Giọng thơ Đinh Thường đậm chất tự sự, thủ thỉ tâm tình như mạch nước ngầm len lỏi vào tâm hồn người đọc. Thơ anh không phá bỏ logic (đặc quyền của thơ với các thể loại khác) mà nó kể một câu chuyện có mở, có kết mạch lạc. Không những thế, “Đêm trắng” còn là một cuộc viễn du của trí tưởng tượng nhà thơ.
Đêm trắng
Đêm trắng Ý nghĩ lôi xềnh xệch những kỷ niệm ra kiểm danh, kiểm diện Những kỷ niệm đau thương mặt còn u uất Những kỷ niệm buồn trốn chui, trốn lủi vời mãi mới ra Những kỷ niệm vui chềnh ềnh đắc chí...
Nhưng lạ lắm Có nụ cười của cô bé học cùng hồi lớp bốn Như bông hoa mười giờ cứ rung rinh trong nắng sớm sân trường Kiểm diện mấy lần mà vẫn mờ tỏ chưa qua.
Chợt vấp phải tiếng vợ thở dài như cây cầu vắt ngang sông mùa lũ Bao kỷ niệm hoảng hồn trốn sạch chỉ còn bộ óc trống không Tiếng gà le te nhảy vào giao tranh cùng ý nghĩ Ông trọng tài thời gian già nua tỏ ra bất lực huýt còi loạn xạ.
Mơ hồ Mặt trời đội biển chui lên.
ĐINH THƯỜNG
|
|
Câu thơ mở đầu chỉ vỏn vẹn hai chữ “Đêm trắng” nằm cô quạnh giữa dòng thơ miên man khoảng trắng như chính nhà thơ lúc này chỉ còn một mình thức với đêm thâu. Như một phép màu nhiệm, ý nghĩ vụt hóa thành người quản ngục áp giải tù nhân là những kỷ niệm xếp hàng ngay ngắn để điểm danh. Nhà thơ chạm trổ lên trang thơ những khuôn mặt kỷ niệm. Khuôn mặt u uất của kỷ niệm đau thương, khuôn mặt sợ hãi của kỷ niệm buồn, khuôn mặt đắc ý của kỷ niệm vui.
Tưởng chừng như nhân vật trữ tình có quyền năng vô hạn nắm gọn trong lòng bàn tay mọi ngóc ngách ký ức nhưng ngờ đâu có một kẻ cứng đầu, bất trị “kiểm diện mấy lần vẫn mờ tỏ chưa qua”. Đó là gì mà chính nhà thơ cũng phải thốt lên “lạ lắm”.
“Có nụ cười của cô bé học cùng hồi lớp bốn
Như bông hoa mười giờ cứ rung rinh trong nắng sớm sân trường”Kỷ niệm tuổi học trò trong leo lẻo, trang nhật ký ép tươi nguyên nụ cười của cô bé cùng lớp. Cái rung rinh của bông hoa mười giờ gội nắng ban mai giữa sân trường khi anh gió trêu đùa hay chính là cái rung rinh của trái tim non cựa mình nứt vỏ trong lồng ngực. Những rung động đầu đời như giọt sương thơm hương cỏ ngọt ấy đã khiến cho nhân vật trữ tình bối rối, luống cuống.
Khi đang mải miết đi tìm ẩn số thì nhân vật trữ tình bất ngờ vấp phải tiếng vợ thở dài thườn thượt như “cây cầu bắc qua sông mùa lũ”. Tưởng chừng như khập khiễng mà lại đầy tinh tế. Đây là một sáng tạo thơ độc đáo mang đậm dấu ấn Đinh Thường. Nước lũ cuộn xiết, cây cầu oằn mình cõng trên lưng bao sinh mệnh cũng như tiếng thở dài của người vợ lam lũ, tảo tần, chênh vênh gánh nặng cơm áo gạo tiền. Phải là một cây bút có tâm và có tầm mới có thể lần được sợi dây tương đồng mảnh dẻ ấy để rồi đặt hai sự vật, hiện tượng trên hai bờ so sánh.
“Tiếng gà le te nhảy vào giao tranh cùng ý nghĩ
Ông trọng tài thời gian già nua tỏ ra bất lực huýt còi loạn xạ”.Nhà thơ Đinh Thường đã vạch ra hai trận tuyến: tiếng gà le te giao tranh với ý nghĩ, bình minh giao tranh với đêm tối, lo toan thường nhật giao tranh với hồn thơ bay bổng. Một cuộc hỗn chiến bùng nổ trên đấu trường tâm trí. Tác giả đã thả cho chú ngựa của trí tưởng tượng phi nước đại đạp tung mọi ranh giới để khai phá những vùng suy tưởng mới mà chưa có dấu chân ai. Ông trọng tài thời gian hay chính là nhà thơ bất lực tìm lối đi nào giữa thơ và cuộc sống mưu sinh. Gần một thế kỷ trước, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu cũng đã phải thốt lên: “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ”.
Câu thơ kết nhẹ bẫng như một cái thở hắt ra khi ban mai rót vào hồn:
“Mặt trời đội biển chui lên.”Với “Đêm trắng”, Đinh Thường đã thả trí tưởng tượng đi hoang mà vẫn không trật khỏi đường ray cảm xúc và tư tưởng của bài thơ. Chỉ tiếc, giá như tác giả cô đọng, gạn lọc từ ngữ hơn thì bài thơ sẽ bớt lê thê.
ĐÀO MẠNH LONG