Cu Tít

29/05/2011 03:14



Đã quá trưa mà vẫn không thấy bà nội về, cu Tít đói bụng quá, hết chạy ra ngõ ngóng bà lại chạy vào bếp lục tìm cái gì đó có thể ăn được. Suốt từ sáng đến giờ, nó chỉ được ăn mấy hạt mít nấu trộn với cơm mà bà nó sẻ ra từ bữa tối hôm qua để lại. Tay nó run run nhặt nốt mấy hạt cơm nát còn dính ở đáy nồi... Xong, nó lấy chiếc chiếu rách trải ra phía đầu hè ngồi chờ bà nội. Mấy con trâu lá mít chẳng giúp nó quên được cái đói. Chán, nó nằm chèo queo xuống chiếu, nhắm mắt lại nhưng lũ ruồi tệ hại chẳng cho nó ngủ, cứ nhằm mặt mũi nó mà bu đến. Lúc đầu nó còn giơ tay xua lũ ruồi nhưng được một lúc thì nó mệt quá, mặc kệ cho chúng muốn làm gì thì làm. Cu Tít đang mơ mơ màng màng nghĩ đến bát cơm nguội độn hạt mít thì có người gọi:

- Tít ơi! Dậy đi cháu, dậy đi xem bà nội bị cảm thế nào kìa!

Nó vùng dậy, thấy ngoài ngõ có bóng người đang đi vào. Tít vội chạy ra và oà lên khóc khi thấy mấy bác hàng xóm đang khiêng bà nó vào nhà. Một người đi sau cầm cái giỏ cua còn dính đầy bùn đất mà trong đó chỉ có vài con cua, con ốc lăn lóc... Lại có người vỗ vai nó:
- Thôi đừng khóc nữa, cho bác xin tí nước giải nào!
Nó ngơ ngác đưa mấy ngón tay nhem nhuốc lên chùi nước mắt. Tội nghiệp, nó chả hiểu người ta bảo cái gì nữa.

- Nào, cháu tè vào đây cho bác ít nước, bác đổ cho bà nếu không bà cháu nguy mất đấy!
Nó chợt hiểu ra sự việc, liền tụt ngay cái quần nhàu nhĩ ra... Bà nội nó được mọi người cạy răng, đổ cho một chút nước tiểu vào miệng, rồi cạo gió, đánh cảm. Mãi lâu sau bà nó mới tỉnh, đưa ánh mắt mệt mỏi nhìn cháu.
- Cháu ơi... Tít ơi!
Nó lại gần, nắm lấy bàn tay gầy guộc của bà nội.
- Bà ơi, cháu đây. Cháu đói lắm. Bà có đói không?
Từ hai hố mắt sâu của bà nó ứa ra những giọt nước mắt. Cu Tít bưng mặt khóc hu hu: "Bà ơi... Mẹ ơi...ơi...!". Một cô hàng xóm nhanh chân chạy về nhà lấy cho nó bát cơm. Nhìn thấy bát cơm với mấy miếng đậu, mắt nó sáng lên, chân tay bủn rủn. Nó đỡ bát cơm mà như vồ lấy. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: " Phải bón cho bà nội trước đã, bà nội chắc cũng đói lắm rồi". Tít run run, bưng bát cơm lại gần chỗ bà nó nằm.

- Bà ơi, cháu bón cơm cho bà nhé!

Bà nó từ từ mở mắt:
- Cơm ở đâu thế cháu?
- Cô Mai cho đấy bà ạ.
- Cháu cứ ăn đi. Bà không đói đâu...

Thấy vậy, cô hàng xóm tên Mai liền bảo:
- Tít cứ ăn trước đi, ở bên nhà cô đã đặt nồi cháo cho bà nội rồi. Cháu đừng lo.

