Từ buổi chồng vào trại, vốn của độc trong nhà cạn kiệt, hai đứa con của A Sao vật vã ngày mấy lần lên cơn.
Ngày đầu, cái ngày bắt đầu của chuyện. Chiếc xe ô tô mang biển nhiều số lùi vào sân nhà A Sao. Cả dãy số dài trên biển xe mà A Sao chỉ nhớ mấy số đầu là 34A... Cái sân hơi xoải về phía đường theo độ dốc của vạt đồi. Vì vậy, những lần đi về, bố A Sao không quên te tái làm cái việc bê khúc gỗ ra chèn bánh. Cứ như là lúc nào cũng sợ chiếc xe bỏ chạy. Rồi cái tên anh Sơn lái xe đã trở thành quen thuộc trong nhà.
Nhà A Sao ở vừa đúng một độ ngày đường ô tô chạy từ dưới xuôi lên. Bố A Sao là người cao vía ở vùng. Không cần lớn tiếng mà dân ở đây phải sợ, nên chẳng quấy rầy xe cộ. Nhưng đặc biệt quyến rũ Sơn, phải nói chính là A Sao. Cô sinh ra và lớn lên bên dòng Nậm Khoọc. Hằng ngày tắm gội nước suối mát trong nên da dẻ mịn màng. Giọng nói tiếng Kinh lơ lớ. A Sao ngây thơ và thật thà, có lúc như vô tâm. Ngay khi mới quen, Sơn đã tặng cô một bộ quần áo lót mua từ dưới xuôi lên. Cô còn nhờ anh ta cài cúc và ngắm hộ. Thế rồi, mới chỉ vài lần xe lên xuống, A Sao đã phải lẩn vào rừng ăn quả bứa chua. Mỗi lần ra suối tắm lại thấy thân thể mình như giãn nở ra. Vì mẹ mất sớm nên A Sao không có người để giãi bày tâm tư. Một hôm có cả anh Sơn, cô ấp úng định nói với bố. Nhưng ông đã nói trước:
- Tôi biết! Chuyện đó là tốt thôi! Người dân tộc thiểu số ta phải có con với nhau rồi mới được cưới gả. Từ đầu tôi đã có linh tính anh là con rể của nhà rồi. Tôi chỉ mong A Sao đẻ cho tôi đứa cháu như anh là được!
*
Vào một buổi chiều khi mặt trời đã tụt xuống dãy núi phía tây, ngả bóng đỉnh Khau Phạ xuống sân, chỗ Sơn thường đỗ xe, A Sao nhìn bóng nắng trên sân, lòng khắc khoải, sao giờ này vẫn chưa thấy xe Sơn đi từ biên giới về. A Sao đứng ngồi không yên. Đã mấy lần Sơn về muộn và lần nào cũng có chuyện. Những lần trước có thể qua, nhưng làm sao cơ quan kiểm soát người ta cho qua mãi được. Còn lần này, chắc là có chuyện chẳng lành! Ông thấy con gái lo âu, đành trấn an:
- Con cứ yên tâm, ăn ở với nó, con phải biết tính nó chứ. Nó không nạt người ta thì thôi, chứ ai nạt được nó!
Ông bố A Sao chưa dứt lời thì đã thấy Sơn lếch thếch đi bộ về. Ông vội nói:
- Anh tài này thiêng thật, cả nhà đang nhắc!
Mặt A Sao méo xệch, như biết có chuyện chẳng lành:
- Có chuyện gì lại xảy ra? Mất xe rồi à?
- Xe ở trạm!
- Sao lại ở trạm? - ông bố chen vào.
- Bố xem lại nhà mình xem, hình như có người đã theo dõi những lần mình giao hàng?
- Nào có ai thóc mách. Ngày xưa cả bản trồng thuốc phiện, khi có chủ trương bỏ cây thuốc phiện, hầu hết họ ở lại trồng cà phê, quế. Chỉ có vài ba nhà theo nhà mình về đây ở. Chả lẽ cùng cảnh làm ăn lại hại nhau à? Thôi, giải quyết nhanh vụ này, ta lại tính con ạ!
