Giữa những tiếc nuối và xót thương cho cố Thủ tướng Nhật Abe Shinzo, lẽ tự nhiên khi nhiều người cũng "nghĩ mà thương" người vợ của ông.
Khó ai có thể biết được bà Akie nghĩ gì hay cảm xúc của bà như thế nào trong suốt 4 tiếng ngồi xe lửa tốc hành từ Tokyo đến Nara sau khi hay tin chồng mình bị ám sát.
Cựu Thủ tướng Abe bị bắn lúc 11h30 ngày 8.7 (giờ địa phương) và được đưa đến Bệnh viện Đại học Y Nara, nơi ông được các bác sĩ tuyên bố qua đời lúc 17h03 cùng ngày, chỉ vài phút sau khi bà Akie đến nơi.
Những cảm xúc của một người bỗng chốc trở thành góa phụ hẳn là rất đau đớn. Nhưng người phụ nữ ấy đã không nói lời nào về nỗi đau ấy kể từ sau biến cố.
Lúc ông Abe còn sống, một trong những việc làm yêu thích của bà Akie là đăng ảnh hai vợ chồng lên mạng xã hội. Việc công khai thể hiện tình cảm với vợ hoặc chồng là điều rất hiếm với giới chính trị gia Nhật Bản, đặc biệt là những người đồng niên của cố Thủ tướng.
Cặp đôi kết hôn năm 1987 và thường xuyên chia sẻ hình ảnh, video tham dự các sự kiện cùng nhau trên tài khoản mạng xã hội cá nhân của mình.
Trong một thời gian dài, tài khoản Instagram của bà Akie là tài khoản cá nhân duy nhất trong ba tài khoản mà ông Abe theo dõi. Hai tài khoản còn lại là các tài khoản của hai quan chức.
Một trong những bức ảnh cuối cùng của hai vợ chồng được ông Abe chia sẻ trên tài khoản Twitter của mình vào tháng trước là tiệc mừng sinh nhật thứ 94 của mẹ ông với các thành viên khác trong gia đình. Người em trai ruột của ông Abe, ông Kishi Nobuo, cũng có mặt.
Bức ảnh được bà Akie đăng năm 2019, trong đó "khoe" rằng hai vợ chồng vừa kỷ niệm 32 năm ngày cưới hôm 9.6 - Ảnh: INSTAGRAM
Trong một video mà ông Abe đăng trên Instagram vào tháng 5.2019, người ta thấy ông đang lắp một chiếc gõ cửa bằng gỗ hình hải ly cho bà Akie, người sau đó đã vui vẻ "kiểm tra" thành quả của chồng.
Khi chồng còn đương chức, bà Akie chưa bao giờ chấp nhận chỉ làm vừa đúng vai trò của một phu nhân Thủ tướng là tham gia các sự kiện ngoại giao và ở trong dinh thự.
Bà nổi tiếng là người lên tiếng về những quan điểm tiến bộ và có phần đi ngược lại quan điểm bảo thủ của chồng mình đến độ có giai đoạn báo chí Nhật gọi bà là "phe đối lập trong nhà Thủ tướng".
Chẳng hạn bà công khai thách thức các chính sách quan trọng của ông Abe, bao gồm sự ủng hộ của ông đối với năng lượng hạt nhân, việc mở rộng căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và thiết lập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Bà cũng được biết đến là người thẳng thắn về những vấn đề tranh cãi như bảo vệ các quyền cho phụ nữ, cần sa y tế và cộng đồng LGBT.
Trong mắt các nhà phân tích, việc bà Akie lên tiếng là một nỗ lực nhằm xây dựng hình ảnh của ông Abe là một chính trị gia có thể lắng nghe những ý kiến khác biệt trong xã hội.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg năm 2016, bà chia sẻ bản thân cũng phải học cách của các nhà ngoại giao khi nêu ý kiến trái chiều với chồng, tránh tạo thêm căng thẳng cho ông.
"Là vợ của anh ấy, có những lúc tôi không muốn tấn công anh ấy quá nhiều. Những lần khác, tôi thực sự cảm thấy mình phải nói với anh ấy điều gì đó", bà Akie chia sẻ.
Phụ nữ Nhật Bản sau khi kết hôn đối mặt với nhiều áp lực phải có con, từ cả trong và ngoài gia đình. Tuy nhiên cuộc hôn nhân 35 năm của bà Akie và ông Abe chưa từng có tiếng khóc cười của trẻ thơ.
Bà Akie không che giấu mà ngược lại công khai nói về những khó khăn trong việc thụ thai của hai vợ chồng. Cả hai đã trải qua các phương pháp điều trị sinh sản nhưng không có kết quả.
Có lần ông Abe đề nghị nhận con nuôi nhưng bà không chấp nhận ý kiến của chồng, mà chọn tuân theo số phận.
"Tôi nghĩ tất cả là do số phận và tôi phải chấp nhận rằng chúng tôi không được ban phước lành có con", bà nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn năm 2006.
Theo Tuổi trẻ