Cuộc cách mạng từ nhân dân mà ra

18/08/2015 07:04

Từ trong trứng nước, Cách mạng Tháng Tám được ươm mầm trong nhân dân, chín muồi trong nhân dân và bùng nổ cũng nhờ nhân dân.



Quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở Sài Gòn (8-1945)


Cuộc cách mạng nổ ra vào ngày 19-8-1945 ở Hà Nội rồi lan rộng ra cả nước, cách đây 70 năm được hình dung như một cuộc đổi đời: hàng triệu con người đói rét, lầm than nô lệ vùng đứng lên, dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, đứng đầu là người cộng sản yêu nước Hồ Chí Minh, giành lấy đất nước từ tay thực dân Pháp và phát xít Nhật, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là cột mốc vĩ đại trong lịch sử bất khuất, yêu tự do độc lập của dân tộc ta. Nhờ cuộc cách mạng đó mà non sông đất nước ta mới có ngày nay.

Từ trong trứng nước, Cách mạng Tháng Tám được ươm mầm trong nhân dân, chín muồi trong nhân dân và bùng nổ cũng nhờ nhân dân. Nó thành công vì có được lực lượng lãnh đạo tài tình, có năng lực biến khát vọng của người dân thành hiện thực và cũng thành công vì được nhân dân ủng hộ. Cách mạng Tháng Tám không phải là ý muốn chủ quan của một nhóm người, một cá nhân nào. Nó cũng không phải là kết quả của một ý tưởng được nhập khẩu từ bên ngoài. Nó là đòi hỏi bức thiết của hàng triệu con người cụ thể ở một nước Việt Nam cụ thể, cùng khổ, một cổ hai tròng trong nhiều thập kỷ. Là nguyện vọng của biết bao thế hệ con cháu của những người yêu nước bị bêu đầu ngoài chợ, bị chết mòn mỏi trong nhà tù thực dân, bị phơi xác giữa đồng nội. Gần thời điểm đó hơn, đó là nguyện vọng của hai triệu người chết đói vì thiên tai và tội ác của đế quốc, là nguyện vọng của hàng triệu người mù chữ bị bóc lột đến xương tủy, nguyện vọng của những người con đất Việt đứng trước âm mưu xâu xé, chia cắt đất nước. Nguyện vọng đó là đánh đổ thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai, giành lấy độc lập cho đất nước, tự do cho giống nòi, mọi người đều có quyền quyết định vận mệnh của mình.

Khi khí thế ngút trời của quần chúng gặp gỡ với năng lực tổ chức, lãnh đạo của những người cộng sản, nó sẽ trở thành một lực lượng tổng hợp vĩ đại, không gì ngăn cản nổi. Nói như Nguyễn Trãi, nhà quân sự, chính trị và là nhà thơ lớn của dân tộc ta trong một bài thơ của ông làm lật thuyền mới biết sức dân là nước. Câu thơ của Nguyễn Trãi cũng là tổng kết của lịch sử, nó đã được chứng minh hàng trăm lần, một trong những lần đó là Cách mạng Tháng Tám. Đây là bài học lớn, không chỉ với việc giành chính quyền mà ngay cả giữ chính quyền, bảo vệ chính quyền, mang tính thời sự cho hôm qua và cho cả hôm nay.

Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, lực lượng của những người cộng sản chỉ có vài nghìn, quân đội chỉ có vài trăm với vũ khí thô sơ tầm vông, giáo mác, súng kíp. Trong khi đó quân Nhật, quân Pháp cùng lực lượng phía chúng có hàng vạn, được trang bị vũ khí hiện đại bậc nhất thời đó. Nếu chỉ căn cứ vào so sánh lực lượng như thế, không thể dám làm Cách mạng Tháng Tám. Nhưng ta đã dám làm và đã làm thành công. Sở dĩ như vậy, vì ta nắm được quần chúng, được dân ủng hộ và phong trào của quần chúng thì đang dâng lên như nước vỡ bờ trên khắp đất nước. Các cuộc khởi nghĩa, binh biến hay đảo chính phần nhiều thất bại vì ngoài một nhóm người ở một địa phương ra, họ không có mối liên hệ rộng khắp, vững chắc với nhiều địa phương, nhiều nhóm người khác. Khi bị đàn áp, họ nhanh chóng bị bao vây, cô lập, mất sự hỗ trợ của bên ngoài và nhanh chóng tan rã. Cách mạng Tháng Tám không vậy. Tuy bùng nổ ở một nơi nhưng trên toàn quốc đều có sự chuẩn bị hưởng ứng. Vì có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất như vậy nên chỉ trong vòng 10 ngày, toàn bộ chính quyền đã thuộc về tay nhân dân trong phạm vi cả nước. Riêng ở Hà Nội, nơi lực lượng Nhật, Pháp và bọn phản động tay sai đông nhất, từ cuộc biểu tình do chúng tổ chức đã trở thành cuộc “phản biểu tình” của hàng chục vạn người để lật đổ chúng. Trước khí thế ủng hộ Việt Minh như thế, quân địch với vũ khí đầy mình đã tê liệt và tan rã. Vì sao nhân dân lại ủng hộ Việt Minh? Vì Việt Minh đã nêu khẩu hiệu đúng và hết lòng hy sinh để thực hiện nó. Những cán bộ Việt Minh lúc đó (những người cộng sản và thuộc lực lượng cộng sản) sống với dân đồng cam cộng khổ, hy sinh cả cuộc đời mình cho dân, không một mảy may tư lợi. Trái ngược với bọn giặc ngoại xâm và quan tham, người ta chỉ thấy những người cộng sản hy sinh vì dân vì nước đến quên mình nên họ nói dân tin, dân làm theo, coi họ là những tấm gương trong sáng, cao cả. Một lực lượng chính trị được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ là vô địch cho dù lực lượng của họ rất ít, trang bị của họ còn thiếu và yếu.

 Cách mạng Tháng Tám thành công còn do những người chủ trương cuộc cách mạng dám tin vào dân. Khi phát động cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa, ngoài một nhóm nhỏ lực lượng vũ trang, lấy việc “tuyên truyền” là chính ra, lực lượng cách mạng lúc ấy hầu hết là những người chưa biết chữ, nghèo đói, chưa từng có khái niệm về giành và quản lý, bảo vệ chính quyền. Dám tin vào nền độc lập, tự do ở một đất nước 95% số dân còn mù chữ, là bản lĩnh cách mạng phi thường của những người cộng sản, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ khi về nước với số ít cán bộ, âm thầm hoạt động trong hang đá Pác Bó đến thời kỳ chống Pháp sau này cũng vậy, Người đều chủ trương tin vào dân, sống gần dân. Chính niềm tin vào dân ấy đã giúp cho bao cán bộ nòng cốt của cách mạng thoát hiểm trong gang tấc, bao nhiêu tình huống cách mạng và kháng chiến giành được thắng lợi. Chính vì chân thành tin vào dân và được dân tin nên những người cộng sản Việt Nam mới dám làm Cách mạng Tháng Tám, dám tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dám chủ trương đồng khởi khắp miền Nam, dám trực tiếp đánh Mỹ trong thế ban đầu về tương quan lực lượng vật chất, quân sự ta đều yếu hơn đối phương.

Nói đến một cuộc cách mạng, người ta thường nghĩ đến tiếng súng, máu chảy, những cuộc lật đổ triệt hạ tàn khốc. Nhưng với Cách mạng Tháng Tám, những điều đó hầu như không xảy ra. Đây là cuộc giành chính quyền bằng sức mạnh chính trị của quần chúng là chủ yếu, một cuộc cách mạng của tư tưởng nhân văn, dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Sở dĩ đạt được điều đó vì những người lãnh đạo đã dựa vào dân, tin vào dân, chân thành vì hạnh phúc của nhân dân. Cũng với điều đó, tin vào dân và được dân tin, họ đã làm nên chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa đất nước phát triển đến ngày nay. "Chở thuyền mới biết sức dân là nước", đó là quan điểm chiến tranh, quan điểm trị nước từ trong truyền thống của cha ông ta.  Đó cũng là một trong những bài học của Cách mạng Tháng Tám, một cuộc cách mạng không chỉ nhân văn về bản chất mà còn cả phương pháp. Bài học ấy càng ngày càng sáng tỏ.


THẢO HƯƠNG

(0) Bình luận
Cuộc cách mạng từ nhân dân mà ra