Ông Trump dự kiến bỏ phiếu ở Florida, còn bà Harris theo dõi kết quả tại Đại học Howard ở Washington D.C trong ngày bầu cử.
Cảnh sát hiện diện đông đảo tại điểm bầu cử 5604, thành phố Palm Beach, bang Florida, nơi ông Trump dự kiến tới bỏ phiếu. Ít nhất 15 người, gồm cảnh sát địa phương và mật vụ, đã xuất hiện để đảm bảo an ninh cho cựu tổng thống.
Dòng người đi bỏ phiếu liên tục, ổn định trong suốt những giờ đầu các điểm bầu cử ở Florida mở cửa lúc 7 giờ (19 giờ giờ Hà Nội). Văn phòng giám sát bầu cử hạt Orange, nơi có thành phố Orlando, cho biết hơn 4.700 người đã bỏ phiếu trong 20 phút đầu tiên sau khi điểm bỏ phiếu mở cửa.
Tuy nhiên, theo phân tích dữ liệu do Phòng Thí nghiệm Bầu cử Đại học Florida thực hiện, phần lớn cử tri của bang đã bỏ phiếu sớm.
Các doanh nghiệp gần Nhà Trắng đang dùng ván gỗ bịt kín cửa sổ và dựng hàng rào tạm, đề phòng các vụ bạo lực do lo ngại tình trạng bất ổn liên quan bầu cử xảy ra hôm nay cũng như những ngày sắp tới.
Muriel Bowser, thị trưởng Washington, cho biết sở cảnh sát thành phố cũng đang tăng cường hiện diện tại các khu thương mại để đề phòng bạo lực. Washington từng chứng kiến vụ bạo loạn Đồi Capitol năm 2021, khi ông Trump từ chối nhận thua trong bầu cử.
Các tổng chưởng lý từ 47 bang và ba vùng lãnh thổ của Mỹ ngày 5/11 ra tuyên bố kêu gọi người dân giữ thái độ ôn hòa và chủ động "lên án mọi hành vi bạo lực liên quan đến kết quả bầu cử". Tổng chưởng lý các bang Indiana, Montana và Texas không ký vào tuyên bố này.
"Chúng tôi kêu gọi mọi người dân Mỹ hãy bỏ phiếu, tham gia vào các cuộc thảo luận dân sự và trên hết là tôn trọng tính toàn vẹn của tiến trình dân chủ", họ viết. "Bạo lực không có chỗ trong tiến trình dân chủ. Chúng tôi sẽ sử dụng thẩm quyền của mình để thực thi luật pháp chống lại bất kỳ hành vi bất hợp pháp nào đe dọa đến nó".
Nỗi lo sợ về bạo lực bầu cử vẫn hiện hữu gần 4 năm sau khi những người ủng hộ cựu tổng thống Trump gây ra cuộc bạo loạn tại Đồi Capitol nhằm ngăn chặn việc chứng nhận chiến thắng cho Tổng thống Biden. Thay vì lên án bạo lực trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump đã ca ngợi những kẻ bạo loạn, cam kết sẽ ân xá cho họ.
Phó tổng thống Harris sẽ theo dõi kết quả bầu cử trong đêm 5/11 từ Đại học Howard ở thủ đô Washington D.C. Đây cũng là nơi bà đã theo học và tốt nghiệp vào năm 1986.
Trong khi đó cựu tổng thống Trump sẽ bỏ phiếu trực tiếp tại một điểm bầu cử ở bang Florida. Chiến dịch tranh cử của ông sẽ tổ chức tiệc mừng bầu cử tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach ở West Palm Beach, bang Florida trong đêm 5/11.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden sẽ theo dõi kết quả bầu cử từ Nhà Trắng, cùng với các trợ lý lâu năm và nhân viên cấp cao khác.
