Mặc dù nhu cầu mua giống thủy sản nhiều song các cơ sở sản xuất chưa đáp ứng được. Nhiều nơi chỉ sản xuất được một số giống cá truyền thống, năng suất thấp.
Các cơ sở sản xuất cá giống trong tỉnh mới đáp ứng được 30% nhu cầu nuôi thủy sản ở địa phương
Giống thủy sản đóng vai trò rất quan trọng trong nuôi thủy sản. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất giống thủy sản ở tỉnh ta vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân và chất lượng giống chưa cao.
Nhỏ lẻ và lạc hậu Công ty CP Cá giống Hà Xá (Cẩm Đoài, Cẩm Giàng), tiền thân là Trại cá Giống Hà Xá được thành lập từ năm 1963. Hơn 50 năm qua, công ty chỉ tập trung sản xuất các loại truyền thống như trắm, trôi, mè... Để có nguồn cung ổn định, công ty phải thực hiện nhiều bước, từ tuyển chọn, lưu giữ đàn cá bố mẹ đến cho sinh sản và ấp trứng. Ông Phạm Văn Sổ, Giám đốc công ty cho biết: "Hiện nay công ty đang có gần 2 tấn cá trắm, 7 tạ cá mè, 1 tấn cá trôi bố mẹ. Mỗi năm, công ty cung cấp cho thị trường khoảng 400 triệu con cá giống, chủ yếu là cá trắm và cá trôi. Mặc dù lượng lớn như vậy nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có nguồn con giống tốt để đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Bởi lẽ, việc sản xuất con giống còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của đàn cá bố, mẹ và mùa vụ. Có những năm, trời rét, sức đề kháng của cá bố, mẹ yếu nên việc sinh sản gặp khó khăn. Cũng có những năm, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng lớn đến việc cho ấp, nở của đàn cá. Hiện nay, công ty chỉ đáp ứng được khoảng từ 75-80% nhu cầu giống của người dân". Thị trường tiêu thụ cá giống của Công ty CP Cá giống Hà Xá chủ yếu ở các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng và một số tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Hưng Yên... Để sản xuất các loại cá giống khác, công ty chưa có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như nguồn nhân lực...
HTX Thủy sản Dung Quất, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) nhiều năm nay cũng chỉ cung cấp con giống thủy sản truyền thống. Năm 2009, HTX đã thử nghiệm nuôi và cung cấp giống cá chép Thái Lan nhưng do dịch bệnh nên không thể thực hiện được. Hiện nay, HTX chủ yếu chỉ bán các giống cá truyền thống cho nông dân các xã trong huyện và các tỉnh Thái Bình, Lạng Sơn, Hưng Yên... Ông Trần Văn Nhạ, Chủ nhiệm HTX cho biết: "Hiện nay nhu cầu tiêu thụ con giống thủy sản rất lớn, nhiều thời điểm HTX không đáp ứng đủ nhu cầu. Công ty đang có kế hoạch nhân giống mở rộng đàn cá bố mẹ để cung cấp được nhiều con giống hơn nữa vào năm tới".
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, việc sản xuất, kinh doanh giống thủy sản ở tỉnh ta đang gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện có 6 đơn vị sản xuất cá giống. Năm 2013, các đơn vị sản xuất được hơn 2,2 triệu con cá giống truyền thống và 19,7 triệu con cá giống rô phi đơn tính, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu trong tỉnh. Hầu hết các đơn vị sản xuất kỹ thuật lạc hậu, nên chỉ tập trung sản xuất các loại cá giống truyền thống. Một số cơ sở không có nguồn nước sạch cho cá sinh sản đã dẫn đến năng suất cá bột thấp ảnh hưởng đến tiến độ và sản lượng cá cung cấp cho thị trường. Nguyên nhân chủ yếu do các đơn vị trên chậm thích nghi với nhu cầu thay đổi con giống thủy sản của người dân. Phần lớn đàn cá bố mẹ của các trại giống trong tỉnh được tuyển chọn từ cá thương phẩm, không được tạo giống riêng nên chất lượng con giống không cao. Nhiều cơ sở sản xuất giống chưa mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Bể nuôi cá giống chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật...
Nhập khẩu số lượng lớnDo không đủ cung cấp con giống, chất lượng giống không bảo đảm đã khiến nhiều người dân phải tìm mua giống thủy sản từ nước ngoài. Hiện nay, HTX Thủy sản chất lượng cao Xuân Nẻo thường xuyên phải nhập 400 nghìn con cá giống các loại, chủ yếu là cá rô phi dòng Sodan, cá điêu hồng và chép lai. Các giống cá trên chủ yếu được nhập từ Viện Thủy sản Hải Nam (Trung Quốc). Ông Phạm Văn Phục, Chủ nhiệm HTX cho biết: Giống cá rô phi nhập khẩu có chất lượng tốt hơn cá rô phi sản xuất trong nước vì chỉ cần nuôi 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 3 - 3,5kg/con, trong khi giống cá trong nước chỉ bằng 2/3 so với cá nhập khẩu. Do trọng lượng cá rô phi nhập khẩu to nên bao giờ cũng bán được giá cao so với cá rô phi lấy giống trong nước từ 10-15 nghìn đồng/kg".
Chất lượng giống tốt và điều kiện nhập khẩu con giống thủy sản từ nước ngoài dễ dàng nên nhiều chủ trang trại thích nuôi giống cá nhập khẩu hơn. Ông Nguyễn Văn Vụ, chủ trại cá ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cho biết: Hiện nay trang trại chủ yếu nhập cá rô phi, chép lai 3 máu từ Trung Quốc và Phi- líp-pin. Phần lớn các giống cá được nhập theo đường tiểu ngạch nên không phải qua nhiều khâu kiểm nghiệm. Do đã quen mối làm ăn nên chỉ cần gọi điện, chủ cá có thể cung cấp các giống cá nhập khẩu ngay không cần phải sang tận nơi để mua giống".
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh năm 2013, toàn tỉnh nhập 28 đợt cá giống với số lượng 24,84 triệu con cá hương, cá giống các loại. Nguồn gốc giống nhập chủ yếu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) hoặc từ Thái Lan (qua sân bay Nội Bài)... Việc nhập giống thủy sản để đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản là cần thiết. Tuy nhiên, việc nhập giống theo đường tiểu ngạch không qua kiểm nghiệm rất nguy hiểm. Khi đàn cá giống không được kiểm soát chặt dễ mang dịch bệnh từ các nước khác sang nước ta. Mặt khác, việc nhập khẩu giống thủy sản thành "phong trào" sẽ khiến việc sản xuất giống trong nước gặp khó khăn.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu con giống từ nước ngoài. Chú trọng đầu tư khoa học kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất con giống. Tăng cường phổ biến các văn bản quy định của Nhà nước về sản xuất cá giống cho các chủ cơ sở, cấp bổ sung giấy chứng nhận đào tạo kỹ thuật... để nâng cao chất lượng các điểm cung cấp nguồn giống thủy sản.
LAN NGỌC
Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, các tổ chức, cá nhân thực hiện cho sinh sản hoặc sản xuất, kinh doanh giống thủy sản bố mẹ phải đáp ứng các điều kiện như: có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư về giống thủy sản hoặc quyết định quy định chức năng nhiệm vụ về nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập; địa điểm xây dựng phải theo quy hoạch hoặc có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Các tổ chức, cá nhân phải có nơi cách ly, theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập về; cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp; có bảng hiệu, địa chỉ rõ ràng; phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thủy sản và bảo đảm chất lượng giống thủy sản đã công bố; ghi nhãn giống thủy sản khi lưu thông... |
|