Rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh (CCB) ở huyện Thanh Hà tiếp tục phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, cần cù lao động, thực hiện nhiều mô hình sản xuất, dịch vụ hiệu quả, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thìn (xã Thanh Xá) tiên phong đầu tư các vùng vải quả VietGAP, GlobalGAP, đang hướng tới các mô hình du lịch vườn
Làm giàu, xây dựng quê hương
Năm 1981, ông Trịnh Văn Chuyền xuất ngũ về quê ở thôn Vĩnh Ninh (xã Thanh Cường). Qua hàng chục năm công tác ở xã, thôn, ông đã tích cực tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Năm 2011, ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng để thau chua, rửa mặn vùng bãi Đồng Liễu bị bỏ hoang ven sông Thái Bình. Nay vùng này đã trở nên trù phú với rươi, cáy, chuối, lúa sạch rộng hơn 1ha, mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động. Mô hình của gia đình ông Chuyền đã được nhân rộng tới hơn 30 hộ, với diện tích trên 50 ha và thành lập được HTX Bảo tồn, phát triển và khai thác rươi, cáy tự nhiên.
Cuối năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch sinh thái sông Hương, UBND huyện Thanh Hà triển khai Đề án phát triển các điểm du lịch sinh thái sông Hương trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Đó là cơ hội lớn để người dân khai thác tiềm năng du lịch. Ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch Hội CCB xã Thanh Xá tiên phong đầu tư các vùng vải quả VietGAP, GlobalGAP, đang hướng tới các mô hình du lịch vườn. Với diện tích hơn 4 mẫu vườn, gia đình ông trồng vải thiều, chanh, quất... Gia đình ông vừa thu hơn 100 triệu đồng từ 2 mẫu vải sớm.
Câu lạc bộ Doanh nhân CCB, cựu quân nhân huyện Thanh Hà trước đây có 102 thành viên, gồm 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 3 HTX, 12 trang trại và 72 gia trại. Đây là cơ sở để thành lập Hội Doanh nhân CCB huyện có 30 hội viên nhằm tăng cường hợp tác, liên kết, liên doanh phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản. Các thành viên điển hình của hội như CCB Vũ Thanh Bình (xã Hồng Lạc) đầu tư sản xuất kem, thạch rau câu, thu nhập trên 40 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động; CCB Ngô Xuân Thinh (xã Thanh Thủy), Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB huyện, có xưởng sản xuất đá cây và cây xăng, thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 16 lao động; CCB Lê Văn Sách (xã Thanh Hải) kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, máy cấy, thu nhập trên 600 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 6 lao động...
Ông Lê Xuân Găng, Chủ tịch Hội CCB huyện Thanh Hà cho biết toàn huyện có 22 tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng trong 5 năm (2016-2021) thực hiện phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi.
Mô hình sản xuất đá cây và kinh doanh xăng dầu của gia đình cựu chiến binh Ngô Xuân Thinh (xã Thanh Thủy) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 16 lao động
Thi đua gương mẫu
Hội CCB huyện Thanh Hà hiện có 8.062 hội viên, sinh hoạt tại 24 hội cơ sở. Với tinh thần gương mẫu, đi đầu, 2.239 CCB là đảng viên đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cấp hội trong huyện thường xuyên vận động hội viên CCB nêu cao ý thức trách nhiệm tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, củng cố, tăng cường sự đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Toàn huyện có 183 CCB trúng cử vào cấp ủy và 158 hội viên là đại biểu HĐND cấp huyện, xã.
Đồng chí Phạm Văn Hùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Hà đánh giá các CCB trong huyện luôn là lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế- xã hội. Nhiều tập thể, cá nhân luôn gương mẫu, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
TL