Ông Biden, người không có sự kiện công khai nào trong lịch trình vào thời điểm bầu cử, dự kiến sẽ nhận được thông tin cập nhật thường xuyên từ cả nước.
Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Những hạt này bao gồm Macomb (Michigan), nơi ông Trump giành 53,4% phiếu bầu năm 2020 và trước đó đã phá vỡ "Bức tường Xanh" của Đảng Dân chủ trong năm 2016.
Chester, hạt có trình độ dân trí cao thuộc bang Pennsylvania, cũng đáng chú ý với những người ủng hộ Dân chủ. Năm 2020, bang này ủng hộ ông Joe Biden.
Ngoài ra còn có Fulton ở Georgia - nơi sẽ cho thấy người da đen sẽ bầu cho ai, Yuma của Arizona, Wayne thuộc Michigan sẽ phản ánh quan điểm của người Mỹ gốc Ả Rập, Montgomery ở Pennsylvania có thể đại diện cho cộng đồng Do Thái và Dane thuộc Wisconsin cho nhóm cử tri trẻ.
Nữ phóng viên Angela Ganote, một trong những người đưa tin trực tiếp từ các điểm bỏ phiếu tại bang Indiana, cho biết vừa xảy ra một lỗi kỹ thuật ảnh hưởng toàn bộ các điểm bỏ phiếu ở hạt Hamilton.
"Một nhân viên bỏ phiếu ra thông báo với chúng tôi rằng họ đang gặp sự cố kỹ thuật với máy tính bảng của mình. Cuộc bỏ phiếu đã 'mở' nhưng vấn đề kỹ thuật đang khiến người dân chậm trễ trong việc bỏ phiếu", chị Angela Ganote viết trên mạng xã hội X.
Sự cố được khắc phục ngay sau đó nhưng vẫn khiến cử tri bỏ phiếu chậm hơn 17 phút. Indiana có 11 phiếu đại cử tri, là bang ủng hộ Đảng Cộng hòa.
Cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy cho biết chiến dịch của ông Trump đã thu hút sự chú ý lớn hơn từ các nhóm cử tri trước đây thường bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, bao gồm người da màu, người gốc Latin và Gen Z.
Theo ông, Gen Z muốn Mỹ tránh xa những cuộc xung đột ở nước ngoài cũng như nguy cơ nổ ra Thế chiến III. Họ mong muốn phát triển kinh tế và giảm chi phí nhà ở, những vấn đề Ramaswamy cho là quan trọng nhất đối với thanh niên Mỹ.
"Nếu Mỹ tham gia một cuộc chiến ở nước ngoài thì gánh nặng sẽ đổ lên vai Gen Z. Cùng với đó, các loại chi phí sẽ tăng lên. Những gì chúng ta đã thấy vài năm qua là giá cả leo thang còn lương không bắt kịp. Đây là thực tế khó khăn", ông nói.
Khi được hỏi liệu ông Trump có nên thừa nhận thất bại nếu thua cuộc hay không, Ramaswamy trả lời "thắng là thắng, thua phải nhận", song cho rằng bà Harris và đảng Dân chủ đã "phá hoại" cuộc bầu cử năm 2020.
"Nếu những người chúng tôi nghĩ rằng sẽ bầu cho tổng thống Trump mà đi bỏ phiếu thì ông chắc chắn thắng. Vì vậy, điều quan trọng bây giờ là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu. Chiến thắng ở rất gần rồi", một cố vấn cấp cao của ông Trump cho hay. "Tỷ lệ cử tri đi bầu thực sự là là điều duy nhất chúng tôi tập trung vào lúc này".
Các cố vấn đều tin rằng đây là kỳ bầu cử ông Trump thể hiện tốt nhất từ trước đến nay, nhất là khi so sánh với các cuộc khảo sát so năm 2016 và 2020. Tuy nhiên, một vấn đề khiến họ lo lắng khi xem xét dữ liệu khảo sát là năm nay có ít "cử tri thầm lặng" ủng hộ ông Trump hơn so với hai kỳ bầu cử trước.
