"Của trời cho" ở Nam Sách

12/07/2019 08:05

Có ai ngờ cò vạc lại xuất hiện ở ngay cạnh một con phố đông đúc nhất của thị trấn Nam Sách.

Vườn chim ở thị trấn Nam Sách đa dạng về loài

Bởi đảo Cò ở Chi Lăng Nam (Thanh Miện) hay đảo Cò tại TP Hưng Yên, chúng thường sống trên đảo giữa hồ và phần nhiều là chim nước. Ở Nam Sách, chim chóc lại ở ngay trên cạn. Ở nước ngoài, nơi đâu có vườn chim thì trên đường đi bao giờ cũng có biển chỉ đường để khách yêu thích du lịch sinh thái tìm đến tham quan, trải nghiệm và chụp ảnh. Đây là "ước lệ" có tính chất quốc tế, thường gặp ở Thái Lan, Nhật Bản hay Australia.

Vườn chim thường ở các vùng quê xa đô thị, vì thế như tại Nam Sách là rất hiếm. Trong nước mới gặp ở tỉnh Đồng Tháp. Vườn chim tại Nam Sách chỉ chiếm một diện tích nhỏ chừng 200 m2, rất phù hợp với điều kiện đất không nhiều ở đô thị. Số lượng chim chóc ở đây khá đa dạng, gồm: vạc xám, cò trắng, cò ruồi, cò ngàng, cò bợ, cò lửa, chim chèo bẻo, chim khuyên, chim chào mào... Sau khi hình thành, chúng làm tổ ngay để đẻ trứng và nuôi con. Những tổ chim nằm ngay sát nhà dân nhưng không hề bị xua đuổi. Ngay gần nơi chúng làm tổ là vùng ruộng ngập nước, vùng ven đê giàu tôm, cá, ngóe, nhái, châu chấu, cào cào... vốn là thức ăn ưa thích của chúng.

Qua khảo sát, có thể thấy ở đây có 2 loài chủ yếu: vạc kiếm ăn đêm và cò kiếm ăn ngày. Khoa học coi chúng như sự "cộng sinh" về chỗ ở. Vạc trông coi chỗ ở về ban ngày, còn cò canh chỗ ở về ban đêm. Cứ sáng sớm và chiều tối, chúng bàn giao chỗ ở cho nhau. Chính mối quan hệ ấy làm nên sự vững bền của vườn chim. Vì thế, mới chỉ trên 5 năm tồn tại, vườn chim ở Nam Sách đã phát triển đa dạng về loài và phong phú về số lượng cá thể. Tuy vậy, ở đây có nhược điểm là cây trong vườn chỉ gồm loài cây sanh có ít cành, nhánh, nên khó cho chim làm tổ. Khi gặp gió bão, trứng chim dễ rơi xuống đất.

Qua nhiều đời, nhân dân ta đã tổng kết ra một chân lý "Đất thơm cò đậu". Ở Bắc Giang có một quả đồi có cò sống đông đúc. Gần đó có vài quả đồi tương tự, chủ đồi muốn lôi cuốn cò sang nhưng chúng chỉ ở quả đồi đã chọn, nhất định không chịu chuyển đi. Tại Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh), để có cò cho khách tham quan, nhà hàng phải làm cái nhà lưới và chỉ nuôi được vài con bằng cá tôm cho ăn hằng ngày. Ở vườn chim Nam Sách, có hàng trăm cá thể của nhiều loài, tự động đến cư trú, không phải nuôi nấng gì thì đúng là "của trời cho". 

Để giữ vườn chim lâu dài, người dân nơi đây cần coi chúng như một món quà của thiên nhiên, không nên săn bắt làm thực phẩm, kể cả trứng của chúng, càng không được chặt cây cối nơi chúng làm tổ hoặc các hình thức xua đuổi khác. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần quan tâm tạo cho chúng một khuôn viên rộng rãi hơn, trồng thêm tre lồng ngộc và tre gai để có nhiều chà chạnh cho chúng dễ làm tổ. Cùng với đó, có thể khai thác "của trời cho" này cho du lịch sinh thái và trải nghiệm.

NGUYỄN VĂN KHANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Của trời cho" ở Nam Sách