Hàng hóa phong phú cùng với sự phục vụ chu đáo, thuận tiện đã giúp các cửa hàng tiện ích sống khỏe ở nông thôn.
Hàng hóa ở các cửa hàng tiện ích được bày biện ngăn nắp, hợp lý
Thay đổi thói quen mua sắm
Hai năm gần đây, bà Nguyễn Thị Thái ở thôn Đôn Thư, xã Đồng Quang (Gia Lộc) đã trở thành khách hàng “vip” của cửa hàng tiện ích Chuyển Tân trong thôn. Bà Thái cho biết: "Mua sắm ở cửa hàng tiện ích văn minh, lịch sự không kém siêu thị. Khách hàng tự chọn đồ, thanh toán có hóa đơn đàng hoàng. Hàng hóa phong phú, đa dạng nhưng được bày biện hợp lý nên dễ tìm hơn so với các cửa hàng tạp hóa".
Nhiều cửa hàng tạp hóa ở nông thôn thời gian gần đây đã chuyển dần sang mô hình cửa hàng tiện ích để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân mặc dù vốn đầu tư khá lớn. Theo chị Phạm Thị Thu, chủ cửa hàng tiện ích ở phố Thông, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện), mở một cửa hàng tiện ích phải mất từ 300-400 triệu đồng để lắp đặt các kệ hàng như ở các siêu thị và bỏ vốn lấy hàng. Ngoài ra, còn phải có hệ thống quản lý sản phẩm và thanh toán hiện đại. Toàn bộ các mã hàng đều được nhập vào máy tính và quản lý, thanh toán bằng phần mềm. Hàng hóa đều được niêm yết giá và kiểm soát chặt chẽ về hạn dùng... Khách hàng giữ hóa đơn nên có thể kiểm tra giá bán từng sản phẩm một cách dễ dàng. Một số cửa hàng còn lắp thêm camera để kiểm soát quá trình khách hàng mua sắm.
Mô hình hoạt động của các cửa hàng tiện ích gần giống với một siêu thị mini, khá phù hợp khi phát triển ở các vùng nông thôn. Vì vậy, đây là mảnh đất màu mỡ được nhiều doanh nghiệp nhắm đến. Chị Vũ Thị Hiền, quản lý chuỗi cửa hàng Vinmart+ của Tập đoàn Vingroup tại Hải Dương nhận xét: "Ở nông thôn, các cửa hàng dạng này không phải cạnh tranh gay gắt với các siêu thị lớn như ở thành phố. Người dân nông thôn ngày càng có yêu cầu cao trong mua sắm. Vì vậy, Tập đoàn Vingroup đang xây dựng chương trình phát triển chuỗi cửa hàng Vinmart+ về các vùng nông thôn của tỉnh".
Theo Sở Công thương, 3 năm trở lại đây số lượng các cửa hàng tiện ích ở nông thôn phát triển theo cấp số nhân mỗi năm, là xu hướng tất yếu trong tiêu dùng. Mô hình mua sắm văn minh, hiện đại này nên được nhân rộng.
Kênh phát triển hàng Việt
Khi phân phối sản phẩm về nông thôn, nhãn hàng bánh kẹo Kinh Đô đã nhắm đến các cửa hàng tiện ích ở khu vực này. Anh Phạm Vũ Thắng, nhân viên kinh doanh của Kinh Đô miền Bắc cho biết hơn 70% dân số ở nông thôn là thị trường đầy tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp nội muốn hướng tới. Khi mới đưa sản phẩm về thị trường nông thôn, doanh nghiệp rất lo ngại sẽ khó cạnh tranh với hàng hóa gia công giá rẻ. Song sau 2 năm tiếp cận, doanh nghiệp khá bất ngờ vì doanh thu tăng ngoài sức tưởng tượng. Các cửa hàng tiện ích là điểm bán và giới thiệu các sản phẩm mới của doanh nghiệp khá hiệu quả.
Theo các doanh nghiệp phân phối hàng Việt, đưa hàng vào các cửa hàng tiện ích ở nông thôn dễ hơn nhiều so với các siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố do không phải chiết khấu cao. Ở các cửa hàng tiện ích, hàng Việt có khả năng thu hút người mua tốt hơn do gần gũi với người dân và họ có thể dễ dàng đọc nhãn mác sản phẩm. Nhiều cửa hàng tiện ích còn thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng Việt. Chị Hoàng Thị Thu, chủ cửa hàng tiện ích ở thôn Vạn Tải, xã Hồng Phong (Nam Sách) cho biết: “Hàng Việt hiện chiếm từ 60-70% số mặt hàng chúng tôi bán. Chúng tôi quan tâm chọn hàng Việt có thương hiệu để bán. Đầu tư bài bản nên tôi thấy cần phải bán sản phẩm chất lượng để khẳng định uy tín”.
Những ưu điểm của cửa hàng tiện ích ở các vùng nông thôn dễ nhận thấy song nếu để phát triển ồ ạt sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hàng hóa khó kiểm soát, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, Sở Công thương đã có quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, phân vùng phát triển cụ thể cho hệ thống bán lẻ, trong đó có chuỗi các cửa hàng tiện ích. Các cửa hàng tiện ích cần phát triển theo quy hoạch để góp phần xây dựng môi trường kinh doanh hiện đại, lành mạnh cho các vùng nông thôn trong tỉnh.
LAN ANH