"Cử tri thầm lặng" là những người ủng hộ một ứng viên nhưng không muốn nói ra cho người khác biết, kể cả các nhà khảo sát hay thậm chí là người thân trong gia đình. Đây được coi là yếu tố bất ngờ có thể làm thay đổi cục diện bầu cử, trái với dự đoán của các đơn vị khảo sát.
Quan chức bầu cử trên khắp nước Mỹ, đặc biệt ở các bang chiến trường, cam kết bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử và kêu gọi cử tri không nên để thuyết âm mưu đánh lừa.
"Tại Georgia, bỏ phiếu thì dễ chứ gian lận rất khó. Hệ thống bầu cử của chúng tôi an toàn và người dân đã sẵn sàng đi bầu cử", Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger cho biết.
Ông Trump luôn nói rằng cuộc bầu cử năm 2020 "bị đánh cắp", khi ông Trump thất bại trước ông Biden.
Trước thềm cuộc bầu cử, cả hai ứng viên đều có các cuộc mít tinh tại các bang chiến trường kéo dài đến đêm.
Nhóm của nhà phân tích bầu cử Nate Silver đã chạy mô hình phỏng đoán kết quả bầu cử lần cuối cùng vào lúc 0 giờ ngày 5/11. Trong số 80.000 lần mô phỏng, ứng viên Harris giành chiến thắng 40.012 lần, tương đương tỷ lệ 50,015%, và không thắng 39.988 lần, tức tỷ lệ 49,985%. Trong số này, ông Trump thắng 39.718 lần. 270 trường hợp còn lại là kịch bản hai ứng viên hòa phiếu đại cử tri, mỗi người giành được 269 phiếu.
Nếu trường hợp hòa xảy ra, Hạ viện sẽ quyết định người thắng cuộc bằng cách tổ chức bầu cử theo đoàn nghị sĩ. Mỗi đoàn nghị sĩ đại diện cho một bang sẽ có một phiếu, ứng viên giành được 26 phiếu trở lên trong tổng số 50 phiếu sẽ đắc cử tổng thống.
Một số bang chiến trường đón đợt không khí lạnh mạnh trong ngày bầu cử, dẫn đến những cơn mưa lớn. Lượng mưa lớn nhất được ghi nhận từ phía đông Texas đến ranh giới hai bang Missouri và Illinois.
Những cơn mưa dông nghiêm trọng di chuyển chậm cũng khiến giới chức phát cảnh báo lũ quét nguy hiểm ở các khu vực nói trên. Cử tri đi bỏ phiếu vào sáng sớm có thể gặp mưa.
Khối không khí lạnh sẽ tiếp tục di chuyển về phía đông, gây mưa rào ở Minnesota và các bang chiến trường Wisconsin, Michigan rồi tới Louisiana. Trong các kỳ bầu cử trước, mưa gió khiến lượng cử tri đi bỏ phiếu giảm nhẹ.
Wisconsin là nơi thời tiết xấu nhất trong 7 bang chiến trường.
Từ 6 giờ (17 giờ giờ Hà Nội): Connecticut, Indiana, Kentucky, Maine, New Hampshire, New Jersey, New York, Virginia.
Từ 6 giờ 30: Ohio, Bắc Carolina, Tây Virginia, Vermont.
Từ 7 giờ: Alabama, Delaware, thủ đô Washington, Florida, Georgia, Illinois, Kansas, Maryland, Massachusetts, Michigan, Missouri Pennsylvania, Rhode Island, Nam Carolina, Tennessee.
Từ 8 giờ: Arizona, Iowa, Louisiana, Minnesota, Nam Dakota, Bắc Dakota, Oklahoma, Texas, Wisconsin.
