Cuộc chiến chống tin giả và trách nhiệm xã hội của báo chí

21/06/2018 22:00

Oái oăm thay, báo chí cũng mắc bẫy tin giả – không chỉ ở Việt Nam mà nhiều báo lớn của nước ngoài cũng vậy.


Thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một số thông tin thất thiệt về giá vải Thanh Hà xuống thấp và dùng thuốc mê bắt cóc phụ nữ

Từ Mỹ đến châu Âu, từ châu Á đến vùng Caribe hay tận châu Phi, tin giả đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò vào từng ngóc ngách của xã hội. 

Vào giờ này năm ngoái, không nhiều người trong giới báo chí cũng như người dùng internet ở Việt Nam quan tâm đến cái gọi là “fake news” – tin giả. Trước nữa lại càng không. Quan niệm phổ biến trong thời đại hiện nay là ai cũng trở nên thông minh, vả lại, có rất nhiều thiết bị thông minh quanh mình – cái gì cũng được gắn thêm từ “smart” từ nhà cửa, xe hơi, thẻ thanh toán cho đến điện thoại - nên không dễ bị lừa.

Thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới mà một tin tức hoàn toàn bịa đặt vào ngày 21.11 vừa qua rằng ngôi sao điện ảnh Keanu Reeves tuyên bố “những nhân vật tinh túy ở Hollywood đã dùng máu của trẻ sơ sinh để thăng tiến” đã đứng đầu danh sách nội dung tìm kiếm trên YouTube và lan truyền như virus trên Facebook với hơn 26.000 lượt tương tác chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà một người đàn ông từ bang North Carolina của nước Mỹ chỉ nghe theo cái thuyết âm mưu vô căn cứ đã phóng xe tới tận một cửa hàng pizza ở thủ đô Washington D.C. với một khẩu súng trường để tự điều tra về vụ mà ông ta tin là đường dây buôn bán trẻ em liên quan đến bà Hillary Clinton. Tin giả suýt nữa gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và Đức, và vì đọc nhầm tin giả, một bộ trưởng Pakistan đã đe dọa sử dụng hạt nhân với Israel.

Đó là một thế giới mà những hoang tin có thể dẫn đến các thảm kịch trong đời sống dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat hoặc các mạng xã hội. Fake news thậm chí thu hút sự quan tâm nhiều hơn thông tin chính thống: Một nghiên cứu của BuzzFeed phát hiện ra rằng fake news thu hút được 8,7 triệu lượt tương tác trong 3 tháng cuối của chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ trong khi tin tức của các nguồn tin báo chí lừng danh như New York Times, Washington Post và CNN chỉ có 7,3 triệu lượt chia sẻ, bình luận.

Ở Việt Nam thì sao? Ban đầu, tin giả ở Việt Nam chỉ dừng ở một vài đường dẫn website ca ngợi ông bà lang dân tộc này, loại biệt dược nọ, gắn với ca sĩ A, người nổi tiếng B để vờ là người dùng uy tín. Rồi đến những dòng trạng thái trên mạng xã hội nói chuyện ô nhiễm tại một địa phương trong nước nhưng dùng hình ảnh tận bên kia địa cầu, xảy ra từ lâu trong quá khứ; video một đoàn xe nào đó nhưng gán câu chuyện về lãnh đạo cao cấp của Nhà nước. Một bức hình của quan chức cao cấp được gắn với một phát ngôn gây sốc rất nhanh chóng phủ kín Facebook để rồi nhân vật trong hình nhận đủ loại “gạch đá” mà không một ai quan tâm xem nội dung đó có bị xuyên tạc hay không. Đã có một số trường hợp đăng tải nội dung bịa đặt bị xử phạt, nhưng dường như tình hình đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Có thể ai đó sẽ yên tâm khẳng định rằng người dùng tin vào báo chí. Oái oăm thay, báo chí cũng mắc bẫy tin giả – không chỉ ở Việt Nam mà nhiều báo lớn của nước ngoài cũng vậy. Đó là chưa kể nhiều nhà báo vô tình chia sẻ các tin giả hoặc tin không rõ nguồn gốc, và góp phần phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc thậm chí sai lệch đó. Tệ hại hơn là tình trạng giả mạo các cơ quan báo chí chính thống bằng các website có tên miền gần giống, hoặc các fanpage, các tài khoản mạng xã hội.