Nó ngước đôi mắt ngấn nước nhìn cô Mai với đầy vẻ biết ơn. Nó tần ngần nhìn bát cơm. Nhưng rồi loáng một cái, nó đã vét sạch cả những hạt cơm cuối cùng trong bát. Sau đó, cô Mai mang cháo cho bà nó. Ăn xong cả hai bà cháu ôm nhau khóc. Lâu rồi họ mới lại được bà con chòm xóm quan tâm như thế...
...Bố, mẹ cu Tít là công nhân nông trường chè. Vào thời điểm sản xuất khó khăn, làm ăn không có lãi, thu nhập thấp, đời sống rất chật vật, bố nó đâm ra tiêu cực bỏ nông trường đi làm ăn ở bên ngoài. Bị bọn xấu rủ rê, lôi kéo, bố nó nghiện hút lúc nào không hay. Bao nhiêu đồ đạc trong nhà đều bị bố nó quy thành "bi", thành "chỉ". Mẹ nó khuyên nhủ mãi không được cũng chán nản chẳng thiết làm ăn gì. Còn nó, đang từ một học sinh giỏi bỗng chốc chẳng được đến trường vì không có tiền đóng học phí cũng chẳng có tiền mua sách vở. Một thời gian dài sau đó, bố nó bị ốm và được đưa đi thử máu. Bác sĩ kết luận bố nó nhiễm HIV. Nó chẳng biết HIV là cái quái gì. Chỉ thấy bố nó cứ ốm lên, ốm xuống, thuốc gì cũng không khỏi. Người ta phải đưa bố nó đi thật xa. Mẹ nó lo sợ, đi thử máu và khi biết kết quả thì chị đã gieo mình xuống sông tự vẫn. Thế là nó về ở với bà nội. Nói là nhà, nhưng chỗ ở của hai bà cháu cu Tít trống huơ, trống hoác vì lúc còn ở nhà, bố nó đã về lấy đi từng mảnh ván tường, từng chiếc ghế, cái chậu, cái nồi... của bà đem đút vào xe điếu. Bà nội cu Tít đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn phải nai lưng làm vườn, kiếm củi, nhặt rác, mò cua, bắt ốc nuôi cháu. Bởi thế, sức bà đã yếu lại càng đau yếu nhiều hơn. Thằng cu Tít đã 12 tuổi nhưng trông nó chỉ bằng đứa lên 8-9 tuổi. Chân tay nó gầy gò, mặt mũi xanh xao, hốc hác... suốt ngày lùi lũi một mình, chẳng đứa trẻ nào chơi cùng với nó.  Nó không được đến trường, chẳng có quần áo đẹp cũng không được ai ngoài bà nội nó ngó ngàng đến. Hàng xóm khi biết tin xấu về bố, mẹ nó, họ nhìn cu Tít như nhìn một  con hủi. Người nọ rỉ tai người kia phải tránh cho xa, biết đâu đấy nó cũng lại mắc bệnh như bố mẹ nó, hoặc biết đâu đấy, nó lại làm lây bệnh cho con, cháu mình thì sao?...

Tiếng dữ đồn xa, họ cấm tiệt bọn trẻ con không cho chúng chơi với nó. Kể cả người lớn cũng chẳng mấy ai lai vãng đến căn nhà của bà cháu cu Tít. Tuổi già ít ngủ, đêm đêm bà ôm cháu vào lòng, khóc không thành tiếng. Cứ thế, hai con người, một già, một trẻ như hai chiếc bóng lẻ loi, đơn chiếc nương tựa vào nhau. Thỉnh thoảng nó bị nhức đầu, sổ mũi bà nó lại đi kiếm những chiếc lá, những sợi rễ cây làm thuốc cho nó. Đêm đêm, những tiếng ho khan cộng với lòng thương đứa cháu mồ côi cứ cào cấu ruột gan bà. Được cái, cu Tít cũng ngoan, tuy lầm lì ít nói nhưng nó cũng ý thức được hoàn cảnh của mình nên rất vâng lời bà. Hằng ngày, nó ở nhà trông nhà và ra vườn quét lá cho bà thổi cơm. Con cua, con cá kiếm mãi cũng khó, gánh rau của bà cũng chỉ đem về cho cháu được vài bữa cháo. Bởi thế, đã từ lâu rồi, bữa cơm của hai bà cháu cu Tít chỉ trộn toàn hạt mít, thỉnh thoảng mới có được vài củ khoai.

Có lần bà gọi cu Tít lại bảo:

- Tít ơi, bà nghe nói ở thành phố có làng trẻ "ét ét" (S.O.S)  gì ấy. Ở đấy người ta nuôi những đứa trẻ như cháu, cho ăn, cho học đàng hoàng. Hay là bà cho cháu lên đấy xem người ta có nhận không nhá!
- Bà ơi, bà đừng cho cháu đi, cháu ở nhà với bà cơ!
- Bà già rồi cháu ạ. Chẳng biết sống, chết thế nào. Lúc ấy, cháu ở với ai?
Nghe bà hỏi vậy, cu Tít giãy nảy:

- Không, cháu không đi đâu cả, cháu cứ ở với bà, hằng ngày cháu sẽ đi bắt ốc nuôi bà...
Ngay ngày hôm sau, nó nằng nặc đòi theo bà ra đồng. Biết nó cũng đi bắt ốc, thế là chả ai mua, mặc dù chỉ là mua làm phúc cho bà cháu nó...

Thế rồi, đến sáng nay, bà nội bảo nó ở nhà gọt hạt mít để bà đi bắt cua về nấu canh. Chẳng may, lúc về gần đến nhà, bà bị cảm nắng. Không nỡ để bà già lăn ra đường, mấy bác hàng xóm đã đưa bà về nhà. Khi được tận mắt chứng kiến tình cảnh hai bà cháu cu Tít, mọi người đều cảm thấy như mình có lỗi. Họ ái ngại đưa mắt nhìn nhau và nhìn hai bà cháu bằng cái nhìn đã bớt phần ghẻ lạnh.
Được cô Mai - người hàng xóm goá chồng - giúp đỡ, bà nội cu Tít đã đỡ bệnh và khi ngồi dậy được, bà lại ra vườn kiếm cái ăn cho cháu. Một buổi tối, cô Mai đem cho bà cháu bát mì nấu canh cua. Hai bà cháu vừa ăn, vừa xuýt xoa khen ngon. Bà bảo:
- Cũng là canh cua mà bà cháu tôi chẳng được bữa nào ngon như bữa hôm nay.
Rồi bà thong thả nói:
- Bà cháu tôi chẳng biết lấy gì để trả ơn cô. Cô cứ qua lại thế này, tôi sợ mọi người cũng lại xa lánh cô đấy!
Cô Mai vừa phe phẩy chiếc quạt, quạt cho bà, vừa nói chuyện:

