Cuộc sống tự lập của các vận động viên nhí

17/05/2016 06:59

Với tình yêu thể thao, ý chí vươn lên, cùng sự dìu dắt của các huấn luyện viên, các vận động viên nhí đã vượt khó để mang vinh quang về cho thể thao quốc gia và của tỉnh.



Khi xa nhà các vận động viên nhí phải tự làm các công việc thường ngày, tự chăm sóc bản thân

Để theo thể thao chuyên nghiệp, các vận động viên nhí, lứa tuổi còn mải ăn, mải chơi đã buộc phải xa gia đình. Nhưng với tình yêu thể thao, ý chí vươn lên, cùng sự dìu dắt của các huấn luyện viên, các vận động viên nhí đã vượt khó để mang vinh quang về cho thể thao quốc gia và của tỉnh.

Sớm tự lập

Tối 11 - 5, khu vực nhà ở dành cho các vận động viên (VĐV) đội tuyển bơi của tỉnh tại Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh trở nên nhộn nhịp. Hôm nay, đội bơi tổ chức sinh nhật cho VĐV Đoàn Thị Kim Liên, quê ở xã Bình Xuyên (Bình Giang). Đây là lần đầu tiên Liên được tổ chức sinh nhật ở đội. Sau bữa cơm tối, các VĐV cùng nhau dọn dẹp phòng. VĐV nam khênh vài chiếc giường ra ngoài hiên. VĐV nữ thu giầy dép, quét dọn, lau sàn nhà và bày bánh kẹo. Sau đó huấn luyện viên (HLV) Phạm Thị Lĩnh cùng HLV Lưu Văn Khả tuyên bố lý do, chúc mừng Liên. Trong khi Liên thổi nến, cả phòng vỗ tay và hát vang bài "Happy birthday to you". Không khí buổi sinh nhật vui tươi, đầm ấm.

Tổ chức sinh nhật cũng như nhiều hoạt động tập thể khác được các đội thể thao của tỉnh duy trì thường xuyên để gắn kết tình cảm, giúp VĐV hòa đồng, vơi đi những khó khăn, mệt mỏi trong quá trình luyện tập và nỗi nhớ nhà.

Những tuần đầu lên đội tuyển các VĐV đều nhớ nhà. Bởi vậy thời gian này, các HLV phải kết hợp chặt chẽ với gia đình VĐV để giúp các em vượt qua khó khăn. Bố mẹ các em thường xuyên lên thăm, chăm sóc, gọi điện động viên... Em Trương Duy Trung, quê ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ), VĐV đội bóng đá U11 tỉnh kể: "Hồi đầu lên đội, em phải mất gần một tháng mới đỡ nhớ nhà. Nhiều hôm, em trùm chăn khóc thầm. Nhưng rồi hằng ngày, được các thầy, các anh chị động viên và bố mẹ liên tục gọi điện em cũng dần nguôi ngoai, tập trung vào chơi bóng".

Từ môi trường bao bọc trong gia đình, được bố mẹ chăm lo cho từng li từng tí, lên đội tuyển sống ở môi trường tập thể đòi hỏi các VĐV phải có tính tự lập rất cao. Để giúp VĐV thích nghi với môi trường mới, các HLV phải hướng dẫn, dạy bảo từ việc nhỏ nhất. Anh Phan Yên, HLV trưởng đội bóng đá U10, U11 của tỉnh chia sẻ: "Những ngày đầu lên đội tuyển, HLV tập trung hướng dẫn, dạy VĐV các kỹ năng sống tập thể và tính tự lập như ăn ngủ đúng giờ, cách giặt quần áo, đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân... Do các VĐV còn nhỏ nên HLV phải kiên trì hướng dẫn, coi các em như con của mình. Buổi tối, HLV thay nhau ở cùng các em, phòng khi ốm đau và trông nom việc học văn hóa. HLV phải biết tính cách, hoàn cảnh gia đình, tâm lý của từng em để có định hướng dạy dỗ riêng".

