ luật học Lê Ngọc Khánh, nguyên giảng viên Học viện Chính trị Công an Nhân dân
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Đức Hùng cho hay theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi xuất bản những nội dung: “Dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực, mê tín dị đoan hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đối với từng tên xuất bản phẩm” sẽ bị phạt tiền từ 40 đến triệu đồng.
“Nếu các thông tin báo chí đưa tin và ý kiến phản ánh của các thành viên là chính xác thì có thể nói hoạt động của câu lạc bộ Tình người đã có dấu hiệu của việc lợi dụng các tư tưởng mê tín dị đoan, bóp méo các triết lý tôn giáo, quan điểm tín ngưỡng chính thống, để trục lợi, thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Hùng nói.
Đây không phải là vấn đề mới mà những hiện tượng tiêu cực này vẫn đang diễn ra khá phổ biến, với các thủ đoạn, chiêu trò ngày càng đa dạng và tinh vi hơn, khiến nhiều người rơi vào cảnh tiền mất tật mang, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Theo Vietnam+
-----------
Bài 5: Tỉnh táo trong tín ngưỡng để tránh sập bẫy trục lợi tâm linh