Cuộc sống của những cầu thủ “nhí”

03/09/2011 07:34

Cuộc sống sinh hoạt của các cầu thủ "nhí" được lên lịch cụ thể, ngoài thời gian tập luyện chuyên môn, các em còn phải học văn hóa ngay tại trung tâm huấn luyện...



Sau các giải đấu, các cầu thủ "nhí" vẫn tích cực luyện tập


Đến sân vận động Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao (ĐTHLTT) tỉnh vào một buổi chiều, chúng tôi được xem một buổi tập luyện của các cầu thủ “nhí”. Anh Phan Yên, huấn luyện viên trưởng đội tuyển U11, U13 cho biết: “Tại trung tâm, cầu thủ “nhí” được trang bị những kỹ thuật cơ bản, rèn luyện thể lực, chiến thuật thi đấu. Thời gian nghỉ hè là giai đoạn các em bước vào những giải đấu lớn như: Cúp Milo, Cúp Yamaha. Đây là cơ hội để các cầu thủ thể hiện những thành quả sau gần một năm được đào tạo, huấn luyện”.

Mùa hè vừa qua, đội tuyển U11 của tỉnh đã xuất sắc giành chức vô địch Cúp Milo lần thứ 3 và giành vị trí á quân Cúp Yamaha. Đội tuyển U13 được thành lập cách đây 2 năm với nòng cốt là đội U11 vô địch Cúp Yamaha năm 2009. Sau khi hết tuổi ở U11, đội tiếp tục được đào tạo lên U13. Đây là sân chơi mới. Ở đội U11, cầu thủ thi đấu trong nhà với 5 người. Lên U13, các em chơi với đội hình 11 người ở ngoài trời, đòi hỏi cao hơn về thể lực, kỹ thuật chuyền bóng dài, khả năng thực hiện chiến thuật, tốc độ bứt phá. Tại vòng chung kết Cúp Yamaha năm nay diễn ra tại Thái Bình, đội U13 cũng giành vị trí á quân.

Có được thành công trên, ngoài sự quan tâm của trung tâm, gia đình, nhà trường là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, quyết tâm luyện tập, thi đấu của các cầu thủ. Các em phần lớn ở các huyện. Trong năm, sau mỗi giải đấu, các em được về nhà nghỉ 10 - 15 ngày, thời gian còn lại sinh hoạt, học tập tập trung ở trung tâm. Ít tuổi, phải sống xa gia đình nên các cầu thủ tự chủ trong sinh hoạt hằng ngày. Cầu thủ U11 Lê Thành Nam quê ở xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) là 1 trong 10 cầu thủ tiêu biểu tại Cúp Yamaha năm 2011. Nam cho biết: “Mấy tháng đầu lên trung tâm, hầu như em không ngủ được vì nhớ nhà. Được sự quan tâm, động viên của các thầy và các bạn, em dần làm quen với cuộc sống và chăm chỉ luyện tập để quên đi nỗi nhớ nhà. Hằng tuần, bố mẹ lên thăm, động viên và cho tiền tiêu vặt. Những lúc đi tập huấn, thi đấu ở tỉnh bạn, bố mẹ gọi điện hỏi thăm, chia sẻ”. Nhưng trong đội, không phải em nào cũng được như Nam, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi hơn các bạn. Trong đội U13, các cầu thủ đều biết rõ hoàn cảnh khó khăn và nghị lực vươn lên của em Vũ Văn Dũng, ở thôn Lương Xá, xã Gia Hòa (Gia Lộc). Dũng kể: “Năm em lên 3 tuổi, bố mẹ ly dị, em và anh trai về ở với ông bà ngoại cùng thôn. Sau đó, bố mẹ đều vào miền Nam làm ăn, rất ít khi về thăm 2 anh em. Hiện nay, mỗi tuần, ông bà lên thăm em 1 - 2 lần”. Do điều kiện gia đình khó khăn, cầu thủ U11 Đoàn Ngọc Trượng ở thôn Trại Mũa, xã An Đức (Ninh Giang) được bố mẹ gửi sang ở với ông nội từ năm học lớp 1 đến nay. Hầu hết mọi việc của em được ông đứng ra lo lắng... Dù khó khăn, thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc của bố, mẹ, nhưng các em luôn có ý thức vượt lên khó khăn, trở thành những cầu thủ giỏi. Tại Cúp Milo, Trượng được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất giải, ở Cúp Yamaha, em được bầu là 1 trong 10 cầu thủ tiêu biểu. Dũng trước ở đội U11 luôn là cầu thủ xuất sắc, hiện em được ban huấn luyện đánh giá là cầu thủ có nhiều triển vọng.

Anh Phan Yên cho biết thêm: Trong năm học, các cầu thủ “nhí” nửa ngày học văn hóa, nửa ngày học bóng đá. Buổi tối, các em bố trí thời gian tự học 90 - 120 phút. Nghỉ hè, đội tập luyện ngày hai buổi. Để không ảnh hưởng đến việc luyện tập cũng như học văn hóa, Trung tâm ĐTHLTT tỉnh phối hợp với Trường Tiểu học và Trường THCS Ngọc Châu (TP Hải Dương) sắp xếp thời gian hợp lý cho các em. Tham gia thi đấu giải, nếu phải nghỉ học, các nhà trường sắp xếp cho cầu thủ học bù, trả bài đầy đủ. Trong quá trình tập luyện, ban huấn luyện bố trí thời gian, khối lượng luyện tập phù hợp với tâm lý từng lứa tuổi, tránh việc các em bị mệt mỏi, căng thẳng ảnh hưởng đến học văn hóa. Giai đoạn luyện tập tại trung tâm thường xuyên có 2 huấn luyện viên được phân công ở cùng khu với các em để quản lý, kèm cặp. Bên cạnh dạy chuyên môn, trung tâm phối hợp với gia đình rèn luyện ý thức kỷ luật, đạo đức, cách giao tiếp, ứng xử cho các em. Do đó, nhiều năm nay, không em nào vi phạm  kỷ luật. Kết thúc năm học 2010 - 2011, các em đều lên lớp, nhiều em đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.

Năm 2011 là năm thi đấu thành công của 2 đội U11 và U13. Hải Dương tiếp tục khẳng định thế mạnh trong công tác đào tạo, huấn luyện bóng đá thiếu niên, nhi đồng của cả nước. Thời gian tới, trên nền tảng thành công của các đội U11, U13, trung tâm thành lập đội tuyển U15. Với những tài năng bóng đá “nhí” hiện nay, nếu được tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm chắc chắn trong tương lai Hải Dương sẽ có đội bóng tham gia V-League.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc sống của những cầu thủ “nhí”