Khi trang điện tử vnanet.vn của Thông tấn xã Việt Nam với 4 ngữ Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha ra đời vào năm 2003, chúng tôi phát hiện một trang web bê nguyên xi toàn bộ tin bằng 4 ngữ của chúng tôi mỗi ngày lên trang của họ với thiết kế y chang.

Nhưng bây giờ người ta không làm giả thô sơ như vậy. Một ngày đầu tháng 11.2017 vừa qua, trên Facebook lan tràn hình chụp một bản tin thất thiệt về người chồng rửa bát không sạch bị vợ dùng dao chém vào đầu. Điều đáng nói là nó được gắn logo của VietnamPlus trên nền đỏ rực đập vào mắt người xem.

Đúng một tuần sau, lại có một bài viết khác được lan truyền khắp nơi, nói về việc Google và Facebook có thể rút khỏi Việt Nam, cũng có logo với chữ Việt Nam và dấu cộng đã trở nên quen thuộc với độc giả sau 9 năm hoạt động.

Từ Mỹ đến châu Âu, từ châu Á đến vùng Caribe hay tận châu Phi, fake news đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò dần vào từng ngóc ngách của xã hội. Fake news tồn tại từ rất lâu trong đời sống, nhưng chính nhờ mạng xã hội mà nó mới bùng phát tới cấp độ khủng khiếp như hiện nay. Đặc điểm nổi bật của mạng xã hội là người dùng không cần phải tìm kiếm thông tin mà thông tin tự tìm đến người dùng. Fake news cũng chủ động tiếp cận và tấn công người dùng theo cách đó.

Fake news không chỉ bóp méo thông tin theo kiểu vô thưởng vô phạt, fake news không chỉ là câu chuyện cắt dán tin tức bừa bãi để kiếm tiền quảng cáo của mấy chàng trai trẻ tại một thị trấn nhỏ ở Macedonia, fake news đang làm gia tăng tình trạng nhục mạ các cá nhân, làm cho doanh nghiệp, tổ chức lao đao khốn khổ, fake news thậm chí còn được lợi dụng vào các âm mưu chính trị và làm rối loạn xã hội. Có một câu chuyện mà chúng ta đều đã được nghe: fake news được cho là góp phần dựng lên một nhà lãnh đạo quốc gia. Vậy thì nó cũng có thể hạ bệ một nhân vật với vị trí tương tự.

Trong khi fake news khuynh đảo xã hội và có nguy cơ lấn át những nguồn tin chính thống ở khắp nơi trên thế giới, việc kiểm chứng thông tin trên báo chí lại đang trở nên lỏng lẻo, và thật đáng buồn khi không ít tòa soạn thậm chí áp dụng cách làm nguy hiểm là “đăng tải trước, chỉnh sửa sau nếu cần thiết” (publish first, correct later if necessary). Không ít trường hợp tin bài trên báo chí chính thống không được kiểm chứng, không bảo đảm công bằng và cân bằng - giá trị cốt lõi của báo chí.

Fake news, cùng với những sai lầm của nhiều cơ quan báo chí trong cuộc chạy đua tuyệt vọng với mạng xã hội để giành giật độc giả và nguồn thu quảng cáo, đã khiến cho sự tín nhiệm của công chúng đối với báo chí giảm sút xuống mức thấp chưa từng thấy. Nhiều nghiên cứu về tương lai báo chí khẳng định rằng mục tiêu của báo chí giờ đây không phải là thu hút sự chú ý của công chúng nữa mà là giành lại niềm tin của họ.

Thông tin ngày càng có ý nghĩa to lớn trong mọi mặt của cuộc sống, nhưng sẽ ra sao nếu người dân không còn tin vào báo chí, sẽ ra sao nếu tin giả nhiều hơn tin thật? Nhiều chính phủ trên thế giới đã có những biện pháp quyết liệt để đối phó với fake news, quy định những khoản tiền phạt lên đến hàng chục triệu USD đối với các nền tảng công nghệ khổng lồ như Google hay Facebook nếu không cho phép người dùng khiếu nại về nội dung kích động thù hận và tin giả, hoặc từ chối loại bỏ những nội dung bất hợp pháp.

