Nhìn lại lịch sử, sự can dự của Mỹ kéo dài 20 năm ở Afghanistan đã gây nên những tổn thất nặng nề và hậu quả lâu dài.
Trải qua 4 đời Tổng thống, cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở nước ngoài trong vòng 2 thập kỷ tại Afghanistan đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng với những tổn thất nặng nề đối với cả Afghanistan và Mỹ.
Trong khi đó, việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhất quyết bảo vệ quyết định rút toàn bộ binh lính về nước đang để lại một đất nước Afghanistan với ngổn ngang những câu hỏi còn chưa có lời giải đáp.
20 năm “sa lầy” tại Afghanistan
Còn nhớ cách đây 20 năm, chỉ một ngày sau cuộc tấn công hoàn toàn bất ngờ và kinh hoàng nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York ngày 11.9.2001, Tổng thống Mỹ G.W. Bush tuyên bố trước toàn thế giới rằng, Osama bin Laden-chỉ huy mạng lưới khủng bố Al Qaeda đang được chính quyền Taliban che chở ở Afghanistan là “kẻ chủ mưu”.
Nhưng thay vì chỉ cần sử dụng lực lượng đặc nhiệm và tình báo để truy lùng và tiêu diệt Osama bin Laden, Tổng thống G.W. Bush đã tuyên bố phát động “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” ở Afghanistan.
Kể từ thời điểm đó, Washington tuyên bố chủ nghĩa khủng bố trở thành nguy cơ có tính toàn cầu không chỉ đối với an ninh quốc gia của Mỹ và đồng minh, mà còn đối với cả thế giới. Đây là lý đo để Mỹ và các nước đồng minh tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan kể từ tháng 10.2001.
Chỉ hai tháng sau, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã chính thức bị loại bỏ. Tháng 5.2011, quân đội Mỹ cũng đã tiêu diệt được thủ lĩnh Al Qaeda Osama bin Laden tại một ngôi làng ở Pakistan, tạo nên bước ngoặt trong cuộc chiến ở Afghanistan.
Nhưng sau khi bị Mỹ lật đổ, Taliban đã tìm được nơi trú ẩn an toàn là Waziristan thuộc Pakistan, giáp với biên giới Afghanistan.
Tại đây, Taliban dựa vào nguồn tài chính của tổ chức khủng bố Al Qadea và bắt đầu thực hiện chiến dịch “Taliban hóa”, nhằm chiêu mộ và huấn luyện thanh niên của các bộ lạc địa phương thành các tay súng và những kẻ đánh bom liều chết, phát động làn sóng tấn công nổi dậy tại Afghanistan.
Sự trỗi dậy của Taliban trong những năm sau đó đã trở thành vấn đề đau đầu không chỉ của chính quyền Afghanistan và Pakistan, mà còn là bài toán nan giải đối với chính quyền Mỹ bởi điều này cho thấy nước Mỹ đã sa lầy trong cuộc chiến tại đây.
Không những vậy, cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan kéo dài từ năm 2001 đến nay đã "ngốn" hết của Mỹ khoảng 1.000 tỷ USD và nước Mỹ đã mất đi mãi mãi khoảng 2.400 binh sĩ. Trong khi đó, chi phí khổng lồ này lại chưa thể tiêu diệt được Taliban.
Ngược lại, Taliban còn hồi sinh và đã dần trở thành một lực lượng chính trị, quân sự có ảnh hưởng lớn ở Afghanistan. Nói về cuộc chiến tại Afghanistan này, ngay cả Lầu Năm góc cũng đã từng mô tả là bế tắc.
Kể từ khi lên cầm quyền (2017-2020), Tổng thống Donald Trump chưa bao giờ che giấu quyết tâm nhanh chóng sớm kết thúc cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan. Với quyết tâm nhanh chóng sớm kết thúc cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, chính quyền Mỹ hồi tháng 8.2017 đã công bố chiến lược mới về Afghanistan, bao gồm kế hoạch can dự quân sự dài hạn cũng như tăng số binh sĩ Mỹ tại Afghanistan lên đến 13.000 người.
Trong khi đó, NATO cũng có kế hoạch bổ sung khoảng 4.000 binh sĩ cho lực lượng đang làm nhiệm vụ hỗ trợ quân chính phủ Afghanistan. Song song với đó, chính quyền Trump nỗ lực tiến hành các cuộc đàm phán với lực lượng Taliban nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc chiến dài nhất của quân đội Mỹ tại nước ngoài.
Ngày 29.2.2020, chính quyền Mỹ và lực lượng Taliban đã ký kết một thỏa thuận hòa bình ở thủ đô Doha của Qatar. Theo thỏa thuận, Mỹ cam kết giảm quy mô hiện diện quân sự tại Afghanistan xuống còn 8.600 binh sĩ trong vòng 135 ngày kể từ khi ký kết thỏa thuận, trong trường hợp các điều kiện được đáp ứng.