Vào lúc 0 giờ 13 (giờ Mỹ), kết quả kiểm phiếu tại Dixville Notch cho thấy số phiếu bầu chia đều cho hai ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris và đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump, mỗi người nhận được 3 phiếu.
Cả bà Harris và ông Trump đều nhắm đến các cử tri thuộc Thế hệ Z hay còn gọi Gen Z (những người sinh ra trong giai đoạn 1997-2012), khi nhiều người trong số họ sẽ bỏ phiếu lần đầu tiên vào ngày 5/11.
Tạp chí Columbia của Đại học Columbia ước tính Z chiếm hơn 40 triệu cử tri, bao gồm 8 triệu cử tri mới.
Nói trên Đài CNN, anh Kohn-Murphy cho biết nhiều người trẻ biết đến các ứng cử viên và chiến dịch tranh cử của họ thông qua TikTok. Các vấn đề chính mà cử tri trẻ quan tâm là "khí hậu, công lý sinh sản, bạo lực súng đạn...".
Chiến dịch của bà Harris tổ chức sự kiện theo dõi kết quả bầu cử đêm 5/11 tại khuôn viên Đại học Howard, thủ đô Wahsington, nơi bà từng theo học. Phó tổng thống Mỹ sẽ cùng các quan chức và người ủng hộ phe Dân chủ theo dõi kết quả bầu cử tại đây.
Đảng Cộng hòa trong khi đó chọn địa điểm tổ chức đêm theo dõi kết quả bầu cử ở West Palm Beach, bang Florida. Sở cảnh sát West Palm Beach, Sở Mật vụ Mỹ và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đang phối hợp để đảm bảo an toàn cho sự kiện này.
Thống đốc Tim Walz, ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ, nói ông thất vọng nhưng không bất ngờ khi thấy cuộc đua giữa bà Harris và ông Trump quá sít sao. Đây là buổi phỏng vấn được ghi hình ở Pennsylvania từ tuần trước và công bố hôm 5/11.
"Kết quả làm tôi thất vọng, vì hai lựa chọn là rất tương phản. Nhưng điều này cũng không đáng ngạc nhiên bởi đất nước đang thực sự bị chia rẽ", ông Walz nói.
Ông Walz trước đây nhiều lần tỏ ra bối rối trước tính cạnh tranh trong cuộc đua giữa bà Harris và ông Trump năm nay. "Có chết tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao cuộc đua này lại sít sao đến vậy", ông thường nói trong các cuộc vận động tranh cử.
Phó Tổng thống Harris kết thúc chiến dịch tranh cử với điểm dừng chân cuối cùng ở Philadelphia, bang Pennsylvania vào tối 4/11 (trưa 5/11 giờ Hà Nội). Pennsylvania là quê nhà của Tổng thống Joe Biden.
Bà bắt đầu chiến dịch tranh cử từ hồi tháng 8, sau khi ông Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua. Toàn bộ hành trình vận động tranh cử của bà chỉ kéo dài 107 ngày, ngắn nhất lịch sử chính trị hiện đại Mỹ.
"Chỉ còn vài giờ nữa, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Như các bạn từng nghe tôi nói, chúng ta thích việc khó", bà tuyên bố trước đám đông ủng hộ. Họ reo hò "Chúng ta sẽ thắng" và "Chúng ta sẽ không quay lại".
Bà Harris nhắc lại một số cam kết tranh cử, như giảm sinh hoạt phí, giá nhà, chi phí chăm sóc trẻ em, người già, giảm thuế cho công nhân và các doanh nghiệp nhỏ. Bà cũng tuyên bố sẽ thông qua đạo luật khôi phục quyền tự do sinh sản cho phụ nữ.
"Tối nay, chúng ta hãy kết thúc như cách ta đã bắt đầu, với đầy tinh thần lạc quan, năng lượng và niềm vui. Các thế hệ trước đã lãnh đạo cuộc đấu tranh vì tự do và giờ đây quyền quyết định nằm trong tay chúng ta. Chúng ta cần bắt tay vào hành động và hãy đi bỏ phiếu", bà Harris phát biểu.
Theo truyền thống, có ba thị trấn luôn duy trì truyền thống bỏ phiếu sớm nhất nước Mỹ 60 năm qua gồm Dixville Notch, Hart's Location và Millsfield ở bang New Hampshire. Tuy nhiên, năm nay hai thị trấn Hart's Location và Millsfield không tổ chức hoạt động cho cử tri bỏ phiếu lúc nửa đêm.
Cựu Tổng thống Mỹ khép lại chiến dịch tranh cử với sự kiện cuối là buổi mít tinh ở Grand Rapids, bang Michigan. Thành phố này liên tục được ông Trump chọn là điểm kết cho chiến dịch tranh cử vào các năm 2016 và 2020, vì ông tin rằng đây là nơi "đặc biệt" có thể mang lại may mắn cho mình.
"Tôi muốn gửi lời chào đặc biệt tới Grand Rapids, một địa điểm đặc biệt, nhớ năm 2016 chứ?", ông Trump nói trước đám đông hô vang tên ông.
Đảng Cộng hòa không có truyền thống giành chiến thắng ở Michigan, nhưng ông Trump đã gây bất ngờ khi thắng bang này năm 2016. Ông Trump cũng tin rằng ông đã thắng trong cuộc bầu cử năm 2020, cáo buộc phe Dân chủ "gian lận", dù các thẩm phán đã bác bỏ.
Phát biểu trong cuộc vận động cuối cùng ở Grand Rapids năm nay, Ông Trump nhắc về vấn đề nhập cư, nói rằng nước Mỹ đang chịu "cuộc xâm chiếm của những tên tội phạm" và cần lập tức chấm dứt tình trạng này.
Ông sau đó chuyển sang công kích đối thủ Harris, nói rằng "không ai biết bà ấy là ai". Ông Trump cũng chỉ trích các thành viên Dân chủ khác như Tổng thống Joe Biden, cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và nghị sĩ Adam Schiff, người dẫn dắt cuộc điều tra đầu tiên luận tội ông.
Ông Trump cũng nhắc lại vụ ông bị ám sát hụt ở Pennsylvania hồi tháng 7, gọi việc ông vẫn sống sót là "phép màu". Ông còn cam kết khôi phục và mở rộng các chính sách từng gây tranh cãi, trong đó có lệnh cấm đi lại chủ yếu nhắm vào các nước Hồi giáo, tuyên bố sẽ thực hiện "chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ".
Đúng 0 giờ ngày 5/11 theo giờ miền Đông nước Mỹ, tức 12 giờ trưa 5/11 theo giờ Việt Nam, thị trấn Dixville Notch thuộc khu vực Green North Woods của bang New Hampshire đã mở cửa điểm bỏ phiếu đầu tiên.
Năm nay, Dixville Notch chỉ có 6 cử tri đăng ký đi bỏ phiếu. Do đó, quá trình này chỉ mất vài phút.
Vào lúc 0 giờ 13 (giờ Mỹ), kết quả kiểm phiếu tại Dixville Notch cho thấy số phiếu bầu chia đều cho hai ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris và đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump, mỗi người nhận được 3 phiếu.
Cựu Tổng thống Mỹ dự kiến tham gia cuộc mít tinh cuối cùng trước ngày bầu cử ở Grand Rapids, Michigan, vào 22h30 ngày 4/11 (10h30 ngày 5/11 giờ Hà Nội). Tuy nhiên, tính đến 23h10, ông vẫn chưa xuất hiện tại sự kiện. Nguồn thạo tin cho biết ông Trump có thể chỉ xuất hiện vào gần nửa đêm.
Trong ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử, bà Harris đặt cược hết vào bang chiến trường Pennsylvania khi chỉ tổ chức các cuộc vận động trong bang này. Ngoài các cuộc mít tinh, bà đã đến một nhà hàng Puerto Rico với hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez và đi gõ cửa từng nhà dân ở TP Reading.
