Đó là cuốn sách “Hưng Đạo Đại vương và các nhân vật lịch sử chống giặc Nguyên – Mông”.
Là người Việt, có lẽ không ai không biết công lao to lớn của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, phần đời hiển hách của ông gắn với địa danh Vạn Kiếp thì không phải ai cũng biết. Cuốn sách “Hưng Đạo Đại vương và các nhân vật lịch sử chống giặc Nguyên - Mông” với những thông tin cô đọng, hấp dẫn cung cấp cho bạn đọc tư liệu quý về những nội dung trên.
Cuốn sách gồm nhiều phần. Phần “Tóm lược lịch sử ba cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII” giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể về cuộc chiến chống Nguyên - Mông (1258-1288). Từ đó, làm nổi bật vai trò quan trọng của Trần Hưng Đạo trong cuộc chiến tranh này.
Phần “Vai trò của Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông” nêu rõ, ba lần kháng chiến thắng lợi của quân dân Đại Việt chống quân xâm lược Nguyên - Mông đều có công lao của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Tên tuổi ông đã gắn liền với những chiến công hiển hách ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp, Bạch Đằng và mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước…
Đáng chú ý hơn cả là phần viết về “Trận đại thắng Vạn Kiếp (10/6/1285)” trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai. Sau khi bị thua ở sông Như Nguyệt, Thoát Hoan phải chạy sang Vạn Kiếp. Với tài thao lược và tinh thông địa hình hiểm trở, Trần Hưng Đạo đã cho lập trận địa mai phục tại đây. Khi quân giặc bắc cầu phao tháo chạy qua sông, quân ta đánh úp bất ngờ. Địch chạy tan tác, cầu phao bị đứt, chúng xô đẩy nhau, chết đuối quá nửa. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mới thoát qua biên giới, để lại tiếng nhơ muôn đời. Với chi tiết tỉ mỉ về trận Vạn Kiếp, cuốn sách cho chúng ta hiểu rõ về vị trí có ý nghĩa chiến lược của địa danh Vạn Kiếp, nơi Trần Quốc Tuấn chọn làm đại bản doanh và là tư dinh, nơi an nghỉ của ông sau này. Đây cũng là vị trí đền Kiếp Bạc ngày nay.
Cuốn sách còn viết về trận đánh Bạch Đằng lịch sử (7/4/1288); cuộc đời, sự nghiệp của Trần Quốc Tuấn; các nhân vật lịch sử trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông...
Sách do Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương) phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương xuất bản. Bạn có thể tìm đọc ở Thư viện tỉnh Hải Dương.
LÊ HƯƠNG