- Vâng! Bây giờ ta phải gỡ vụ này đã bố ạ! - Sơn nhìn vào A Sao, cầu khẩn - Có lẽ em phải đi gỡ đợt này mới được.
- Em đi gỡ hộ anh? - A Sao tròn mắt - Em sợ...
- Lại để con Sao đi à? - ông bố hỏi.
- Vâng! Bố lại sợ con gái bố...
- Không phải là bố sợ! Mà bọn này cứ phải tiền...
- Nhưng con đã chi quá nhiều rồi ạ!
- Vâng! Anh phải chi tiếp đi. Không dùng em được nữa đâu. Mà cũng nên chấm dứt thôi bố ạ! Trong nhà cứ chứa mãi cái của độc này, con sợ lắm...
*
Thời gian qua đi nhanh quá, chưa đầy năm năm mà A Sao đã cho ra đời ba thằng con trai. Có người bảo dáng A Sao mắn đẻ. Còn A Sao, cô chấp nhận lúc nào cũng ôm cái bụng chửa và hai bầu vú sữa để ít phải lao vào những phi vụ làm ăn của bố và chồng. Nhưng rồi, nào đâu có suôn sẻ, khách đi đường qua lại, có người bắn tin: "Cái ông tài xế chồng A Sao, hình như đã có vợ già ở quê. Tay này thế mà ghê, dọc đường có chỗ dừng chân, về quê có chỗ ngả lưng, lái xe gì mà lắm tiền, nhiều vợ". Luồng gió lạ đã thổi đúng vào căn nhà có nhiều khe hở. A Sao vốn hiền lành, mặc dù có bị chồng ép đi vài việc nhưng vẫn giữ được cái nết, nay bỗng dưng nổi đùng như căn nhà tốc mái. A Sao dọa chồng là lên rừng ăn lá ngón tự tử. Ông bố A Sao thâm thúy hơn:
- Anh Sơn à! Anh xem ở cái khu này, những tay máu mặt đều có vợ nọ, con kia. Mỗi tôi là xoàng, vợ chết ở vậy nuôi con!
- Cái đó thì con phục bố rồi!
- Anh phục tôi ư? Thế thì mấy ông cứ lắm vợ nhiều con là anh không phục à?
Ông nói tiếp:
- Bố nói thế này nhé! Thực tình sau khi mẹ A Sao chết, bố cũng có ý định tìm chỗ nào đó để nương tựa. Nhưng cùng lúc cả bản từ bỏ cây thuốc phiện, bố phải xuống núi bám đường. Bố không trồng thì bố đi theo áp tải nó. May mà gặp anh, mải mê làm với anh, vui với con cháu, tôi quên bẵng đi. Bây giờ nghĩ lại thì đã già rồi. Tính thế nào thì tính, chứ trong nhà không có cái của ấy thì tôi không sống được.
- Thưa bố, cái của ấy dù bố có chuyển đi chỗ nào, rồi chỉ cần có vốn cũng làm được ạ. Bây giờ nhiều loại thuốc trắng còn chạy hơn thuốc phiện ngày xưa ạ!
- Nhưng mà ngày xưa trồng ra được thì là một nhẽ. Bây giờ không buôn bán mà cứ xài thì lấy tiền đâu cho đủ. Bữa trước theo mấy lão đi săn, quên không đem theo, toàn thân bủn rủn chẳng bước nổi cái chân, nâng cái báng súng nữa thì còn săn với bắn gì?!
- Thưa bố, nhân đây con cũng nói thật tình. Mấy năm vừa rồi được bố hỗ trợ, chạy có chuyến xuôi, chuyến tắc, con cũng đã tiết kiệm được một khoản. Nhân chuyến trước con về thị xã dưới quê, có mua được một khu đất đẹp, con định xây nhà, chuyển bố và A Sao về đó trông nom ạ!
