Viện Kiểm sát đề nghị tòa tuyên Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến 4-5 năm tù, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh 3-3 năm 6 tháng cùng về cáo buộc nhận hối lộ.
Sáng 30/10, sau một ngày xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh công bố bản luận tội với 13 bị cáo trong vụ án sai phạm đấu thầu thiết bị y tế cho 6 bệnh viện tuyến huyện, giai đoạn năm 2015.
Cùng tội nhận hối lộ, cựu Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hạnh Chung bị Viện Kiểm sát đề nghị từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù; cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh Trần Văn Tuynh từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù.
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn) bị đề nghị 12-13 năm tù về tội đưa hối lộ. Tổng hợp với ba bản án đã tuyên, Viện Kiểm sát đề nghị bà Nhàn phải chấp hành tổng hình phạt 30 năm tù.
Phó Tổng giám đốc AIC Nguyễn Hồng Sơn bị đề nghị 10-11 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng vụ án, 7 bị cáo còn lại đề nghị bị tuyên từ 18 tháng đến 30 tháng tù.
Theo Viện Kiểm sát, với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống, để người dân được tiếp cận trang thiết bị y tế hiện đại, Đảng, Nhà nước đã huy động vốn, vốn vay, kể cả trái phiếu Chính phủ để triển khai dự án. Thế nhưng, các bị cáo đã lợi dụng chủ trương đúng đắn này để phạm tội.
Từ lãnh đạo đứng đầu tỉnh đến các cán bộ dưới quyền đã "không giữ được bản lĩnh vững vàng" để rồi bị cám dỗ và hưởng lợi bất chính. Nhóm cán bộ nhà nước này đã câu kết, thông đồng với doanh nghiệp để thông thầu, trục lợi, gây thiệt hại cho ngân sách.
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát đánh giá các cựu cán bộ tỉnh như ông Chiến, Quỳnh, Chung, Nhường, Tuynh có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của tỉnh Bắc Ninh. Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có văn bản xin giảm nhẹ án cho các bị cáo.
Các bị cáo Quỳnh, Tuynh, Nhường, Chung phạm tội vì mục đích thu lợi cá nhân song đã khắc phục toàn bộ hậu quả. Do họ tuổi cao, đã nghỉ hưu, Viện Kiểm sát đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh giảm mức hình phạt.
Ngoài nộp toàn bộ tiền nhận hối lộ và hưởng lợi bất chính, Viện Kiểm sát ghi nhận ông Chiến tự nguyện nộp thêm 500 triệu đồng khắc phục hậu quả vụ án, ông Quỳnh 300 triệu đồng, Tuynh 150 triệu đồng, Nhường 250 triệu đồng.
Bà Nhàn tiếp tục bị xét xử vắng mặt trong vụ án thứ tư. Tại vụ án này, bà bị cáo buộc thông qua mối quan hệ quen biết từ trước với các lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nên đã "thỏa thuận, thống nhất", đề nghị và được các lãnh đạo này đồng ý, tạo điều kiện cho AIC trúng thầu 3 gói thầu thiết bị tại 3 bệnh viện huyện.
Bà Nhàn sau đó chỉ đạo cấp phó Nguyễn Hồng Sơn (đang bỏ trốn) "thông đồng" với các cán bộ Ban Quản lý dự án để thực hiện các chiêu thức thông thầu như từng áp dụng trong hầu hết các vụ án khác có liên quan AIC.
Đấu thầu trót lọt, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới hoặc trực tiếp đưa tiền cho các lãnh đạo tỉnh, tiếp tục quá trình "cảm ơn" vào các dịp lễ, Tết nhiều năm sau đó.
Viện Kiểm sát đánh giá bà Nhàn nhiều lần đưa hối lộ song "đã bỏ trốn trước khi bị khởi tố". Bộ Công an đã phát lệnh truy nã nhưng bà Nhàn "vẫn cố tình không ra trình diện, không khắc phục hậu quả, gây cản trở cho hoạt động điều tra".
Vụ án khởi nguồn khi tỉnh Bắc Ninh cải tạo, xây dựng mới 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện của Gia Bình, Yên Phong, Thuận Thành, Lương Tài, Quế Võ, Tiên Du. Ban Quản lý dự án thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư.
Một số lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bắc Ninh bị cáo buộc thông thầu với doanh nghiệp để nhóm công ty Sông Hồng trúng 3 gói thầu, được thanh toán tổng 70 tỷ đồng, trong đó 22,8 tỷ đồng là giá trị bị khống. AIC trúng 3 gói thầu, được thanh toán 99,8 tỷ đồng, trong đó 25,8 tỷ đồng là giá trị khống.
Theo cơ quan công tố, thiệt hại vụ án chính là số tiền ngân sách tỉnh phải chi trả cho phần giá trị bị nâng khống, tổng gần 48,7 tỷ đồng.
Theo số liệu của Viện Kiểm sát, trong 6 gói thầu, gói tại bệnh viện đa khoa huyện Gia Bình gây thiệt hại nhiều nhất, 11,3 tỷ đồng, tức 37% giá trị, theo định giá (29,7 tỷ đồng). Gói thầu này do AIC thực hiện.
Từ thỏa thuận trước khi làm dự án, sau khi trúng thầu, hai công ty AIC và Sông Hồng bắt đầu đưa tiền cảm ơn lãnh đạo tỉnh.
Ông Nguyễn Nhân Chiến bị cáo buộc 13 lần nhận tiền, quà biếu của bà Nhàn, tổng 13 tỷ đồng. Trong đó, ông Chiến nhận hối lộ 4 tỷ đồng, 10 tỷ đồng dưới dạng "quà biếu". Ông Quỳnh nhận tổng 10,1 tỷ đồng song bị cáo buộc nhận hối lộ 2 tỷ đồng, số còn lại là tiền hưởng lợi kiểu "quà biếu".
Cựu Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh Nguyễn Hạnh Chung bị cáo buộc đã 4 lần nhận tổng cộng 600 triệu đồng, trong đó, nhận 500 triệu đồng từ ông Tuynh, 100 triệu đồng từ AIC.
Ông Tuynh bị cáo buộc được nhóm Phong và Hưng chi tiền ngoài hợp đồng 6 tỷ đồng. Tiền này theo đề xuất là chuyển đến lãnh đạo tỉnh để cảm ơn. Tuy nhiên, ông Tuynh chỉ chi 2,8 tỷ đồng cho lãnh đạo tỉnh, còn lại 3,2 tỷ đồng giữ lại cá nhân.
Phiên tòa đang tiếp tục với phần tranh tụng.
TB (theo VnExpress)