Đầu xuân 1960, nhà văn Nguyễn Xuân Thiều (bút danh là Xuân Thiều), nhà văn Xuân Sách, nhà văn Trúc Hà (bút danh là Nam Hà), rủ nhau xuống Hải Dương thăm, chúc Tết nhà văn Phù Thăng và mừng nhà văn Hoàng Văn Bổn mới cưới vợ tên là Mai Quỳnh Chi.
Đầu xuân 1960, nhà văn Nguyễn Xuân Thiều (bút danh là Xuân Thiều), nhà văn Xuân Sách, nhà văn Trúc Hà (bút danh là Nam Hà), rủ nhau xuống Hải Dương thăm, chúc Tết nhà văn Phù Thăng và mừng nhà văn Hoàng Văn Bổn mới cưới vợ tên là Mai Quỳnh Chi. Nhóm nhà văn này đến thăm, chúc Tết và mừng vợ chồng nhà văn Hoàng Văn Bổn xong là tranh thủ trên đường xuống huyện Tứ Kỳ thăm chúc Tết nhà văn Phù Thăng và vợ tên là Tính. Bà Tính có tiếng hiền dịu, chăm chỉ, đảm đang việc nước, việc nhà, việc đồng áng, chợ búa… Đến nơi, 5 nhà văn tán chuyện huyên náo, ngả nghiêng. Bỗng “chuyên gia câu đối” Xuân Thiều nảy ra và đọc to câu đối:
Thằng Bổn lấy con Chi, biết lấy gì mà sống;
Ông Phu thương bà Tính, sợ toan tính hóa điên
Vừa nghe Xuân Thiều đọc, cả nhóm phá lên cười như nắc nẻ, cùng khen hay rối rít, bởi Xuân Thiều tài dùng chữ, chơi chữ giỏi. Cụ thể là chữ “Bổn” (Bản), theo nghĩa chữ Hán là “vốn”, ứng với cảnh nghèo của Bổn - anh thiếu úy miền Nam tập kết. Còn bút danh của Phù Thăng là "Thằng Phu", tức là theo cách nói lái của từ "Phù Thăng". Và tên khai sinh của Phù Thăng là Phu. Từ “Phu” (Fou) tiếng Pháp có nghĩa là “điên”. Chuyện cứ nở ra, mở ra từ câu này ra câu khác và các bác nhà văn vừa nói vừa lăn ra cười.
Trong các nhà văn đang thi nhau tán và cười, chỉ có Trúc Hà là chưa vợ. Mọi người vẫn nhớ là Trúc Hà đang nhăm nhe cô em gái Phù Thăng. Biết rõ ý muốn của Trúc Hà, nhà văn Phù Thăng rất phấn khởi. Trong cuộc hội ngộ vui vẻ đầu xuân, nhà văn Phù Thăng đề nghị em rể tương lai - Trúc Hà - phải có vế đối trúng ý và chỉnh với vế ra đối của ông anh, thì ông anh gả em gái cho. Vế ra đối như sau:
Em tao, của nó, tùy mày.
“Đấy, vế ra đối của tao, mày đối được, tao gả em gái cho ngay” - Phù Thăng nói quả quyết và giục Trúc Hà có vế đối nhanh. Trúc Hà không giỏi làm câu đối, nên cứ cười trừ rồi “lừ” mắt sang Xuân Thiều, có ý nhờ giúp. Biết ý Trúc Hà, thế là Xuân Thiều cứu trợ ngay. “Này các cậu nghe”- Xuân Thiều đọc:
Phận tớ, duyên em, cậy bố.
Hay! Hay! Hay! Mọi người vừa khen hay vừa cười ha hả vừa vỗ tay đôm đốp, vỗ đùi đen đét. Bỗng Phù Thăng im lặng rồi thủng thẳng: "Tay này có máu cụ tú nhà quê" và chỉ tay vào trán Xuân Thiều nói: "Tớ tặng cho cậu một cái tên mới rất đẹp, rất giá trị nhé và hợp với biệt tài câu đối của cậu: Tú Thiều!
Cả chiếu cùng “Hay đấy! Hay đấy! Hay đấy! Đồng ý! Đồng ý! Đồng ý!...”. Rồi, Hoàng Văn Bổn trong nỗi vui mừng vừa chỉ vào Xuân Thiều vừa nói:
- Tú Thiều, nghe hiền lành quá! Phải đặt cho anh này cái tên mới nữa, hay nữa và độc đáo, nhất định không ai có, đó là Tú Hói.
Hoàng Văn Bổn vừa nói xong, cả hội cùng bò ra chiếu cười. Bút danh Tú Hói trên văn đàn là từ đó mà có.
NGUYỄN TIẾN BÌNH(st)