Về xã Ngũ Hùng (Thanh Miện), hỏi ông Tiết “thùng ong” không ai là không biết. Gia đình ông sản xuất và cung cấp hàng nghìn dụng cụ, vật tư mỗi năm cho các hộ nuôi ong khắp trong và ngoài tỉnh.
Một mình ông Tiết tự làm tất cả các dụng cụ nuôi ong
Từng chiến đấu ở chiến trường B5 Quảng Trị, tháng 2.1972 ông Nguyễn Văn Tiết (sinh năm 1943) trở về địa phương với di chứng chất độc da cam, sức khỏe có phần giảm sút. Thời điểm này, ở thôn có nghề làm thừng dợ song máy quay còn quá ít. Nhìn vợ và các con vất vả chạy vạy chỗ nọ chỗ kia mới mượn được chiếc máy về quay dây thừng, ông Tiết nhiều đêm trăn trở nghĩ cách thay đổi. Từ chiếc máy quay thừng chạy 1 dây của Thái Bình đang được người dân trong thôn sử dụng, ông sáng tạo ra chiếc máy quay thừng chạy 3 dây. Sau đó dần nâng cấp lên máy quay 5 dây và cuối cùng là chiếc máy quay 12 dây.
Mặc dù là máy quay thủ công nhưng sáng kiến của ông không chỉ nâng công suất, hiệu quả lao động mà còn góp phần không nhỏ thúc đẩy hoạt động sản xuất của làng nghề. Thực tế, khi thôn chưa có nhiều máy quay, số hộ làm thừng còn ít, từ khi có sáng chế của ông Tiết, cả thôn Nại Trì, tiếp đó là thôn My Trì và một số hộ dân ở các thôn khác của xã Ngũ Hùng cũng đi sâu vào nghề làm thừng. Những năm 1983-1996 là giai đoạn phát triển nhất của nghề, mang lại thu nhập chính cho người dân trong xã. Tất cả các hộ làm thừng dợ trong xã lúc bấy giờ đều đặt mua bàn quay, máy quay thừng của ông Tiết.
Những năm 2000 khi làng nghề làm thừng mai một, ông Tiết không còn đóng máy quay thừng nữa. Nhận thấy diện tích nhãn vải ở địa phương nhiều, là nguồn cung cấp mật dồi dào nên năm 2011, ông Tiết đầu tư mua vài chục thùng ong. Thấy nhiều người có nhu cầu nuôi ong, trong khi việc đặt các dụng cụ vật tư nuôi khó khăn, sẵn tay nghề giỏi, ông chuyển sang sản xuất và cung cấp mặt hàng này. Ông Tiết mày mò tìm nguyên vật liệu, tham khảo mẫu thùng phổ biến nhất để có thể sản xuất, cung cấp rộng rãi. Sau đó, ông tìm mua gỗ phế liệu của các xưởng sản xuất gỗ để làm thành vật tư nuôi ong. Ông chọn gỗ phế liệu bởi có kích thước nhỏ, có thể tận dụng để làm cầu hoặc thước ong.
Từ chỗ thực hiện hoàn toàn bằng tay, những năm gần đây công nghệ phát triển, ông bắt đầu mua máy cưa, xẻ, bào gỗ để tăng công suất mới đáp ứng được nhu cầu của các hộ nuôi ong. Ngoài các hộ dân trong huyện, hằng năm ông còn cung cấp vật tư nuôi ong cho nhiều hộ ở Thái Bình, Hưng Yên… Nhiều cơ sở nuôi ong đã nhập hàng nghìn sản phẩm của gia đình ông về bán lại cho các hộ nuôi nhỏ lẻ. Trung bình mỗi năm ông bán được gần 400 thùng ong, hơn 6.000 chiếc cầu ong, thước ong. Nhiều người lựa chọn sản phẩm của ông vì chất lượng tốt, giá rẻ hơn so với những nơi khác. Dù chỉ một mình làm tất cả các công đoạn song ông Tiết vẫn cho rằng việc này khá nhàn, chi phí đầu tư thấp trong khi lãi cao. Mỗi năm ông thu lãi từ 70-80 triệu đồng, cuộc sống gia đình ngày càng khá giả.
HOÀNG NẾT