Cua hoàng đế tím siêu hiếm xuất hiện sau gần 8 năm tại Nha Trang

11/11/2021 14:30

Những ngày qua, nhiều du khách đến Bảo tàng Hải dương học ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) thích thú khi thấy con cua hoàng đế (King Crab) màu tím siêu hiếm được trưng bày tại đây.

Nhiều du khách thích thú trước con cua hoàng đế màu tím siêu hiếm

Ông Trương Sĩ Hải Trình, Trưởng phòng truyền thông và giáo dục môi trường, Bảo tàng Hải dương học cho biết con cua hoàng đế tím này được bảo tàng tiếp nhận vào ngày 2.11 từ siêu thị hải sản Hoàng Gia ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) để nghiên cứu và trưng bày.

Trước đó con cua này được chuỗi siêu thị này nhập khẩu từ Na Uy.

Con cua nặng khoảng 2,8kg, có màu tím, hiện đang sinh trưởng tốt trong bể ở điều kiện nhiệt độ 5 độ C và được cho ăn rong biển, các loại cá nhỏ. Việc chăm sóc cua hoàng đế tím được theo dõi và ghi chép hằng ngày.

Theo ông Trình, vì cua có màu sắc rất hiếm, các chuyên gia tại Viện Hải dương học đang nghiên cứu trường hợp này. 

Thông thường cua hoàng đế có màu đỏ sẫm và đỏ tía hoặc nâu và nâu nhạt, nặng từ 2-4kg. Màu tím rất hiếm gặp, do đó ban đầu chỉ có thể nhận định con cua hoàng đế này có màu tím là do đột biến, tương tự như con cua hoàng đế tím được tìm thấy ở Alaska, Mỹ năm 2014. 

"Như vậy, chúng ta đã phải chờ đến gần 8 năm để một lần nữa chiêm ngưỡng một con cua hoàng đế tím, trong số dưới 5 lần mà trước giờ trên thế giới từng ghi nhận được", ông Trình nói.

Viện Hải dương học tiếp nhận cua hoàng đế tím vào ngày 2.11

Vì xuất xứ từ vùng biển lạnh, cua hoàng đế tím được nuôi trong môi trường nước 5 độ

Ông Đào Tấn Học, Chuyên gia giáp xác của Viện Hải dương học cho biết cua hoàng đế màu tím là hiện tượng rất hiếm gặp. Hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có tài liệu nghiên cứu về loại cua này vì chúng xuất xứ từ những vùng biển lạnh, không sinh trưởng trong môi trường biển tự nhiên ở Việt Nam.

Theo ông Học, cua hoàng đế là tên gọi chung của các loài thuộc giống Paralithodes. Đa số cua hoàng đế bắt gặp trên thị trường là cua hoàng đế đỏ (Red King Crab Paralithodes camtschaticus) có nguồn gốc ở khu vực phía bắc Thái Bình Dương và vùng biển Alaska.

Ngoài ra, trong khu vực phân bố này còn có loài cua hoàng đế xanh (Blue King Crab Paralithodes platypus) với sắc tố màu xanh - tím nổi bật. Không giống như cua hoàng đế đỏ sinh sản đều đặn hằng năm, cua hoàng đế xanh ít phổ biến hơn, vì chỉ sinh sản vài năm một lần.

"Việc xác định con cua này chính xác là loài nào vẫn chưa được thực hiện. Do vậy, rất khó để xác định nguyên nhân có màu tím trên cá thể cua này là điều bình thường hay bất thường", ông Học nói.

Hiện tại cua sinh trưởng khá tốt, chủ yếu ăn rong tảo, cá nhỏ

Cận cảnh chú cua hoàng đế tím cả thế giới chỉ ghi nhận dưới 5 trường hợp

Ngoài việc đến chiêm ngưỡng chú King Crab tím, du khách còn có cơ hội thăm thú các loài sinh vật biển khác tại Viện Hải dương học

Quan sát chú King Crab tím trong bể, chị Lê Thị Hòa cùng con trai không khỏi thích thú: "Tranh thủ ngày nghỉ phép, tôi đưa con đến đây vui chơi, tham quan. Lần đầu tiên hai mẹ con nhìn thấy một con cua hoàng đế thật chứ không phải qua phim ảnh, con cua này lại có màu tím rất lạ mắt. Tôi mong rằng bảo tàng sẽ có biện pháp nuôi dưỡng hay nhân giống loại cua này và công bố thêm nhiều loài sinh vật biển mới, để du khách có cơ hội được chiêm ngưỡng các loài vật lạ của đại dương".

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cua hoàng đế tím siêu hiếm xuất hiện sau gần 8 năm tại Nha Trang