Sau đợt rút quân đầu tiên này, Washington sẽ tiến tới rút toàn bộ binh sĩ và tiến trình này có thể kéo dài trong vòng 1 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi. Đổi lại, Taliban đồng ý giảm bạo lực, tham gia tiến trình hòa bình quốc gia, cắt mối dây liên hệ với các nhóm cực đoan và bảo đảm Afghanistan không là nơi ẩn náu của các nhóm khủng bố.
Như vậy, từ chỗ bị Washington coi là kẻ thù cần phải tiêu diệt, ở thời điểm này, Taliban đã được Mỹ chấp nhận như một đối tác đàm phán để ký Thỏa thuận hòa bình vào ngày 29.2.2020.
Tuy nhiên, thực tế một năm sau khi thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và lực lượng Taliban được ký kết, tình trạng bạo lực tại Afghanistan vẫn tiếp diễn, còn các cuộc đàm phán giữa chính quyền Kabul và Taliban thì không hề có tiến triển rõ rệt nào.
Trong bối cảnh đó, tháng 6.2021, Tổng thống Mỹ J.Biden đã tuyên bố với người đồng cấp Afghanistan Asharaf Ghani rằng, người dân Afghanistan sẽ phải quyết định chính tương lai của mình, theo cách mà họ mong muốn.
Nhấn mạnh cuộc chiến tại Afghanistan đã cướp đi sinh mạng của 2.448 binh lính Mỹ và khiến 20.722 người Mỹ khác bị thương, ông chủ Nhà Trắng khẳng định không “gửi một thế hệ lính Mỹ khác tới tham chiến tại Afghanistan”, và “Mỹ không thể tiếp tục theo đuổi các chính sách được tạo ra để phản ứng với tình hình thế giới cách đây 20 năm.
Và để hiện thực hóa những tuyên bố này, vào đầu tháng 7.2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ đã hoàn tất 90% kế hoạch rút quân, và sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Afghanistan sẽ kết thúc trước ngày 11.9 tới, chấm dứt cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ của Mỹ tại Afghanistan.
Tuy nhiên có một thực tế là kể từ khi Mỹ bắt đầu lộ trình rút quân từ 1.5.2021, lợi dụng “khoảng trống an ninh” mà Mỹ để lại, Taliban đã liên tục mở các đợt tiến công lớn, kiểm soát nhiều khu vực ở nông thôn, thành phố… Ngày 15.8.2021, Taliban đã dễ dàng giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul, lật đổ chính phủ nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong gần 2 thập kỷ qua và tuyên bố cuộc chiến tại Afghanistan đã kết thúc.
Sự hồi sinh của Taliban ở thời điểm hiện tại cho thấy sau 20 năm, mục tiêu do Mỹ đề ra trong “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” ở Afghanistan chưa hề thành công.
Một Afghanistan dang dở và quan điểm của Mỹ
Những gì diễn ra ở Afghanistan đã cho thấy sự quyết tâm nhằm chấm dứt một cách triệt để điều mà nhiều người gọi là “cuộc chiến không hồi kết” tại Afghanistan của Mỹ. Nhưng rõ ràng, sự kết thúc này đã tạo ra những thách thức vô cùng lớn cho Afghanistan.
20 năm sau sự can dự của Mỹ và liên quân, giờ đây người dân Afghanistan vẫn đang "sống trong sợ hãi". Hơn ai hết họ chính là những nhân chứng sống dưới chế độ tàn khốc của Taliban, từng chứng kiến lực lượng này sát hại phụ nữ với cáo buộc ngoại tình, tấn công các cộng đồng tôn giáo thiểu số, cấm trẻ em đi học.
Trong lúc này, cộng đồng quốc tế và ngay cả trong nội bộ nước Mỹ đều cho rằng, nước Mỹ rõ ràng là phải chịu một phần trách nhiệm về bối cảnh rối ren hiện tại ở Afghanistan.
Tổng thống Biden với vai trò là tổng tư lệnh quân đội Mỹ, đã ngay lập tức vấp phải mũi rìu chỉ trích của đảng Cộng hòa. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden vì thế cũng chạm ngưỡng thấp nhất kể từ khi ông vào Nhà Trắng. Nếu như cuộc khảo sát đầu tiên sau khi Tổng thống Biden bước vào Nhà Trắng, tỷ lệ ủng hộ ông là 53% và tỷ lệ phản đối là 36%, thì giờ đây (theo dữ liệu từ FiveThirtyEight) tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden hiện là 50% và tỷ lệ không đồng tình với các chính sách của ông là 43,8%, cũng là mức cao nhất cho tới nay.
Một số thành viên đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Biden, rằng hình ảnh máy bay trực thăng Mỹ bay vòng quanh Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul cho thấy sự rút lui thất bại của quân đội Mỹ.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại về khả năng gia tăng mối đe dọa tấn công khủng bố ở nước này khi tình hình an ninh tại Afghanistan suy yếu. Phát biểu với các thượng nghị sỹ trong cuộc họp trực tuyến hôm 15.8, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân nói rằng, giới chức Mỹ dự kiến sẽ thay đổi đánh giá được đưa ra trước đó về sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố ở Afghanistan.
