Cử tri và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi tới kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XVI.
Cử tri trong tỉnh kiến nghị nhiều vấn đề trước kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XVI
Quan tâm hỗ trợ nông dânTheo tổng hợp của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, nhân dân trong tỉnh tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước qua việc tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020... Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững; kinh tế tăng trưởng khá, an sinh xã hội được bảo đảm.
Cử tri đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa tới sản xuất nông nghiệp, có quy hoạch đầu tư, hỗ trợ vùng chuyên canh sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân; có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm. Cử tri phản ánh hoạt động của HTX Dịch vụ nông nghiệp hiện nay rất khó do việc cấp bù thủy lợi phí, định mức áp dụng từ lâu không thay đổi, thanh toán hỗ trợ cho HTX chậm, HTX phải bù lỗ... Đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thanh toán kinh phí hỗ trợ dứt điểm theo từng năm.
Cử tri một số huyện Nam Sách, Thanh Miện phản ánh về tình trạng chất lượng cây, con giống thuộc chương trình trợ giá của Nhà nước quá thấp, chưa thu hút nông dân, đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ giá giống cho nông dân và nên hỗ trợ có trọng điểm bằng tiền mặt đối với loại cây, con mũi nhọn có thế mạnh của địa phương. Cử tri nhiều nơi phản ánh trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra để nông dân sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm sạch chất lượng cao. Cử tri các huyện Tứ Kỳ, Bình Giang, Kinh Môn đề nghị tỉnh sớm cấp đủ tiền hỗ trợ dồn ô, đổi thửa tại các địa phương.
Cử tri các huyện, thị xã, thành phố phản ánh việc khó tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất nông nghiệp, đề nghị tỉnh tiếp tục có giải pháp để người dân được vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản...
Dạy thêm, học thêm vẫn tràn lanCử tri các huyện Thanh Hà, Kim Thành, Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang, thị xã Chí Linh đề nghị tỉnh quan tâm nâng kinh phí hỗ trợ sửa chữa, xây dựng các trường học, trạm y tế bị xuống cấp; có chính sách thu hút bác sĩ về trạm y tế xã phục vụ nhân dân. Cử tri thị xã Chí Linh đề nghị tỉnh xem xét việc triển khai chương trình sữa học đường ở các trường mầm non. Cử tri huyện Gia Lộc phản ánh tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan ở một số địa phương, đề nghị tỉnh có giải pháp về vấn đề này; có quy định cụ thể thời gian học thêm, dạy thêm cho từng cấp học; có biện pháp ngăn chặn tình trạng lạm thu trong các trường học.
Cử tri xã Gia Lương (Gia Lộc), xã Tân Phong (Ninh Giang), phường Bến Tắm (Chí Linh) đề nghị tỉnh sớm đầu tư kinh phí sửa chữa các công trình di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, nay xuống cấp. Cử tri xã Hiệp Cát, Thái Tân (Nam Sách) phản ánh nhà văn hóa thôn, khu dân cư đã hoàn thành nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí của tỉnh...
Bức xúc tình trạng ô nhiễm môi trườngCử tri các huyện Nam Sách, Kinh Môn, Tứ Kỳ và TP Hải Dương phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên trên địa bàn. Đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục có biện pháp ngăn chặn tình trạng trên. Cử tri nhiều huyện đề nghị tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; có văn bản hướng dẫn cụ thể ở khu vực nông thôn trong việc xử lý đất dôi dư, xen kẹp và xử lý bán đất trái thẩm quyền, có chính sách thông thoáng hơn về đấu giá quyền sử dụng đất để tạo thuận lợi cho cơ sở. Cử tri huyện Nam Sách đề nghị tỉnh nâng quy định diện tích nhà trông coi trên đất chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu sản xuất hiện nay.
Cử tri phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường rất đáng lo ngại, đề nghị tỉnh có biện pháp hỗ trợ xử lý rác thải nông thôn, khắc phục việc một số doanh nghiệp xả khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường; quan tâm hỗ trợ kinh phí, chính sách bảo hiểm y tế cho người trực tiếp thu gom rác thải ở thôn, khu dân cư; hỗ trợ kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu vực được quy hoạch chuyển đổi trang trại chăn nuôi. Đề nghị tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý rác thải, chất thải, nước thải, khí thải tại các khu công nghiệp; các điểm chứa rác thải; xử lý một số doanh nghiệp đổ rác thải công nghiệp vào bãi rác xã Lai Vu (Kim Thành).
Liên quan đến công nghiệp, giao thông, xây dựng, cử tri các huyện cũng phản ánh về những hạn chế còn tồn tại, như tình trạng cột điện nằm giữa đường sau khi làm đường nông thôn mới; chậm thanh toán kinh phí bàn giao lưới điện hạ áp cho nhân dân; đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công đường 390 đoạn từ bến xe thị trấn Thanh Hà về đến cầu Hợp Thanh (xã Thanh Thủy, Thanh Hà). Cử tri TP Hải Dương phản ánh về việc chậm triển khai thi công đường gom phía nam đường sắt, tình trạng mất an toàn giao thông sau khi ngăn nút giao thông Tiền Trung; đề nghị xây dựng thêm cầu vượt đoạn nút giao thông Tiền Trung. Cử tri huyện Kim Thành đề nghị nhiều đoạn đường sắt Hà Nội - Hải Phòng qua các xã trên địa bàn bị lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đề nghị tỉnh có giải pháp xử lý nghiêm; đề nghị xây dựng đường gom dân sinh qua các xã trên để ngăn ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông...
Cử tri và nhân dân trong tỉnh cũng phản ánh, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến chế độ, chính sách an sinh xã hội.
PV