“Giá bất động sản hiện nay vẫn bị coi là nghịch lý. Cung và cầu về nhà ở đang rất lớn nhưng lại không gặp nhau”.
Năm 2012, thị trường bất động sản chứng kiến nhiều bất lợi nhất: giá giảm mạnh, giao dịch ảm đạm, mất cân đối cung cầu; hầu hết các công trình nhà ở, văn phòng đều thi công cầm chừng; nhiều tập đoàn, tổng công ty thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản… Mặc dù doanh nghiệp giảm mạnh giá bán từ 20 - 40%, hoặc chấp nhận thua lỗ nhưng vẫn không thể bán được hàng. Tình trạng đóng băng thị trường bất động sản khiến nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, nợ xấu tăng. Việc giải cứu thị trường bất động sản hiện nay cần có “phương thuốc” hữu hiệu.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ hàng loạt giải pháp - Đề xuất này cũng đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 02 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, hỗ trợ thị trường, trong đó chủ yếu liên quan đến thị trường bất động sản. Một trong những phương án được cho là cứu cánh giúp doanh nghiệp giải bài toán giải quyết hàng tồn kho và kích cầu thị trường bất động sản là cho phép chuyển đổi mục đích dự án từ nhà ở thương mại sang các dự án nhà ở xã hội.
Khi thực hiện việc chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, doanh nghiệp bất động sản sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, như không phải nộp tiền sử dụng đất, ưu tiên vay vốn…. Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ chỉ còn 10% thay vì 25% như hiện nay. Thuế VAT người mua nhà sẽ giảm còn 5%. Lãi suất cho người mua nhà xã hội được tính toán hỗ trợ ở mức dưới 7-8%/năm.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, giá nhà đất năm 2010 đã tăng gấp 10 lần so với năm 2000, đồng thời tăng gấp bốn lần so với việc tăng thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam. Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, giá bất động sản hiện nay vẫn bị coi là nghịch lý. Cung và cầu về nhà ở đang rất lớn nhưng lại không gặp nhau. Nhiều người muốn mua nhà, nhưng vẫn chưa được hoặc vẫn đang đắn đo chờ giá nhà giảm. Đây là điểm cần tháo gỡ. Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định, năm 2013 là một năm các doanh nghiệp, ngành chức năng và các địa phương sẽ tập trung giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản. Nếu thực hiện tốt, có hiệu quả thì khả năng cuối năm nay thị trường nhà đất, phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ tăng nguồn cung, giao dịch tốt hơn.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng: "Việc cho phép chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là biện pháp vừa tăng nguồn cung về nhà ở xã hội, đồng thời giải quyết tồn kho nhà ở hiện nay. Việc chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội phải gắn với việc làm cho giá nhà xã hội ngang mức đã được tính của Bộ Xây dựng, chứ không được chuyển nguyên. Bởi vì những người mua nhà ở xã hội thường là những người có thu nhập thấp, nên không thể trả với mức giá cao như mức nhà ở bình thường”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, kịch bản giải cứu thị trường bất động sản đã có, nhưng từ kịch bản đến giải pháp và triển khai thực hiện là cả một vấn đề. Các Bộ, ngành cần thống nhất giải pháp giải cứu thị trường bất động sản thành một “phương thuốc” hữu hiệu. Nếu không, thị trường bất động sản càng ngày càng lún sâu vào “vũng lầy”. Vấn đề hỗ trợ 40.000 tỷ đồng với lãi suất thấp cho người mua nhà cũng cần thực hiện một cách đồng bộ và sàng lọc, tránh tình trạng người có nhu cầu thì không được hỗ trợ mà người giàu lại được hưởng.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: “Nếu không giải quyết tận gốc việc thu hồi đất giao cho các doanh nghiệp, rồi thổi giá bất động sản lên, không quản lý chặt chẽ khâu tín dụng cho bất động sản thì rất có thể trong thời gian không xa lại xuất hiện bong bóng bất động sản và phải giải cứu bất động sản một lần nữa”.
Hữu Tiến(VOV)