Từ xưa đến nay, tình yêu luôn là đề tài quen thuộc của mọi loại hình nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca.
Từ xưa đến nay, tình yêu luôn là đề tài quen thuộc của mọi loại hình nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca. Đọc tập “Thơ tình Việt Nam chọn lọc”, Nhà xuất bản Văn hóa năm 2014, tôi ấn tượng với bài thơ "Mùa xuân đánh rơi tình yêu" của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát. Ấn tượng không phải tác giả là người nổi tiếng mà chính sự cuốn hút từ câu chữ, giọng điệu và ý nghĩa nhân văn của bài thơ.
Ngay từ tựa đề bài thơ đã đem đến cho tôi cảm giác tò mò. Sao lại đánh rơi tình yêu? Ở đây, động từ “đánh rơi” được đặt trước “Tình yêu” làm cho cái trừu tượng cụ thể hơn. Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, tình yêu, mùa sum họp, mùa đơm hoa kết trái… Nhưng mùa xuân đối với nhà thơ lại là mùa ghi dấu một kỷ niệm buồn vì cái điều “trót rơi”. “Trót” là lỡ làm, lỡ để xảy ra điều gì đó rồi hối tiếc (nhưng cũng đành chịu). Tình yêu trong bài thơ cũng vậy, tác giả ví tình yêu là “Mảnh tình như áo vắt vai”, biện pháp so sánh: So sánh giữa cái trừu tượng (tình yêu) với cái cụ thể (áo) làm cho điều mà nhà thơ muốn nói cụ thể hơn. Mà chiếc áo vắt vai (có vẻ hờ hững) nên dễ bị đánh rơi chăng? Có thể lắm chứ, nên “trót rơi” là điều dễ hiểu?
“Trót rơi” là cách nói để tình yêu không tròn có phần nhẹ đi. “Trót rơi” nên mới phải đi tìm? Không phải là người vô tình, dễ quên nên người thơ cất công tìm, mà tìm đâu có thấy? Cái đã mất không thể tìm lại, dù cố gắng đến đâu. Vì sao thế? Hai giả thiết được đặt ra: “Chắc là rơi chẳng đâu xa/Chắc ai đã nhặt đem về nhà phơi”. “Chắc ” là từ có ý nghĩa phỏng đoán, được lặp lại hai lần, cho ta hiểu nhân vật trữ tình đã ý thức được sự mất mát. Hay nói khác đi, chiếc áo tình yêu ấy đã thuộc về tay kẻ khác.
Bài thơ viết về một tình yêu tan vỡ. Nói cho đúng thì đó là sự phản bội “có mới nới cũ”. Không phải thế, sao người lại dửng dưng? Sao người đi khuất nẻo đường dài mà không hề ngoảnh lại để lòng ta ngổn ngang buồn. Trong tâm trạng ấy, mỗi sự tác động của ngoại cảnh cũng làm ta chạnh lòng: “Mùa xuân tiếng hú gọi bầy/Ta ngơ ngác giữa chốn này tìm ai”. Có buồn nào hơn khi giữa mùa đoàn tụ, sum họp, ta trót đánh rơi tình yêu để rồi cứ “ngơ ngác” tìm, mà chẳng biết tìm ai và để làm gì? Tôi chắc nhà thơ hỏi để mà hỏi thế thôi, chứ trong lòng đã biết rõ câu trả lời.
Tình yêu đôi khi thật khó lý giải. Từ láy “ngơ ngác” diễn tả chính xác tâm trạng và tình cảnh của nhân vật trữ tình khi ấy? Biết rằng tình đã nhạt phai lâu rồi, biết rằng người ta đã quên mình, nhưng không hiểu sao người phụ nữ trong thơ vẫn day dứt đến vậy! Không thế sao vẫn đi tìm dù biết là vô vọng? Phải chăng đó chỉ là cách làm nhẹ vơi nỗi lòng? Dù gì thì người thiệt thòi chỉ là ta, người đau xót cũng chỉ là ta mà thôi.
Hai câu thơ cuối đưa người đọc trở về thực tại: “Cũ ta nhưng lại mới người”. Cặp từ chỉ sự đối lập mới, cũ nói lên sự trớ trêu của tình yêu. Với ta, chiếc áo tình yêu đã cũ rồi, nhưng với người khác nó lại hoàn toàn mới. Đó là quy luật hoán đổi. Người đã đi “khuất nẻo đường dài”, để lại trong ta một nỗi buồn khôn tả.
Bằng thể thơ lục bát đằm thắm, ngọt ngào, "Mùa xuân đánh rơi tình yêu" của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát đã đem đến cho độc giả sự đồng cảm về một cung bậc buồn của tình yêu. Bài thơ hấp dẫn bởi từ ngữ, hình ảnh giản dị, giọng điệu nhẹ nhàng lắng sâu, rồi lan tỏa như một nỗi buồn dịu nhẹ về một tình yêu đã thành quá vãng. Nói về mất mát xót đau nhưng không cay đắng, hằn học; dẫu có tiếc nuối nhưng vẫn trân trọng nâng niu. Đó vừa là vẻ đẹp nhân văn của bài thơ, vừa là cách yêu, cách cảm nhận tình yêu của những người phụ nữ nói chung và Nguyễn Thị Hồng Ngát nói riêng chăng?
NGUYỄN TỊNH BÌNH
Mùa xuân đánh rơi tình yêu Mảnh tình như áo vắt vaiTrót rơi đâu mất tìm hoài chẳng ra Chắc là rơi chẳng đâu xa Chắc ai đã nhặt đem về nhà phơi. Áo kia dù đã cũ rồi Riêng ta thương mến, riêng người dửng dưng Chẳng cay sao gọi là gừng Ta xin gió đấy, gió đừng rung cây. Mùa xuân tiếng hú gọi bầy Ta ngơ ngác giữa chốn này tìm ai Người đi khuất nẻo đường dài Đầu không ngoảnh lại - tình phai lâu rồi. Cũ ta nhưng lại mới người Không mưa mà lại gấp mười lần mưa. NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT |