Không có chuyện cơ quan chức năng theo dõi, giám sát tất cả các tài khoản trên mạng xã hội.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận trao đổi với báo chí. Ảnh: DANH TRỌNG
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an đã nói như vậy trong buổi trao đổi với báo chí về những vấn đề mà dư luận quan tâm liên quan đến Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua.
Theo trung tướng Thuận, dự thảo luật được xây dựng từ tháng 11.2016 theo nghị quyết của Quốc hội với sự tham gia của nhiều bộ, ngành.
Trong quá trình xây dựng, Ban soạn thảo tiếp nhận, xem xét điều chỉnh phù hợp với kiến nghị của các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông đồng thời cũng tiếp cận với những người có trách nhiệm của Google và Facebook, Hiệp hội kinh doanh Hoa Kỳ để giải thích và lắng nghe.
* Nhiều người lo ngại Luật An ninh mạng được thông qua, Facebook và Google sẽ rút khỏi Việt Nam?
-Chưa có một thông tin nào về việc Google và Facebook rút khỏi Việt Nam. Chắc chắn với thị phần tại Việt Nam lên tới hơn 48 triệu tài khoản, là một trong những thị trường hàng đầu của Facebook và Google.
Theo trao đổi của tôi với các đại diện của các tập đoàn đó, tôi thấy chưa thấy họ có ý kiến gì khác. Họ chỉ hỏi khi ban hành luật có ảnh hưởng gì không. Chúng tôi giải thích và họ cho rằng đây là vấn đề phù hợp và sẽ điều chỉnh chiến lược chứ không phải như ai đó tuyên truyền là sẽ ảnh hưởng ghê gớm.
* Có ý kiến cho rằng Luật An ninh mạng vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết?
- Luật không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chúng tôi đã rà soát rất cụ thể. Uỷ ban Quốc phòng an ninh cũng đã trình bày rất đầy đủ. Tôi đã tiếp xúc, lắng nghe các nhà ngoại giao với tư cách thành viên tham gia Ban biện soạn, họ đều khẳng định có phạm vi ngoại lệ và quốc gia nào cũng như vậy.
Ngoài đời thật cấm thì trên mạng cũng cấm
* Trong việc quy định về quản lý dữ liệu người dùng, dư luận đặt vấn đề việc này sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận người dùng. Ông bình luận thế nào?
- Luật này không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận. Chưa có luật nào đưa ra những quy định bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức sử dụng không gian mạng mới như luật này.
Luật không có gì cản trở tự do ngôn luận. Nếu chúng ta trình bày đúng quan điểm mà không vi phạm theo 29 điều quy định trong Luật Hình sự thì không bị cấm. Bởi ngoài đời thật cấm thì trên không gian mạng cũng bị cấm. Không thể nào mà đe doạ giết người, hướng dẫn mua bán vũ khí hay kích động biểu tình mang bom xăng đốt phá… ở ngoài đời thật thì bị xử lý mà trên mạng lại được thoải mái.
* Luật An ninh mạng trao quyền quá lớn cho cơ quan chức năng trong việc xác định nội dung nào là nói xấu lãnh đạo, phủ nhận thành tựu cách mạng... Làm sao để tránh việc đánh giá mang tính quy chụp, cảm tính, không khách quan?
- Trên thực tế, chúng ta phải thực hiện đúng bài bản. Khi xác định nội dung vi phạm pháp luật, nếu liên quan đến vấn đề thông tin truyền thông thì Bộ Thông tin –Truyền thông sẽ thẩm định. Liên quan đến văn hoá thì Bộ Văn hoá sẽ thẩm định. Cơ quan chuyên trách của Bộ Công an, Quốc phòng sẽ căn cứ vào những thẩm định đó mới đề nghị cung cấp thông tin khi điều tra hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, có thể khẳng định không thể lạm quyền. Những điều cấm trong luật nói rất rõ cá nhân, tổ chức, cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng nào lợi dụng Luật An ninh mạng xâm phạm an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trật tự an toàn xã hội thì chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Chỉ cung cấp thông tin cá nhân khi có dấu hiệu vi phạm
* Việc các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin khách hàng cho công an có là xâm phạm vào quyền riêng tư của cá nhân, bí mật an toàn thư tín vốn được bảo vệ bởi Hiến pháp? Các doanh nghiệp và các tài khoản cá nhân đều lo ngại việc lộ, lọt thông tin?