Được các thầy tận tâm chỉ bảo, các VĐV từng bước thích nghi, chủ động trong cuộc sống. Giờ giấc sinh hoạt của các đội được thực hiện gần giống như trong môi trường quân đội. Em Nguyễn Văn Cường ở xã Bắc An (Chí Linh), VĐV đội tuyển canoeing thổ lộ: "Ở nhà, hầu như em không phải làm những việc như giặt, gấp quần áo, chăn màn, quét dọn nhà... Thậm chí việc đi học, đi ngủ cũng bị bố mẹ nhắc. Lên đội, chúng em phải tự mình làm những công việc này vì không có ai làm thay được. Hằng ngày, buổi sáng, chúng em dậy từ 5 giờ 30 để dọn dẹp phòng, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đi học. Sau thời gian tập luyện chuyên môn buổi chiều, chúng em về phòng tắm rửa và đi ăn cơm tối. Sau đó, nghỉ khoảng 1 giờ rồi tự giác học bài, chuẩn bị đồ dùng cho ngày mai".

Tiếp xúc với các VĐV nhí, chúng tôi thấy môi trường sống tập thể giúp các em sớm trưởng thành, cứng cáp, tự lập hơn trong khi nhiều em độ tuổi này ở các gia đình còn được chiều chuộng, bố mẹ vẫn phải xúc cơm, tắm, mặc quần áo cho.    

Trách nhiệm và thương yêu


Hiện nay, nhiều đội tuyển các VĐV chỉ từ 9-15 tuổi. Các em hầu như chưa biết tự chăm sóc bản thân, còn hồn nhiên và hiếu động. Do đó, công việc của các HLV càng trở nên nặng nề, vất vả hơn. Để các VĐV tập luyện vào nền nếp, HLV không chỉ có tinh thần trách nhiệm mà phải bằng cả tình yêu thương.

Các HLV là những người chịu trách nhiệm toàn bộ việc dạy dỗ, chăm sóc sức khỏe cho VĐV trong thời gian ở đội. Do vậy các HLV phải luôn theo sát VĐV để có cách chăm sóc kịp thời và điều chỉnh bài tập phù hợp. Những lúc VĐV bị ốm, HLV như cha mẹ chăm sóc tận tình cho các em. Anh Phan Yên còn nhớ mấy năm trước có cầu thủ bị ốm nặng phải vào viện điều trị. Do bố mẹ em đi làm xa không về được, anh phải ở viện một tuần để chăm sóc. Hằng ngày, gia đình anh nấu cháo, nấu cơm mang vào cho hai thầy trò.

Nhiều VĐV vào đội đang ở tuổi dậy thì nên các HLV phải sát sao nắm bắt những biểu hiện tâm sinh lý để có hướng chăm sóc phù hợp. Chị Phạm Thị Lĩnh, HLV đội canoeing cho biết VĐV nữ thường được quan tâm hơn khi các em bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Lúc này các HLV như chị Lĩnh chẳng khác nào người mẹ, phải tế nhị, kín đáo chia sẻ để các em biết những thay đổi của cơ thể và hướng dẫn cách sinh hoạt, vệ sinh bảo đảm sức khỏe. Ngoài ra, HLV phải hết sức tế nhị để ứng xử, giải quyết những thay đổi tâm lý, tình cảm, hành động của các VĐV. Nếu làm không tốt sẽ gây ức chế, tác động tiêu cực đến quá trình luyện tập, thi đấu của VĐV.

Ban huấn luyện các đội tuyển cũng rất coi trọng việc học văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống cho VĐV. Bởi ban huấn luyện hiểu rằng nếu tạo cho các em ý thức, tính kỷ luật tốt sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác chuyên môn và giúp gia đình các em yên tâm. Ban huấn luyện các đội phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để nắm bắt lực học, tinh thần, ý thức của các em, từ đó có biện pháp giáo dục kịp thời. Nhiều đội tuyển được tạo điều kiện thuê giáo viên về phụ đạo cho VĐV.

Với nhiệt tâm chăm sóc, giáo dục, thời gian qua, hầu hết các VĐV đội tuyển đều phát triển tốt, được gia đình các em đánh giá cao. Anh Trương Duy Luân (bố Trương Duy Trung) ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) nhận xét: "Con tôi mới lên tập được mấy tháng. Mỗi lần cháu về nhà tôi thấy cháu chững chạc, tự tin hơn rất nhiều. Các công việc cháu đều tự giác làm không phải giục như trước đây. Đặc biệt thể lực của cháu phát triển tốt, linh hoạt, nhanh nhẹn hơn. Hiện nay, cháu tăng 3 kg và cao thêm 7 cm so với ở nhà. Nhìn thấy con như vậy, gia đình tôi rất phấn khởi và yên tâm. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, chỗ ăn nghỉ của các cháu tiếp tục được cải thiện".

   DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc sống tự lập của các vận động viên nhí