 - Bà ạ, cháu mới về đây ở, biết chuyện cu Tít, cháu rất ái ngại cho bà. Chồng cháu cũng là công nhân lâm trường (cô đưa tay lén lau nước mắt). Không may nhà cháu bị tai nạn trong lúc đang khai thác gỗ để lại cho cháu đứa con gái bé hơn cu Tít nhà ta. Trước đây, cháu dạy học ở xa, bây giờ được chuyển về xã mình. Mẹ con cháu mua nhà ở đây để tiện đi làm. Thấy hoàn cảnh của bà, cháu rất thương. Cháu định hôm nào bà khoẻ hẳn sẽ sang thưa chuyện với bà, xin bà cho cháu được qua lại cho có làng, có xóm. Cháu sẽ nhờ người đưa cu Tít đi khám bệnh, đến năm học mới  cháu sẽ cho nó đến trường. Để nó ở nhà như thế này vừa thất học, vừa lêu lổng, dễ sinh hư bà ạ.
Nghe cô Mai nói thế, bà nội cu Tít rân rấn nước mắt:

- Cô ạ, bà cháu tôi sống thế này quen rồi, chỉ sợ làm khổ cho cô và con bé bên nhà. Hồi nọ, tôi định cho nó vào nhà nuôi trẻ mồ côi nhưng nó nhất định không đi. Tôi đang lo, mai kia tôi chết chả có ai nuôi nó. Với lại, nhỡ ra nó cũng mắc bệnh như bố nó thì cũng chả sống được bao lâu. Cái bệnh "ếch iếc" gì mà ghê gớm thế hả cô?
Cô Mai giảng giải cho bà cu Tít nghe về bệnh AIDS và bảo:

- Bà cứ yên tâm, bệnh này dễ lây nhưng vẫn có cách đề phòng. Cháu hy vọng thằng cu Tít nhà mình không mắc phải căn bệnh đó vì nếu có thì nó đã phải có những biểu hiện ban đầu rồi. Mấy hôm nữa, cháu sẽ đưa nó về thành phố để làm xét nghiệm, bà đừng lo...

Cu Tít đang ngồi đan những chiếc lá mít thành cái mũ ông Tiên. Nó lắng nghe câu chuyện của bà nó với cô Mai. Câu được, câu chăng, thấy nhắc đến bệnh, nó bỏ chiếc mũ đang đan dở và ù té chạy. Cô Mai đứng dậy đuổi theo nó. Nó chạy như điên, như dại trên con đường đầy sỏi. Cô Mai cũng quyết tâm đuổi theo. Vừa chạy, cô vừa gọi:

- Tít, đứng lại về với cô!
Nó vẫn phóng hết tốc lực. Nhưng vì sức yếu, nó chạy chậm dần, chậm dần rồi vấp ngã. Ngón chân nó toé máu. Cô Mai đuổi đến nơi, nắm lấy ngón chân đau của cu Tít và xé vội vạt áo mình buộc vào chân nó. Xong, cô ôm nó vào lòng. Nó nhắm nghiền mắt lại. Cô nhẹ nhàng:
- Về với cô đi con!
Cu Tít mở choàng mắt. Ngỡ ngàng. Lâu lắm rồi không có ai gọi nó bằng con. Nó gục đầu vào ngực cô Mai, thổn thức gọi: “Mẹ ơi!” Và nó bằng lòng để cô Mai bế về nhà. Nó hết nhìn ánh trăng lại nhìn vào mắt cô Mai. Đôi mắt cô mới hiền làm sao. Nó thầm mong được cô bế mãi như thế. Nhưng nghĩ mình đã lớn nó đòi cô thả xuống đất. Hai cô cháu dìu nhau trở về.
- Tít, tên thật của con là gì?
Nó trả lời rất tự nhiên:
- Con tên là Nam.
- Nam có muốn làm con của cô không?
Nó dừng lại, chưa kịp trả lời thì đã nghe cô Mai hỏi tiếp:

- Con có muốn nhận cô làm mẹ không?
Tít ôm chầm lấy cô Mai như thể sợ cô tan biến vào ánh trăng. Sợ đó chỉ là giấc mơ. Nhưng, không. Bà nội nó đã chống gậy đứng đó từ lúc nào.

 Truyện ngắn của VŨ KIM LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cu Tít