Từ nhỏ sức khỏe của tôi đã rất yếu, chỉ cần hoạt động mạnh một chút là tôi lại lả đi. Trong lớp tôi luôn được thầy cô ưu tiên nên đôi khi các bạn cũng có phần khó chịu. Điều đó khiến tôi cảm thấy chán nản, dần dần tôi chẳng muốn tiếp xúc với ai, thường nhốt mình trong căn phòng kín như một đứa trẻ bị tự kỷ. Sức khỏe của tôi càng ngày càng suy yếu, cuối cùng tôi phải nhập viện.
Bác sĩ chẩn đoán tôi bị suy nhược cơ thể nặng và phải ở lại viện để điều trị. Sau khi truyền nước và được ăn uống đầy đủ, tôi cảm thấy nhẹ người hơn hẳn. Nhưng tất nhiên, tôi vẫn chẳng thể xóa bỏ cái nhìn tiêu cực với cuộc sống này.
Bác sĩ nói bệnh của tôi phải được chăm sóc nhiều, thường xuyên tập thể dục bằng những động tác nhẹ nhàng và hơn hết cần một tâm trạng thoải mái nhất. Nhưng việc hòa nhập với mọi người sau một thời gian dài co mình trong vỏ ốc thật khó khăn.
Ở viện, đâu đâu cũng là sự mệt mỏi và đau đớn. Người thân của các bệnh nhân luôn thường trực, ăn ngủ vạ vật vì bệnh viện quá tải, ai nấy đều mang gương mặt lo âu và ánh mắt mệt mỏi. Nhưng cũng có những người phải cô đơn trong căn phòng trắng toát, đâu phải ai cũng được người thân chăm sóc. Ngay cả những người già, khi việc đi lại là cả vấn đề mà chỉ biết trông chờ vào các y tá, hộ lý trong bệnh viện. Không khí trong viện lúc nào cũng não nề, u ám.
Đã đến giờ tôi phải truyền nước tiếp. Lần này đến tiếp nước cho tôi là một chị y tá thật đặc biệt. Tôi nói chị ấy đặc biệt không chỉ bởi vẻ ngoài ưa nhìn mà còn cả thần thái rất vui tươi. Tôi thầm nghĩ: “Ở đây mà chị ấy có thể thanh thản như vậy sao? Chắc hẳn có chuyện gì đó nhất thời làm chị ấy vui thôi. Ở một nơi toàn người đau ốm, ủ dột như thế này thì khó có thể thoải mái, tươi cười mãi được”.
Hôm sau, chị y tá đó lại mang thuốc tiêm cho tôi. Vẫn gương mặt xinh xắn và mang thần thái hôm qua. Chị ấy thật biết cách chăm sóc bệnh nhân, sự ân cần trong từng câu hỏi han đã chứng tỏ chị ấy quan tâm đến người khác rất chân thành. Trước sự cởi mở của chị với tôi, tôi không giấu được sự tò mò bèn cất tiếng hỏi:
- Chị mới chuyển đến để chăm sóc bệnh nhân ở phòng này ạ? Bữa trước em không thấy chị.
- Đúng rồi em à, chị mới chuyển qua đây.
Sau khi được bác sĩ khám lại, sức khỏe của tôi đã khả quan hơn. Được xuất viện về nhà thật là sung sướng, tôi muốn hét lên thật to nhưng sợ các bệnh nhân xung quanh giật mình nên đành cười thầm trong bụng. Trong lúc chờ bố mẹ làm thủ tục xuất viện, tôi ngồi trên giường bệnh và lại gặp chị y tá đó đến tiêm cho những người bệnh cùng phòng. Nhìn thấy tôi, chị còn vui hơn hôm trước. Chị tươi cười hỏi:
- Hôm nay em được xuất viện à? Thật là may quá! Chúc mừng em nhé! Đây là lần đầu chị gặp bệnh nhân có thể xuất viện vì tình trạng sức khỏe tiến triển tốt đấy.
- Chị nói sao ạ? Chẳng lẽ ở đây... - tôi ngạc nhiên hỏi lại.
- Từ lúc đi làm y tá, chị được phân công chăm sóc cho những người bị ung thư. Hằng ngày, nhìn thấy tình trạng bệnh của họ xấu đi mà lòng chị chẳng bao giờ yên. Đau đớn, than thở... mọi thứ thật ám ảnh! Khi họ được đưa về nhà điều trị cũng là để tận hưởng những giây phút cuối đời bên gia đình trong bệnh tật hiểm nghèo. Vì vậy, khi chuyển sang đây, được thấy em xuất viện khỏe mạnh chị thấy rất vui!
Tôi lặng người đi. Thì ra tôi thật may mắn vì vẫn được sống khỏe mạnh bên những người thân yêu. Thế mà nhiều lúc tôi đã từng trách ông trời quá bất công, làm cho tôi chẳng thể nô đùa được như các bạn. Nhưng giờ thì tôi đã có được một bài học quý để vươn lên trong cuộc sống. Tôi nghĩ đã đến lúc tôi phải bắt đầu một cuộc sống theo hướng tích cực rồi.
Hai tháng sau, tôi được bố mẹ đưa đến viện để kiểm tra lại sức khỏe. Thời gian qua, với lịch sinh hoạt khoa học và tâm trạng thoải mái, sức khỏe của tôi đã ổn định. Tôi lại nhìn thấy chị y tá đó từ xa, vẫn dáng người ấy, vẫn thần thái ấy và những cử chỉ ân cần dành cho bệnh nhân. Nghĩ lại những năm tháng qua tôi toàn đòi hỏi bố mẹ, người thân phải quan tâm đến mình. Nhất định từ bây giờ tôi sẽ học cách quan tâm đến mọi người xung quanh. Vì tôi nhận ra một điều, cuộc sống này thật ý nghĩa.
ĐOÀN HƯƠNG MAI (Lớp 11E, Trường THPT Nam Sách)