Căn cứ vào tình hình thực tế, họ tin rằng những nhóm khủng bố như Al Qaeda có thể phát triển nhanh hơn dự kiến.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan cho thấy quyết định rút quân là hoàn toàn đúng đắn. Họ cho rằng nếu sự tan rã của các lực lượng an ninh diễn ra quá nhanh sau gần 2 thập kỷ Mỹ hiện diện quân sự, thì việc binh sỹ Mỹ ở lại 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm nữa cũng sẽ không làm thay đổi tình hình.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy - thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, người ủng hộ chiến lược của chính quyền Biden lưu ý “sự sụp đổ quá nhanh chóng của chính phủ Afghanistan là điều bất ngờ” nhưng từ lâu người ta đã nhận định Afghanistan sẽ rơi vào tay Taliban nếu Mỹ rút quân.
Hiện các chính trị gia ở Mỹ vẫn đang tranh luận về những gì xảy ra sau khi Mỹ rút quân, và ai là người chịu trách nhiệm cho tình hình xấu đi nhanh chóng tại Afghanistan.
Trước những ý kiến trái chiều, Tổng thống Joe Biden trong phát biểu trên truyền hình ngày 16.8 vẫn bảo vệ quyết định rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Afghanistan khi khẳng định ông ủng hộ chính sách này và đã đến lúc để Mỹ thoát khỏi cuộc xung đột kéo dài 20 năm qua.
Theo Tổng thống Biden, lợi ích quốc gia của Mỹ ở Afghanistan chủ yếu nhằm ngăn chặn các lực lượng khủng bố ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này tiến hành tấn công Mỹ. Và ông đã phải đưa ra lựa chọn hoặc là tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận giữa Mỹ và lực lượng Taliban đạt được dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, hoặc tiếp tục cuộc chiến tại quốc gia này.
Tổng thống Biden cảnh báo lực lượng Taliban không được gây rối hoặc đe dọa tới công tác sơ tán hàng nghìn nhà ngoại giao Mỹ cũng như các phiên dịch viên người Afghanistan tại sân bay quốc tế Kabul.
Ông nhấn mạnh, Mỹ sẽ đáp trả “nhanh chóng và mạnh mẽ” đối với bất kỳ cuộc tấn công nào để bảo vệ cho người dân của mình cũng như những người Afghanistan đã hỗ trợ Mỹ. Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng cam kết lên tiếng bảo vệ các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, của phụ nữ và trẻ em gái dưới thời chính quyền mới ở Afghanistan.
Có thể thấy, chính quyền Mỹ đã rất rõ ràng trong quan điểm của mình rằng nước Mỹ sẽ đoạn tuyệt với quá khứ chiến tranh và đổ máu ở Nam Á. Giờ là lúc người Afghanistan sẽ phải quyết định tương lai của mình.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo mới nhất ngày 17.8, Taliban cũng đã đưa ra nhiều cam kết cho đất nước Afghanistan trong tương lai nằm dưới sự lãnh đạo của Taliban, như tôn trọng các quyền của phụ nữ phù hợp với luật Hồi giáo, phụ nữ được làm việc và học tập, trẻ em được tự do tới trường; đồng thời ân xá cho tất cả kẻ thù, trong đó có các cựu binh sĩ hay quan chức chính quyền cũ được phương Tây hậu thuẫn; các nhà thầu, phiên dịch viên làm việc cho các lực lượng quốc tế sẽ không bị truy cứu trách nhiệm; kêu gọi tất cả các quan chức chính phủ trở lại làm việc bình thường...
Song thực tế, ở thời điểm hiện tại dư luận quốc tế vẫn kêu gọi Mỹ cần thể hiện trách nhiệm với hòa bình ở quốc gia Nam Á này. Họ kêu gọi các lực lượng nước ngoài, trong đó có Mỹ, cần bảo đảm việc rời đi một cách có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định của Afghanistan.
Theo một báo cáo gần đây nhất của Liên hợp quốc về Afghanistan xuất bản vào tháng 6.2021 cho thấy Taliban và Al Qaeda vẫn tiếp tục có mối quan hệ gần gũi “dựa trên sự tương đồng về ý thức hệ” được hình thành thông qua “cuộc đấu tranh chung và sự kết hôn giữa người của hai phái”.
Ngoài ra, tài liệu này còn chỉ rõ rằng Al Qaeda và các chiến binh Taliban đã ăn mừng trước các diễn biến ở Afghanistan, coi đây là một “chiến thắng cho Taliban và cho chủ nghĩa cực đoan toàn cầu”. Bởi vậy, nhiều nhà phân tích nhận định, vẫn cần phải thận trọng với các lời hứa của Taliban.
Theo TTXVN