Cử tri huyện Tứ Kỳ và Bình Giang kiến nghị nhiều vấn đề về chế độ, chính sách và sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cần xem xét nơi đặt trụ sở cơ quan hành chính mới sao cho hợp lý.
Ngày 27 và 29/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chia 3 tổ tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tổ 1 gồm các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp tiếp xúc cử tri tại xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) vào sáng 27/9 và xã Tân Việt (Bình Giang) chiều cùng ngày.
Tại huyện Tứ Kỳ, 11 cử tri đã nêu 13 lượt ý kiến tập trung về việc siết chặt công tác quản lý đất đai; kiến nghị tăng phụ cấp ngành đối với giáo viên mầm non. Hiện nay, chế độ đãi ngộ, mức lương của cô nuôi mầm non thấp, không thu hút được người có chuyên môn và lao động trẻ. Cử tri kiến nghị xem xét cấp kinh phí cho Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh cấp xã để tổ chức hoạt động. Đề nghị hỗ trợ bảo hiểm y tế cho công an viên bán chuyên trách…
Tại huyện Bình Giang, 6 cử tri đã nêu một số đề xuất về việc cân đối ngân sách, hỗ trợ kinh phí cho Hội Người cao tuổi để hội duy trì hoạt động và đề nghị các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa đến người cao tuổi.
Cử tri cũng nêu hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cử tri xã Bình Minh đề nghị việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cần xem xét nơi đặt trụ sở cơ quan hành chính mới sao cho hợp lý.
Phát biểu, tiếp thu ý kiến của cử tri huyện Tứ Kỳ và Bình Giang, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cử tri đã dành thời gian nghiên cứu, có nhiều đề xuất, đóng góp thiết thực. Đồng chí Lê Văn Hiệu nhấn mạnh, đối với những vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm, các đại biểu Quốc hội sẽ dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng để tham gia đóng góp tại diễn đàn của Quốc hội. Riêng về vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, đồng chí Lê Văn Hiệu yêu cầu huyện, xã phải lựa chọn nơi đặt trụ sở hành chính hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Nhiều vấn đề sau khi sáp nhập như việc quản lý tài sản công, bố trí sắp xếp cán bộ, công chức… cần phải quan tâm, chú trọng.
Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến chuyển tới các cấp có thẩm quyền của Trung ương và tỉnh xem xét, trả lời.
ĐỖ QUYẾT-HUYỀN TRANG