Tương tự các sự kiện vận động tranh cử trước đó, Phó Tổng thống Mỹ tránh nhắc tên đối thủ Cộng hòa. "Chúng ta có cơ hội trong cuộc bầu cử này để lật sang trang mới, bước khỏi thập kỷ chính trị bị thúc đẩy bởi nỗi sợ và sự chia rẽ. Chúng ta đã kiệt sức với nó, chúng ta sẽ không quay lại", bà Harris nói.
Tiếp tục cuộc vận động cử tri ở bang chiến trường Pennsylvania, bà Kamala Harris tổ chức cuộc mít tinh ở Pittsburgh hôm 4/11 và nói với đám đông ủng hộ ở đây rằng họ "sẽ tạo ra khác biệt trong cuộc bầu cử".
"Ngày mai là ngày bầu cử, động lực đang thúc đẩy chúng ta. Chiến dịch của chúng ta đã khai thác được nguyện vọng và mơ ước của người dân Mỹ. Chúng ta biết rằng đã tới lúc cần có thế hệ lãnh đạo mới tại Mỹ", bà Harris nói.
Ông Trump và bà Harris đang gấp rút tổ chức những cuộc vận động tranh cử cuối cùng trước thềm bầu cử ngày 5/11. Hai ứng viên đều tổ chức mít tinh ở Pennsylvania trong ngày 4/11. Đây là một trong 7 bang chiến trường định hình bầu cử năm nay.
"Chỉ còn một ngày nữa thôi, một ngày nữa thôi. Chúng ta đã chờ 4 năm rồi", ông Trump phát biểu trên sân khấu cuộc mít tinh ở Pittsburgh, bang Pennsylvania, trước tiếng reo hò của đám đông ủng hộ.
Ông Trump nhắc lại vụ ông bị ám sát hụt ở bang này hồi tháng 7, nói rằng nhiều người nghĩ "Chúa đã cứu tôi để tôi cứu nước Mỹ". Ông kêu gọi người dân Pennsylvania ủng hộ, giúp đỡ ông "hoàn thành sứ mệnh phi thường".
Trong khi đó, đoàn xe của chiến dịch Harris đến khu dân cư ở thành phố Reading, bang Pennsylvania, để vận động từng nhà dân. Đi theo phó tổng thống Mỹ là hai tình nguyện viên cầm theo khẩu hiệu của chiến dịch.
"Tôi muốn gõ cửa từng nhà", Harris nói với một gia đình khi gặp gỡ họ.
Phó tổng thống sau đó tiếp tục đi bộ tới ngôi nhà thứ hai. Người phụ nữ trong nhà ôm bà Harris, cho biết đã bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ và chồng cũng sẽ làm như vậy trong ngày 5/11.
Theo tờ Politico ngày 4/11, Công ty Focaldata của Anh đã thực hiện cuộc khảo sát với hơn 31.000 cử tri trên khắp nước Mỹ. Kết quả cho thấy bà Harris đang dẫn trước cựu Tổng thống Trump tại nhiều bang quan trọng: Michigan (khoảng 5 điểm phần trăm), Nevada (khoảng 2 điểm phần trăm), cũng như có lợi thế nhỏ tại Pennsylvania và Wisconsin.
Trong khi đó, ông Trump vẫn giữ ưu thế tại Georgia và Bắc Carolina, còn tại Arizona, kết quả đang khá cân bằng.
Điều đáng chú ý là bà Harris đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhóm cử tri nữ da trắng lớn tuổi - vốn là nhóm có xu hướng ủng hộ Đảng Cộng hòa trong quá khứ. Ngược lại, ông Trump lại thu hút được sự ủng hộ từ nam giới da đen và gốc Tây Ban Nha trẻ tuổi.
