Đời sống của nhiều người dân ở các khu tái định cư nhường đất cho dự án xây dựng đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã dần ổn định, có nơi tốt hơn trước.
Đa số người dân tái định cư đã có nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định. Trong ảnh: Ngôi nhà rộng rãi,
đầy đủ tiện nghi của anh Phạm Văn Lượng ở khu tái định cư thôn Tiên Kiều, xã Thanh Hồng (Thanh Hà)
Thực hiện dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, toàn tỉnh có 470 hộ dân ở 4 huyện Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Hà phải di chuyển chỗ ở ra 11 khu tái định cư (KTĐC). Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện tốt chính sách đền bù, hỗ trợ, quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, cố gắng ổn định cuộc sống cho người dân. Do vậy, đa số người dân đã bắt nhịp với cuộc sống mới, nhiều hộ đời sống khấm khá hơn trước. Tuy nhiên, tại một số KTĐC, người dân còn gặp khó khăn cần được quan tâm giải quyết.
Nhà cao cửa rộng, đường sá thuận lợiXã Thanh Hồng (Thanh Hà) có 3,6 km đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi qua, cần thu hồi gần 7 ha đất ở của 104 hộ ở 2 thôn Nhan Bầu và Tiên Kiều. Các cơ quan chức năng đã thực hiện đúng quy định về chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư. Năm 2010, đa số người dân đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Người dân được bố trí ở 2 KTĐC cách nơi ở cũ vài trăm mét, vị trí khá thuận lợi. KTĐC thôn Nhan Bầu sát đường huyện 390B, KTĐC thôn Tiên Kiều giáp với trục đường xã. Đất ở hai KTĐC được chia lô, đầu tư đường giao thông, hệ thống điện, thoát nước. Từ cuối năm 2010, người dân bắt đầu xây dựng nhà ở tại đây. Đến nay, khoảng 60 hộ trong tổng số 80 hộ dân được xét duyệt đất tái định cư của xã đã ra ở KTĐC. Nhiều hộ dân khác chưa ra ở do đã mua đất nơi khác, nhường đất tái định cư cho con cháu.
Từ trụ sở UBND xã Thanh Hồng, chúng tôi đi khoảng 1 km đường nhựa là tới KTĐC thôn Tiên Kiều. Những ngôi nhà tái định cư nổi bật hơn nhiều ngôi nhà gần đó bởi sự khang trang, đường đi thuận lợi. Các ngôi nhà tái định cư đều gần đường trục xã rộng 7,5 m, vỉa hè rộng 5 m. Mỗi lô đất có diện tích 168 m2, chiều rộng 7 m, chiều dài 24 m. Chúng tôi vào thăm căn nhà 2 tầng rộng rãi của anh Phạm Văn Lượng. Khu đất ở cũ của anh Lượng có diện tích 709 m2, cách chỗ ở mới khoảng 250 m. Cũng như nhiều hộ dân khác, vì lợi ích quốc gia, anh Lượng đã di chuyển chỗ ở. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ anh Lượng được nhận là 560 triệu đồng. Số tiền này sau khi mua đất KTĐC, xây nhà mới, anh còn dư để mua thêm 1 mảnh đất cho con trai và sắm một số đồ dùng cho gia đình. “Trước đây tôi ở mảnh đất rộng rãi nên khi mới về đây cũng cảm thấy chật chội, nhưng giờ đã quen dần. Chỗ mới thoáng mát, sạch sẽ, đi lại thuận tiện hơn chỗ cũ”, anh Lượng nói. Nhà anh Lượng tiếp tục làm vườn, cấy lúa như trước kia.
Để có mặt bằng xây dựng đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, 22 hộ dân thôn Chằm, xã Phương Hưng (Gia Lộc) đã ra KTĐC. Khu này cách nơi ở cũ của các hộ vài trăm mét, sát đường tỉnh 393. Mỗi lô đất ở đây có diện tích 120 m2 (rộng 6 m, dài 20 m). Hiện nay, nhiều hộ dân đã ổn định cuộc sống tại KTĐC. Do nhà sát mặt đường, một số hộ tận dụng mặt bằng để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ sửa chữa ô-tô, bán vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp.
Cần giải quyết kiến nghị của người dânDo nhiều nguyên nhân mà ở một số KTĐC, một bộ phận người dân còn gặp khó khăn, mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết để yên tâm sinh sống.
Xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) có 128 hộ dân phải di chuyển chỗ ở ra KTĐC. KTĐC xã Tứ Xuyên có hệ thống cơ sở hạ tầng điện, thoát nước, đường giao thông trải nhựa... Từ năm 2010 đến nay, vài chục hộ dân đã xây nhà cao tầng ở KTĐC. Vấn đề gây bức xúc nhất ở KTĐC này là thiếu nước sạch. Đa số người dân xã Tứ Xuyên đã được sử dụng nước sạch, riêng người dân khu KTĐC chưa có. Ông Đặng Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Tứ Xuyên cho biết: Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KTĐC là UBND huyện Tứ Kỳ, đơn vị thi công là Công ty Hoàn Hảo. Theo thiết kế xây dựng của KTĐC, hệ thống nước sạch phải lắp đặt đến từng hộ dân. Tuy nhiên, hiện nay, chủ đầu tư và đơn vị thi công chưa bàn giao hồ sơ thiết kế cho xã nên đơn vị nước sạch chưa đấu nối, lắp đặt cho người dân. Thiếu nước sạch khiến cuộc sống người dân gặp không ít khó khăn. Anh Nguyễn Ngọc Dinh cho biết: “Chỗ ở cũ có nước sạch và nhiều ao để phục vụ sinh hoạt. Ở đây, chúng tôi khổ sở vì thiếu nước. Do chưa được đấu nối nước sạch nên chúng tôi phải mua nước chở từ nơi khác về với giá 65 nghìn đồng/m3. Trong 1 tháng, gia đình tôi sử dụng tiết kiệm cũng khoảng 20 m3 nước”. Không chỉ thiếu nước sạch, nhiều hộ dân còn phản ánh ra nơi ở mới đã nhiều năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thường gọi là “sổ hồng”). Do chưa có “sổ hồng” nên muốn thế chấp để vay vốn phát triển sản xuất cũng không được.
Gần đây, nhiều hộ dân sống ở KTĐC xã Cổ Bì (Bình Giang) phản ánh nhà cửa có hiện tượng bị nứt. Người dân cho rằng nguyên nhân gây ra tình trạng này là các xe tải nặng chở vật liệu thi công đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gây ra. Các hộ dân mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm hiểu, giải quyết để họ yên tâm sinh sống.
Dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khi hoàn thành, đi vào sử dụng sẽ có tác dụng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Nhà nước đã đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân phải di dời, nỗ lực để người dân ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Dù vậy, có những thứ khó có thể bù đắp nổi, đó là việc phải bỏ mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn”, phải sinh sống ở nơi chật hẹp hơn... Vì vậy, những khó khăn, vướng mắc của người dân cần được giải quyết kịp thời.
NINH TUÂN