Giới quan sát lo ngại việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký dự Luật Dân chủ và nhân quyền Hong Kong (Trung Quốc) sẽ đẩy đàm phán thương mại Mỹ - Trung tới bước ngoặt xấu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành dự Luật Dân chủ và nhân quyền Hong Kong bất chấp phản đối gay gay từ Trung Quốc
Sáng 28.11 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua dự Luật Dân chủ và nhân quyền Hong Kong (HKHRDA) phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc, qua đó mở đường cho hành động ngoại giao và trừng phạt kinh tế nhằm vào đặc khu. Ông Trump cho biết: "Tôi ký dự luật vì sự tôn trọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và người dân Hong Kong. Dự luật được thông qua với hy vọng rằng các lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc, đặc khu Hong Kong có thể giải quyết một cách thân thiện những bất đồng của họ, để đi đến hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả mọi người".
Tuần trước, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã nhất trí thông qua HKHRDA, theo đó yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ phải có báo cáo thường niên về việc xác nhận Hong Kong có đủ tự trị để được hưởng quy chế thương mại đặc biệt theo luật pháp Mỹ hay không. Đồng thời, HKHRDA còn đề xuất các biện pháp trừng phạt nhằm vào những cá nhân hoặc tổ chức bị cho là vi phạm các quyền tự do được quy định trong luật cơ bản của Hong Kong. Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua dự luật thứ hai và được Tổng thống Trump ký ban hành luật, theo đó cấm xuất khẩu cho Hong Kong các loại đạn dược kiểm soát đám đông như vòi rồng, bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng bắn điện.
Ngay sau động thái của Tổng thống Trump, Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macao của Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ việc Mỹ ký ban hành cái gọi là “đạo luật dân chủ và nhân quyền Hong Kong 2019”. Tuyên bố nhấn mạnh Mỹ đã ký ban hành luật trên "bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của phía Trung Quốc coi đây là một sự can thiệp rõ rệt vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như các quy tắc cơ bản trong các mối quan hệ quốc tế".
Tuyên bố trên nêu rõ Hong Kong là đặc khu hành chính của Trung Quốc, các vấn đề Hong Kong hoàn toàn là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích phát triển, thực hiện chính sách “một nước, hai chế độ” và chống lại bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào các vấn đề Hong Kong. Tuyên bố cũng nhấn mạnh "thực tế cho thấy Mỹ là thủ phạm gây rối lớn nhất" đối với Hong Kong.
Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong cũng đã ra tuyên bố nêu rõ sự phản đối mạnh mẽ đối với đạo luật trên của Mỹ, đồng thời bày tỏ "lấy làm tiếc về việc Washington phớt lờ những lo ngại của Hong Kong liên quan đến luật này". Người phát ngôn chính quyền Hong Kong nhắc lại rằng các chính phủ cũng như quốc hội nước ngoài không được can thiệp vào các vấn đề nội bộ của đặc khu hành chính Hong Kong dưới bất kỳ hình thức nào.
Reuters đưa tin, tín hiệu từ thị trường chứng khoán châu Á sáng 28.11 nhiễu động vì quyết định của Tổng thống Trump. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,15% trong những phút đầu của phiên giao dịch, trong khi chỉ số Topix chỉ nhỉnh hơn một chút. Ngược lại, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,3%. Chỉ số MSCI cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không tính Nhật Bản dao động nhỏ vào đầu phiên. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng tăng 0,3%.
Chiến lược gia trưởng tại sàn giao dịch CMC Markets (Sydney), ông Michael McCarthy cho rằng giá cổ phiếu tạm thời vẫn sẽ tăng theo quán tính từ những thông tin tích cực một ngày trước đó khi phía Trung Quốc công bố cuộc điện đàm giữa các quan chức thương mại hai bên nhằm chốt thỏa thuận giai đoạn 1. Ông McCarthy cho rằng việc ông Trump ký dự Luật Dân chủ và nhân quyền Hong Kong có thể chặn đứng diễn biến tốt của đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Bloomberg nhận định nếu thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không được thông qua trước ngày 15.12, ông Trump sẽ phải cân nhắc việc thực hiện lời đe dọa áp 15% thuế quan bổ sung đối với khoảng 160 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chỉ mới tuần trước, Tổng thống Mỹ từng tuyên bố không thể chốt cùng Trung Quốc "một thỏa thuận cân bằng" vì khi Mỹ chỉ mới "bắt đầu từ nền nhà" thì Trung Quốc đã "leo tới trần nhà".
"Trọng tâm là chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận vào ngày 15.12. Liệu Mỹ có đồng ý hoãn áp thuế quan vì thiện chí?", ông Khoon Goh, người đứng đầu phòng nghiên cứu châu Á của Tập đoàn Australia & New Zealand Banking Group nhấn mạnh.
Giới chuyên gia cho rằng ông Trump còn phải đối mặt với những ngờ vực tại chính nước Mỹ về ý nghĩa thật sự của một thỏa thuận tạm thời. Khả năng thỏa thuận này có thể mở đường cho những vòng đàm phán tiếp theo cũng là một câu hỏi lớn.
PHƯƠNG LINH(tổng hợp)