Và rồi cái sĩ diện của ông Hùng thật sự bị đè bẹp khi đến giờ đi đón dâu rồi mà mấy chục mâm cỗ vẫn nằm im không có khách đến dùng.
Nghe tin tỉnh mình thuộc nhóm nguy cơ thấp, ông Hùng mừng lắm. Thế là việc cưới xin của thằng con trai lớn nhà ông không phải lo sợ gì nữa. Ông cứ tưởng phải hoãn lại cơ. Sau khi xem thầy, định ngày xong, ông bắt đầu lên danh sách khách mời. Vốn là người làm kinh doanh, quen biết rộng, lại là trưởng họ nên khách mời của ông rất đông. Bà Hằng - vợ ông nhìn cái danh sách dài dằng dặc chồng đưa ra mà choáng váng mặt mày. Bà thủ thỉ với chồng: "Tuy rằng đã hết cách ly xã hội nhưng Chính phủ vẫn kêu gọi nhân dân hạn chế đi lại. Theo tôi chỉ nên làm cỗ gọn nhẹ thôi. Dù dịch đã được khống chế nhưng không gì bằng cẩn thận phòng ngừa". Nhưng ông Hùng không nghe, ông mắng vợ cạn nghĩ. Ông bảo, cưới con trai cả, “con đầu, cháu sớm” không làm hoành tráng thì thiên hạ họ cười cho. Với lại ông đã đi biết bao nhiêu đám, đám nào ông cũng mừng ra tấm, ra món cả. Giờ cưới con, ông cũng phải tạo cơ hội cho người ta đáp lễ lại thì mới toại lòng nhau được.
Bà Hằng thấy chồng cứ khăng khăng như vậy thì cố khuyên giải: "Theo tôi, ông cứ kiểm tra lại danh sách khách mời đi. Đang dịch dã thế này, những ai ở xa quá hay ở những vùng có nguy cơ nhiễm dịch cao thì không nên mời ông ạ! Mà kể cả ở gần ông cũng nên cân nhắc. Tôi chỉ sợ đặt cỗ xong chẳng có ai đến rồi thì…".
Không để cho vợ nói hết lời, ông Hùng đã quát lên: "Bà thì biết cái gì! Đúng là đàn bà đầu ngắn. Đã nói như vậy mà vẫn còn gàn. Thật bực mình. Mới trăm mâm cỗ chứ bao nhiêu mà kêu nhiều? Bà gọi cho tôi thằng Thành vào đây, xem nó định mời bạn bè, cơ quan bao nhiêu mâm để chốt luôn danh sách".
Bà Hằng đành im lặng bỏ ra ngoài gọi con trai. Bà đã khuyên bảo con và Thành cũng đã đồng ý để hết dịch mới tổ chức đám cưới. Nhưng ông Hùng khăng khăng phải cưới tháng này vì thầy đã phán rồi. Phải cưới ngày ấy thì vợ chồng Thành mới ăn nên làm ra, công danh mới thành đạt.
Ở phòng bếp, bà Hằng vẫn lắng tai dõi theo câu chuyện của chồng và con trai. Bà thở dài thườn thượt khi nghe ông Hùng hồ hởi nói với con: "Con cứ mời hết bạn bè, anh em đến cho vui. Đời người chỉ cưới có một lần. Kinh phí con không phải lo. Bố mẹ sẽ lo hết cho con. Cứ vô tư con nhé!".
Nghe con trai e ngại đang mùa dịch bệnh sợ khách không đến dự đám cưới thì ế cỗ, ông Hùng cười lớn: "Dịch dã gì nữa mà lo. Covid nó chạy xa rồi. Đâu đâu bố cũng thấy người dân tụ họp vui vẻ với nhau rồi. Với lại cỗ nhà ai bố không biết chứ cỗ nhà mình nhất định mọi người phải đến dự. Bố đã luôn nhiệt tình, tận tâm với công việc của mọi người thì không thể việc nhà mình họ lại bỏ qua. Con cứ yên tâm. Không thể ế cỗ được đâu".
Rồi ngày cưới Thành cũng đến, hơn một trăm mâm cỗ đã đặt, đến giờ lên mâm rồi mà chỉ thấy lác đác vài chục người cả trong họ lẫn bạn bè thân thiết của Thành đến. Bà Hằng nhìn hàng mâm cỗ mà ruột gan như lửa đốt, thi thoảng thấy bà quay mặt lén lau nước mắt. Còn ông Hùng cứ chạy ra, chạy vào có vẻ trông ngóng, nôn nóng lắm. Điện thoại trong túi ông reo lên liên tục vì có thông báo tin nhắn chuyển khoản mừng cưới của khách mời. Ông bực bội chửi thầm những kẻ vô duyên, nhát chết. Ông mà cần tiền mừng à? Ông cần cái bản mặt họ xuất hiện ở đây, ăn cỗ cưới con trai ông, để thiên hạ thấy hết cái đám cưới hoành tráng nhất làng của con trai ông cho ông nở mặt, nở mày cơ.
Và rồi cái sĩ diện của ông Hùng thật sự bị đè bẹp khi đến giờ đi đón dâu rồi mà mấy chục mâm cỗ vẫn nằm im không có khách đến dùng. Ông Hùng lúc này mới thấy ân hận vì đã không nghe lời góp ý của vợ con. Rồi ông chợt thấy giận bản thân mình quá. Chỉ vì muốn sĩ diện mà ông đã không nghĩ đến việc bảo vệ sức khỏe của gia đình, anh em, bè bạn, họ mạc gần xa. Ông đang rối bời với mọi suy nghĩ giằng xéo thì bà Hằng lại gần an ủi:
- Thôi, ông cũng đừng buồn nữa. “Trong cái rủi cũng có cái may”, nếu mọi người bất chấp tất cả đến dự cỗ cưới thằng Thành thì đám cưới nhà mình sẽ là nơi tạo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Biết đâu lại chả hại bao nhiêu người mắc bệnh. Rồi thì hối hận không kịp ấy chứ!".
Ông Hùng nhìn vợ đầy cảm kích. Ông thấy lòng nhẹ tênh như vừa cất được một gánh nặng. Và khi nghe thấy đám nhà bếp xì xầm với nhau: “Chưa thấy đám cưới nào ế cỗ nhiều như đám cưới này”, ông Hùng đã vui vẻ bảo: "Không sao, lát nữa gia đình tôi xin biếu mỗi bác một mâm cỗ mang về cho bọn nhỏ ở nhà. Còn đâu tôi sẽ cho các con, các cháu mang biếu trong họ, ngoài làng mỗi nhà một mâm là hết. Chả mấy khi có cỗ tặng mọi nhà lấy thảo".
TRẦN THUỲ LINH