Việt Nam vừa ghi nhận ca mắc cúm A(H9) đầu tiên trên người. Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ lây nhiễm các chủng cúm gia cầm sang người.
Ca bệnh dương tính với cúm A(H9) là nam giới, trú tại tỉnh Tiền Giang nhập viện điều trị viêm phổi nặng. Hiện bệnh nhân vẫn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay theo ghi nhận của y văn thế giới, các chủng cúm gia cầm có kháng nguyên H5, H7 và H9 có thể lây sang người.
Trong đó chủng H5 là chủng độc lực cao thường gây ổ dịch lớn và làm chết gia cầm hàng loạt, gây triệu chứng nặng và tỉ lệ tử vong rất cao khi lây nhiễm sang người.
Chủng H7 và H9 là chủng độc lực thấp thường gây bệnh nhẹ, hiếm khi gây chết hàng loạt cho gia cầm. Kết hợp với các chủng này là các phân tuýp kháng nguyên N từ 1 đến 9. Sự kết hợp, tái tổ hợp kháng nguyên H và N có thể tạo ra nhiều loại cúm gia cầm lây nhiễm sang người.
Gần đây gia tăng xuất hiện các ca nhiễm cúm gia cầm A(H9N2) trên thế giới, đặc biệt là 2 quốc gia láng giềng là Trung Quốc và Campuchia. Việt Nam ghi nhận ca nhiễm cúm đầu tiên AH9 trong tháng 4-2024", ông Tâm nêu rõ.
Theo ông Tâm, ở các nước có ca bệnh cúm A(H9N2) ở người, đa số các trường hợp mắc bệnh đều có triệu chứng nhẹ và vừa. Hầu hết các trường hợp tử vong đều là những người mắc bệnh nền mãn tính sẵn có như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư,...
Trường hợp mắc cúm A(H9) đầu tiên tại Việt Nam, các đơn vị không phát hiện gia cầm chết nơi bệnh nhân sinh sống, không ghi nhận ổ dịch gây bệnh. Trước đó, vào tháng 3-2024, tại Khánh Hòa đã có một người tử vong do mắc cúm A(H5N1) trên người. Trường hợp này cũng không rõ nguồn lây.
Theo ông Tâm, việc không phát hiện ổ dịch H9 trên gia cầm khiến công tác giám sát dịch tễ, nhận diện và khoanh vùng ổ dịch gặp khó khăn, điều đó có thể ảnh hưởng tới việc triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
"Mặt khác do người dân và những người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm có thể chủ quan cho rằng gia cầm khỏe mạnh nên không áp dụng các biện pháp dự phòng thường quy như đeo khẩu trang, găng tay, rửa tay,... khi tiếp xúc gần. Từ đó làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Vì vậy chúng tôi khuyến cáo người dân và những người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm nghiêm túc tuân thủ những biện pháp phòng bệnh thường quy khi tiếp xúc trực gần với gia cầm, khi đến những khu vực nguy cơ cao như chợ hoặc khu vực bán gia cầm và động vật sống", ông Tâm khuyến cáo.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy.
5. Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ.
6. Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.