- Ra thế, chí lớn đấy. Nhưng mà anh không nhớ tôi đã nói à. Tôi không thể xa cái vùng này được, nếu phải bỏ nó đi thì tôi sao mà sống được. Anh có đưa vợ con anh về thì đưa. Về quê cha đất tổ nhà anh là được. Tôi không đi, với lại đi thì cắt đường làm ăn của anh à?
- Thế thì con mua cho bố một căn hộ ở ngã ba dốc Vai Ngựa, để chúng con tiện đường đi lại.
- Tốt, thế thì cũng được, nhưng mà anh phải thường xuyên đi lại với tôi!
- Vâng ạ! Con cũng nghĩ, phải có chỗ đi lại làm ăn!
*
Ngôi nhà ba tầng, nằm ở ngã ba lối đi thành phố Cảng và rẽ vào thị xã. Ngay từ khi thuê mướn nhân công, mọi người qua lại đã bàn tán xôn xao, tò mò hỏi chủ ở đâu. Đến khi chuyển về mới vỡ lẽ chủ của ngôi nhà là anh lái xe chuyên chạy đường dài. Thôi thì chuyến lim, chuyến lát, lâm sản quý hiếm và cả cơm đen, bột trắng, cũng chẳng từ. Buổi ra mắt chủ căn nhà, mọi người trong khu dân cư mới rõ thêm cả cô vợ người Thái trắng nõn nà và mấy đứa con trai lớn lộc ngộc như sinh ra chỉ biết ăn chơi chứ chưa biết làm việc gì. A Sao lấy chồng sớm, lại đẻ liền ba năm ba đứa, rồi không đẻ nữa, lại ở trong gia đình buôn bán của hiếm, hái ra tiền nên đời sống sung túc chẳng thiếu gì. Thế nên ngoài bốn chục tuổi mà cứ trẻ đẹp, mỡ màng vô tư như không phải lo gì. Ba thằng con cũng sống trong cảnh no đủ nên chúng cao lớn, sàn sàn nhau. Người lạ đến nhà, khó phân biệt ngôi thứ.
Mọi người qua lại, ghé thăm ai cũng bàn tán, khó lý giải về cái gia đình giàu có này. Có người lầm tưởng người chồng là một Việt kiều về nước, kéo theo cô vợ và ba con. Để thể diện xứng tầm với ngôi nhà, anh bán xe tải và mua xe con. Không ngờ từ khi mua xe con chạy đường dài, anh ta càng dễ lọt. Mạo giấy tờ, luồn qua các trạm để tránh sự kiểm soát. Ba đứa con lớn trước tuổi, ngày về xuôi đã xin vào trường học. Nhưng ít ngày sau chúng bỏ học. Vì ở trên mạn ngược, chúng nó học hành chẳng ra sao, về xuôi không theo được, lại phải cái cao lớn bằng thầy dạy. Thế là chúng rộng đường ăn chơi. Một thời gian sau người ta thấy mấy thằng con nhà ấy xanh xao, da nhợt nhạt. Có người bảo, chắc chúng về đây uống nước lạ nên bị ngã nước. Chỉ có A Sao biết rõ chứng bệnh của con, nhưng bất lực, phải nén chặt trong lòng không nói cùng ai được.
