Chôn chỉ tẩm mật mèo đen vào các huyệt của bệnh nhân, sau đó kết hợp với uống thuốc thì bệnh hen phế quản không những thuyên giảm mà khỏi hẳn.
Ông Thành chôn chỉ tẩm mật mèo đen vào huyệt bệnh nhân để chữa hen phế quản
“Điểm mới của ông Thành trong chữa bệnh hen phế quản là chôn chỉ có tẩm mật mèo đen vào huyệt cho bệnh nhân. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu để phát triển và ứng dụng phương pháp này”. Đó là nhận xét của Nhà giáo nhân dân Hoàng Điển Phan, Chủ tịch Hội Nghề nghiệp y tế tư nhân tỉnh về kinh nghiệm chữa bệnh hen của cựu chiến binh Tăng Đức Thành ở số nhà 19 đường Lê Thanh Nghị (thị trấn Gia Lộc).
Theo ông Thành, có rất nhiều cách chữa bệnh hen, nhưng phương pháp của ông thì ở tỉnh Hải Dương chưa ai làm. Đó là chôn chỉ tẩm mật mèo đen vào các huyệt của bệnh nhân, sau đó kết hợp với uống thuốc thì bệnh không những thuyên giảm mà khỏi hẳn. Đầu tiên phải có mật mèo đen, mà mèo nuôi càng lâu càng tốt. Sau đó dùng những đoạn chỉ có độ dài khác nhau tẩm mật mèo và phơi 3 lần để mật mèo khô và bám thật chắc vào chỉ. Có những trường hợp phải tẩm thêm mật kỳ đà. Chỉ chữa hen được phân ra làm 5 loại. Sợi chỉ nào tẩm mật mèo nuôi càng lâu năm, càng tốt và giá chỉ sẽ cao hơn. Tuy nhiên, tùy theo bệnh của từng người, thời gian chôn chỉ vào huyệt 1 lần khoảng 15 phút, mỗi lần cách nhau từ 1 - 2 tháng, chỉ sau từ 3 - 5 lần là khỏi hẳn bệnh hen, cơ thể khỏe mạnh trở lại.
Chị Lê Thị Thanh Hà (sinh năm 1983) ở thị trấn Tứ Kỳ bị hen phế quản từ khi còn nhỏ cho biết: “Tôi đã chữa ở rất nhiều nơi, dùng các bài thuốc Nam ở Bắc Giang, Lạng Sơn… nhưng bệnh không những không thuyên giảm mà còn nặng thêm. Khi khó thở, tôi đã phải dùng hộp xịt và tiêm. Sau 4 tháng, tôi được ông Thành chôn chỉ 2 lần và uống thuốc. Đến nay, tôi không lên cơn hen mặc dù đang nuôi con nhỏ. Theo chỉ dẫn của ông Thành, tôi cần cấy chỉ 1 lần nữa thôi”.
Còn bà Phạm Thị Tỵ (62 tuổi) ở số nhà 1, khu 12, phường Tân Bình (TP Hải Dương) bị hen phế quản từ khi 11 tuổi. Bà đã chữa trị rất nhiều nơi nhưng không khỏi. Hiện bà đang được ông Thành chữa bệnh, mỗi tháng 1 lần chôn chỉ và uống thuốc. 3 tháng nay, bà không lên cơn hen, không khó thở, không chạy khí dung, ăn được, ngủ được và da dẻ hồng hào hơn trước.
Ông Nguyễn Văn Phái (74 tuổi) ở số nhà 9, khu 12, phường Tân Bình (TP Hải Dương) bị hen phế quản nặng đến nay đã khỏi hẳn. Ông Thái cho biết, đầu tháng 10-2012, ông lên cơn nặng và phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương, mỗi ngày uống 4 viên thuốc giãn phế quản. Sau đó, ông đến nhà ông Thành 4 lần chôn chỉ, đến nay không còn lên cơn hen và khó thở nữa.
Với cách chữa bệnh độc đáo này, cựu chiến binh Tăng Đức Thành đã chữa hàng nghìn người khỏi bệnh hen. Những bệnh nhân tìm đến ông đa phần là bệnh nặng, đã chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Những bệnh nhân khó khăn về kinh tế, ông đều tư vấn, hỗ trợ thuốc và chăm sóc miễn phí…
Được biết, ông Thành đã tham gia quân ngũ và bị thương ở chiến trường Quảng Trị. Khi làm Bệnh xá trưởng của Đoàn 11 xây dựng kinh tế đóng tại huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), ông đã cứu chữa cho sản phụ người Hoa sinh con bị băng huyết. Cảm kích trước việc này, gia đình sản phụ đã nhận ông làm con nuôi. Một trong những người con của gia đình đã truyền lại cho ông cách chữa bệnh hen theo phương pháp trên. Năm 1990, ông nghỉ hưu, mở phòng khám và điều trị tại gia đình. Là Chủ tịch Hội Nghề nghiệp y tế tư nhân huyện Gia Lộc, ông luôn nhắc nhở các cán bộ, hội viên cơ sở phải làm tốt 12 điều y đức và lời căn dặn của Bác Hồ: Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân mà còn phải nâng đỡ tinh thần người ốm yếu.
PHÙNG VĂN HẠNH