- Hiện nay, chính các doanh nghiệp đang lưu trữ thông số của các cá nhân rất nhiều. Thông số của chúng ta đang bị họ quản lý và bị lộ, lọt thông tin cá nhân rất nhiều. Ví dụ như khi bạn vừa ra khỏi sân bay đã có tin nhắn gửi đến đi taxi hay không, hay như đang hội họp đã nhận được tin nhắn mua nhà đất…
Chính việc lộ lọt này là do sự quản lý không tốt của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không cần lo lắng vì trước nay cơ quan an ninh chưa bao giờ yêu cầu đến mức như lo lắng, chỉ đặt vấn đề cung cấp thông tin khi cá nhân đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
* Các chuyên gia luật cho rằng không phải công an mà chỉ tòa án mới có thể đưa ra yêu cầu này, thưa ông?
- Toà án chỉ kết án khi có tội. Còn khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan thẩm định là cơ quan chức năng.
Trong Luật Tố tụng hình sự quy định rất rõ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng được quyền điều tra. Dấu hiệu vi phạm pháp luật đó cơ quan chức năng về an ninh mạng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phải thẩm định các tài liệu để xác định. Sau đó mới đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, internet cung cấp thông tin.
Không có chuyện cơ quan chức năng sẽ theo dõi giám sát tất cả các tài khoản trên mạng xã hội. Chúng ta chỉ đề nghị doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp thông số khi điều tra hành vi vi phạm pháp luật mà quy định rõ tại điều 26.
* Thế nhưng khái niệm dấu hiệu vi phạm thì rất mơ hồ?
- Hoàn toàn không mơ hồ bởi có các phạm vi điều cấm và được quy chiếu bởi 29 điều trong Luật Hình sự. Khi xây dựng luật, Uỷ ban quốc phòng an ninh đã rà soát rất kỹ. Nếu chúng ta phát hiện được dấu hiệu phạm tội thì dứt khoát phải xử lý, yêu cầu cung cấp thông tin để làm rõ, xác minh có đúng hay không. Làm rõ rồi chúng ta mới có thể xử lý về pháp luật.
Tiếp tục lắng nghe và điều chỉnh
* Những nội dung đăng trên mạng xã hội trong trường hợp nào được coi là nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xúc phạm lãnh tụ? Kêu gọi người dân biểu tình có được coi là điều cấm theo Luật An ninh mạng hay không?
- Có thể xem xét đây là tình huống nguy hiểm về an ninh mạng khi có hiện tượng kích động biểu tình, gây rối vào những ngày sắp tới.
Chúng ta phải giải quyết câu chuyện này để các thế lực xấu không lợi dụng đồng bào mình để đánh chính đồng bào mình, đánh phá tài sản của chính người dân bỏ ra mua sắm.
Còn khi xúc phạm vĩ nhân thì chúng ta phải có thẩm định của Bộ Văn hoá xem có đúng vi phạm hay không. Khi nào Bộ Văn hoá trả lời đúng là có xúc phạm thì mới được thực hiện.
Các nước siết môi trường mạng ghê gớm lắm. Chúng ta đang quá lỏng lẻo, quá tự do. Quyền riêng tư của chúng ta bị mất, bị chiếm đoạt, xiên xẹo.
* Mới đây ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có nói rằng Luật An ninh mạng để bảo vệ an ninh quốc gia là sự nhẫm lẫn đáng tiếc về khách thể của luật. Ông bình luận thế nào?
- Luật an ninh mạng đã nói rất rõ về phạm vi điều chỉnh, theo đó, an ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tôi tin rằng nếu đọc kỹ sẽ đồng thuận với tôi, với 86,86% ĐBQH bấm bút thông qua.
* Từ giờ đến khi chính thức có hiệu lực, ban soạn thảo có tiếp tục tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp?
- Chúng tôi luôn lắng nghe, điều chỉnh để có nội dung phù hợp nhất. Xin nhắc lại, không có luật nào ban soạn thảo chỉ có một cơ quan mà còn có rất nhiều bộ ngành, riêng với luật an ninh mạng còn có rất nhiều tập đoàn viễn thông tham gia.