Thế rồi "năng đi đêm cũng có ngày gặp ma", chồng A Sao đã bị bắt trong một chuyến hàng cùng cả cánh làm ăn với nhau. Cả đường dây buôn bán của độc với chồng A Sao đều bị lôi ra ánh sáng. Thế mà ông bố A Sao lại không liên can! Vì sau khi chuyển về ngã ba đường dốc Vai Ngựa, ông đã vớ được người đàn bà về làm vợ. Người đàn bà này sống sót trong cảnh chồng và con vừa bị chết vì nghiện hút. Bà bỏ làng ra đi để tránh cái nợ và cái nhục với làng. Không hiểu trời phạt thế nào mà lại đẩy bà vào nhà một người đã chuyển từ trồng của độc sang buôn bán của độc. Vốn đã lâu không được người đàn bà chăm sóc, nay ông như được hoàn sinh. Còn người đàn bà này cho đây là cửa tử cuối cùng, vì "tránh vỏ dưa lại giẫm phải vỏ dừa". Nhưng chỉ ít lâu sau, ăn ở với nhau, nào ngờ cái quả đắng của đời bà lại đẩy lùi cái của độc của ông. Ông đã không dính líu đến các vụ buôn bán mà lại cai trừ cả thói quen dùng của độc. Ông chỉ xin để dành một vài mồi làm kỷ niệm mà bà cũng không đồng ý. Bà bảo: "Đã là của độc thì không nên để trong nhà làm gì!".
Từ buổi chồng vào trại, vốn của độc trong nhà cạn kiệt, hai đứa con của A Sao vật vã ngày mấy lần lên cơn. Cũng còn may là thằng út gửi về ông bà nội dưới quê, cho cách ly với của độc nên đã thoát. A Sao không còn khả năng để chống đỡ với cảnh vật vã của hai đứa con mà mình rút ruột đẻ ra, ngày đêm năm lần bảy lượt lên cơn nghiện. Đành phải báo với tổ chức nhân đạo xã hội, rồi họ đã đến đưa chúng vào trại cai nghiện.
Một buổi chiều mưa, rét đi thăm chồng ở trại cải tạo về, A Sao mệt mỏi rã rời khi bước vào nhà. Vật vã trong đêm khuya, rồi A Sao thấy bụng đau quằn quại. Lúc này A Sao mới thấy áo mình vẫn còn bị ướt nước mưa. Thế là cảm lạnh rồi. Ngày xưa mỗi lần đi rừng về, bị mưa ướt do lạnh, bố thường cho một mồi nhỏ là ruột lại nóng lên, ấm dần, khỏi lạnh. A Sao lết vào phía chiếc tủ nhỏ đầu giường, tìm lại cái gói mà mình đã cố ý để dành phòng thân. Đây rồi! Của để dành đây rồi! A Sao không kịp nhìn nhiều, hay ít, mà đưa luôn vào miệng nuốt nhanh đến nỗi quên cả uống nước. Lúc sau, A Sao thấy ấm dần. Của độc hiệu nghiệm thật! Rồi nóng dần, nóng ran, buồn bực... Thế là A Sao thiếp đi...
Trời sáng. Cũng nhờ có cái cổng tối qua A Sao về không kịp đóng mà người cùng phố thấy khác với thường ngày, nên đã đẩy cửa vào nhà. Mọi người xúm đông lại đưa A Sao đến bệnh viện. Nhưng các bác sĩ bất lực, chỉ còn việc cuối cùng là mổ khám nghiệm tử thi. Kết luận rất nhanh: Do nạn nhân dùng thuốc phiện với liều lượng quá cao, dạ dày bị phá hủy, ảnh hưởng tới tim gan, nội tạng.
Ông bố A Sao ở cách hai trăm cây số, từ ngã ba dốc Vai Ngựa cũng lật đật mò về. Thật thảm thương! Vốn lì lợm như ông mà trước cảnh này cũng phải rơi nước mắt:
- Con ơi! Ngày xưa, cả bản mình trồng cây thuốc phiện và bảo là nhựa của nó chữa bách bệnh. Sau khi sinh con, mẹ bị cảm lạnh, mẹ đã uống quá liều mà chết, để lại một mình bố, gà trống nuôi con. Nay con lại chết vì cái của độc ấy. Con ơi, người đời ơi! Của độc! Đã là của độc, đừng bao giờ để của độc trong nhà!.
Truyện ngắn của NGUYỄN THANH CẢI