Nhưng báo chí cũng phải hành động chứ không thể ngồi chờ cơ quan chức năng ra luật, chờ các công ty công nghệ thay đổi thuật toán, chờ người dùng trở nên thông minh hơn để tự xa lánh fake news.

Chưa bao giờ đòi hỏi về một nền báo chí chất lượng cao lại bức thiết như hiện nay. Làm thế nào để gây dựng lại niềm tin của công chúng đối với nội dung báo chí chất lượng cao sẽ là một câu hỏi lớn trong những năm tới dành cho các nhà quản lý, các tòa soạn và bản thân các nhà báo. Nó không chỉ quan trọng đối với sự tồn vong của báo chí, nó còn quan trọng với sự ổn định của xã hội.

Sự tràn lan của fake news trên toàn cầu cho thấy báo chí cần phải kết nối với độc giả, khán thính giả một cách hiệu quả hơn. Các tòa soạn cần phải đầu tư nhiều hơn vào nội dung chất lượng cao, cần có những hành động để đối phó với những nội dung kích động thù hận, phân biệt chủng tộc, hoang tin, thông tin bóp méo sự thật gây phương hại cho các cá nhân, tổ chức, quốc gia. Cần dành nhiều nguồn lực hơn cho báo chí điều tra, gắn chặt hơn với những giá trị đạo đức trong việc quản lý và quản trị truyền thông; đồng thời có các biện pháp nâng cao nhận thức cho công chúng nói chung về tin giả.

Cần xây dựng những liên minh báo chí để bảo vệ bản quyền, tìm kiếm những mô hình kinh doanh bền vững và quan trọng hơn là để đối phó với tình trạng fake news. Các cơ quan báo chí ở Pháp và Đức đã tạo lập các liên minh nhằm đối phó với fake news trước khi diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng. Đang có nhiều nỗ lực trên thế giới để xây dựng nên những website chuyên kiểm chứng thông tin. Tính đến giữa năm 2017, có 114 dự án thẩm định thông tin như thế, hoạt động tại 47 quốc gia. Thông tấn xã Việt Nam cũng bắt đầu một dự án tương tự.

Đương nhiên, fake news sẽ ngày càng tinh vi hơn khi công nghệ tiếp tục phát triển và chi phí rẻ đi. Tại một sự kiện công nghệ ở Las Vegas vào năm 2016, người ta đã giới thiệu công nghệ can thiệp video theo thời gian thực: trong lúc một nhân vật nổi tiếng phát biểu trên truyền hình, một người khác có thể can thiệp và nói nội dung hoàn toàn khác thông qua hình ảnh video của nhân vật kia mà người xem không thể phát hiện.

Tại một sự kiện khác, hãng Adobe vốn nổi tiếng với các phần mềm chỉnh sửa ảnh giới thiệu dự án can thiệp âm thanh có tên VoCo mà một số báo kinh hãi gọi nó là phần mềm “Photoshop giọng nói”. Người ta lấy mẫu giọng nói của một người, và chỉ cần nhập bất kỳ nội dung nào, đơn giản như gõ nội dung văn bản, thì sẽ phát ra câu đó bằng đúng giọng nói đó. Nếu những công nghệ tinh vi này rơi vào tay những kẻ có mục đích xấu, chúng ta sẽ không còn biết đâu là giả đâu là thật nữa.

Các chuyên gia cũng dự đoán rằng khi trí tuệ nhân tạo được áp dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất nội dung báo chí thì đồng thời số lượng tin giả do máy viết cũng ra đời và sẽ nhanh chóng vượt trội về số lượng. Một tương lai không mấy sáng sủa nếu không hành động nhanh.

Các nhà báo chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn, bởi chúng ta còn khoác trên mình trách nhiệm to lớn với xã hội.

LÊ QUỐC MINH

Tham luận của ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc TTXVN tại Hội nghị báo chí toàn quốc, tháng 12.2017

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến chống tin giả và trách nhiệm xã hội của báo chí