Về các vấn đề cụ thể, ông Trump đang dẫn đầu về khả năng giải quyết vấn đề nhập cư, lạm phát, việc làm, tội phạm và an ninh quốc gia, trong khi bà Harris vượt trội hơn trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, phá thai, nền dân chủ Mỹ và chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên đây không phải là những vấn đề được cử tri xếp hạng cao nhất.
Ba thị trấn ở bang New Hampshire gồm Dixville Notch, Hart's Location và Millsfield là những điểm đầu tiên mở cửa cho người dân đi bỏ phiếu từ 0 giờ ngày 5/11 (12 giờ giờ Hà Nội). Phần lớn các bang bắt đầu mở cửa địa điểm bỏ phiếu từ 6 giờ.
Tại một số khu vực bang Vermont, cử tri có thể đi bỏ phiếu sớm nhất vào lúc 5 giờ. Ở bang Iowa, người dân một số hạt phải chờ tới trưa mới được bỏ phiếu, phụ thuộc vào quyết định của các quan chức bầu cử địa phương.
Việc bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày thứ ba sau thứ hai đầu tiên trong tháng 11 là truyền thống đã có từ gần 180 năm trước và duy trì tới ngày nay.
Mỹ có khoảng 244 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu năm nay, trong đó, hơn 74 triệu người đã đi bỏ phiếu sớm.
Các cuộc thăm dò trên toàn quốc và ở các bang chiến trường cho thấy tỷ lệ ủng hộ giữa ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, 78 tuổi, và ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris, 60 tuổi, rất sít sao, có thể dẫn tới kịch bản kiểm phiếu lại ở một số nơi.
Năm nay, việc các bang chú trọng yếu tố chính xác, an toàn trong quá trình kiểm phiếu có thể làm chậm thời gian công bố kết quả, khiến ứng viên chiến thắng nhiều khả năng sẽ chưa được xướng tên trong đêm 5/11.
Giới chuyên gia nhận định tổng thống đắc cử chỉ có thể được xác định vào sáng 6/11 hay vài ngày sau đó.
Trước thềm cuộc bầu cử, các bang trên toàn quốc đã triển khai các biện pháp an ninh chưa từng có tiền lệ nhằm đối phó với nguy cơ bất ổn dân sự, can thiệp bầu cử và bạo lực nhằm vào nhân viên bầu cử.
Các bang Oregon, Washington và Nevada đã huy động Vệ binh Quốc gia, FBI thiết lập trung tâm chỉ huy giám sát đe dọa, an ninh được tăng cường tại gần 100.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.
Công ty Runbeck Election Services, chuyên cung cấp công nghệ an ninh bầu cử, xác nhận đã đặt hàng khoảng 1.000 nút báo động khẩn cấp cho nhân viên và cơ sở bầu cử.
Tại Arizona, nơi từng xảy ra bất ổn và các thuyết âm mưu về bầu cử năm 2020, cơ sở kiểm phiếu chính ở Quận Maricopa đã được biến thành pháo đài với hàng rào sắt, dây thép gai, vệ sĩ vũ trang và đội đặc nhiệm SWAT trên mái nhà.
Giới chức Mỹ cũng cảnh báo về các mối đe dọa từ không gian mạng và tin tặc, đặc biệt là từ nước ngoài. Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Jen Easterly cáo buộc tin tặc đang tiến hành các chiến dịch gây ảnh hưởng nhằm làm suy yếu niềm tin của người Mỹ vào tính hợp pháp của cuộc bầu cử.
Tại thủ đô Washington, giới chức đã cảnh báo về "môi trường an ninh bất ổn, khó lường" trong những ngày và có thể là những tuần sau khi đóng cửa các điểm bỏ phiếu. Nhiều cửa hàng đã bắt đầu gia cố mặt tiền để phòng ngừa bất ổn có thể xảy ra.
PV (tổng hợp)